Thành phố Thủ Đức: Kỳ vọng thành phố kiểu mẫu thế kỷ 21
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 10/02/2021
TP. Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân, dự kiến đóng góp 30% GRDP cho TP. HCM và 7% GDP cả nước
Vậy làm thế nào để TP. Thủ Đức có thể phát triển đúng hướng, để giấc mơ “TP. Thủ Đức - Thành phố kiểu mẫu thế kỷ 21” sớm được chắp cánh. Trước thềm xuân mới, phóng viên Tạp chí Vietnam Logistics Review đã có buổi trò chuyện cùng Kiến trúc sư, Tiến sĩ Khoa học Ngô Viết Nam Sơn về vấn đề này.
TP. Thủ Đức được kỳ vọng trở thành hạt nhân phát triển của TP. HCM. Để đánh giá về bức tranh quy hoạch tổng thể, theo Kiến trúc sư (KTS) những yếu tố nào cần được ưu tiên hàng đầu để Thủ Đức được phát triển đúng hướng?
Thành phố phía Đông cần có các định hướng chiến lược quy hoạch có vai trò kết nối với các tỉnh thành lân cận, trong đó TP. Thủ Đức phải như lõi trung tâm của TP. HCM. Về phía Đông, kết nối với sân bay Long Thành (Đồng Nai), cảng Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), và đầu mối hạ tầng đường sắt tỉnh Bình Dương. Ta không nên giới hạn tầm nhìn quy hoạch các khu theo địa giới hành chính, mà phải nhìn xa hơn, TP. Thủ Đức cần hình thành hạ tầng trọng điểm với giá trị liên kết vùng để kích thích phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, trong tương quan kết nối vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vấn đề quy hoạch phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng của TP. Thủ Đức cần được tính toán để kết nối tốt với hạ tầng trọng điểm như các tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Metro Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Phạm Văn Đồng,… giao thông cần được ưu tiên để tạo nên hệ thống giao thông kết nối nội đô và vùng một cách thuận tiện.
Việc phát triển thành phố phía Đông không dừng lại ở việc phát triển đô thị, đô thị chỉ là một mảng, quan trọng hơn là phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn từ việc xây dựng các cơ sở sản xuất, cơ sở làm việc đem lại nguồn công ăn việc làm cho cư dân.
Yếu tố “An cư, lạc nghiệp” cũng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Khi quy hoạch TP. Thủ Đức, bên cạnh việc quy hoạch khu dân cư, thì cần phải chú trọng quy hoạch những khu trung tâm việc làm.
Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng Thủ Đức có thể trở thành một Silicon Valley của Việt Nam. Để làm được điều đó ta cần tập trung phát triển các khu nghiên cứu R&D, khu sản xuất, và dịch vụ thương mại công nghệ cao, tạo ra những chu trình khép kín, như các khu đô thị đại học đẳng cấp quốc tế, thông qua việc nâng tầm Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Fulbright. Các trường sẽ đóng vai trò đào tạo, hợp tác cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho khu công nghệ cao, tiếp theo, khu công nghệ cao sẽ nghiên cứu ra các sản phẩm chất lượng và xuất khẩu ra thế giới, thông qua mạng lưới logistics, trong khi đó khu kinh tế tài chính Thủ Thiêm sẽ giúp thu hút các nguồn vốn đầu tư và nguồn lực trong và ngoài nước.
Hạ tầng logistics là một lợi thế mà chúng ta cần quan tâm phát triển. Quận 2, quận 9, quận Thủ Đức là nơi tập trung nhiều hoạt động logistics như cảng Cát Lái, cụm cảng Trường Thọ,… Tuy nhiên, trong quy hoạch tổng thể của Thành phố thì sự quan tâm dành riêng cho logistics còn khiêm tốn. Tiềm năng logistics tại TP. Thủ Đức hiện nay có nhưng chưa được quan tâm đúng mức, logistics là một là mắt xích quan trọng trong việc phân phối vận chuyển hàng hóa, thông qua các kết nối luồng vận chuyển đa phương thức, đồng thời góp phần tạo ra một nguồn công ăn việc làm vô cùng lớn.
Theo đánh giá của KTS, TP. Thủ Đức hiện đang tồn đọng những “nút thắt” nào cần được tháo gỡ, để “giấc mơ" thay đổi diện mạo cho TP. HCM sớm thành hiện thực, thưa ông?
Với một dự án lớn như vậy, vấn đề nổi cộm là thu hút đầu tư. Vừa qua, Sở Giao thông vận tải, tính toán sơ bộ thì chỉ riêng hạ tầng giao thông đã cần đến 300.000 tỷ đồng, chưa kể đến ngân sách cần cho các công trình và hạ tầng khác như hạ tầng xã hội, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật. Thủ Đức cần một nguồn vốn khổng lồ và tất nhiên, nguồn vốn này không thể được cung ứng đủ từ ngân sách công, mà phần lớn phải từ xã hội hóa, với công thức “mỡ nó rán nó”. Làm sao để có những bản quy hoạch - nơi nhà đầu tư muốn bỏ tiền ra xây dự án khu công nghệ cao hoặc bất động sản, nhưng cũng đảm bảo lợi ích cho dân chúng về hạ tầng, tiện ích công cộng và môi sinh, có thế mới đạt được kỳ vọng chung.
TP. HCM nên trao quyền hạn cao hơn cho TP. Thủ Đức để tránh tình trạng trách nhiệm lớn mà quyền hạn không tương xứng
Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý khi làm những con đường mới thì các quỹ đất hai bên sẽ tăng giá lên vài chục lần, đây là một trách nhiệm vô cùng lớn của chính quyền TP. HCM, phải làm sao tận dụng được lợi ích thu từ quỹ đất, sớm thu hồi vốn để tái đầu tư.
Về cơ chế quản lý đặc thù, TP. HCM nên trao quyền hạn cao hơn cho TP. Thủ Đức. Để tránh tình trạng trách nhiệm lớn mà quyền hạn không tương xứng. Nếu cái gì cũng phải chờ cấp cao hơn phê duyệt, mất hàng tháng - và hiện nay đang có những dự án mất hàng năm trời - ta sẽ không đủ lực để làm thành phố phía Đông.
Với kinh nghiệm cá nhân, khi tham gia trong nhóm thiết kế quy hoạch khu trung tâm phố Đông Thượng Hải, chính quyền tại Trung Quốc rất quan tâm đến vấn đề quyền hạn, người đứng đầu phố Đông Thượng Hải sẽ có quyền hạn “thành phố phó tỉnh”, ngang với Phó Chủ tịch UBND Thành phố Thượng Hải. Trong đó, những nhà quản lý của Phố Đông có rất nhiều quyền hạn trong việc thu hút vốn đầu tư, không phải xin phép Trung ương mà được tự quyết định. Bởi, nếu mọi thứ đều chờ xin cấp phép từ “thành phố mẹ”, rồi Trung ương, thì cũng không khác gì cách làm cũ, các thời cơ sẽ mau chóng vuột mất. Với cơ chế như ở phố Đông Thượng Hải, lãnh đạo duyệt các dự án, xin giấy phép công ty rất nhanh và có thể tính bằng đơn vị tuần.
Với diện tích 212km2, tổng dân số lên đến 1,1 triệu người, bao gồm nhiều phân khu chức năng, đồng thời Thủ Đức phải gánh trọng trách chiếm 1/3 GRDP của TP. HCM. Liệu với một cấu trúc đô thị như vậy thì TP. Thủ Đức có đảm đương được không, thưa ông?
Chúng ta có một sự khởi đầu không phải từ con số không. Bản thân GRDP của quận 2, quận 9 và Thủ Đức đã đạt ở mức cao, nhiệm vụ của chúng ta chỉ cần nâng tầm nó lên. Hiện nay, có khoảng 1 triệu dân hiện hữu, để thực hiện được dự án xây dựng thành phố phía Đông văn minh hiện đại, đóng góp cho trên 1/3 GRDP Thành phố như kỳ vọng, thì TP. HCM phải xây dựng được một chiến lược phát triển tốt, và tổ chức phân kỳ kế hoạch thực hiện các dự án với tính khả thi cao, đồng thời TP. Thủ Đức cần thêm ít nhất khoảng nửa triệu dân mới.
TP. Thủ Đức cần tiếp nhận thêm 500 ngàn đến 1 triệu dân
Trong vòng một đến hai thập kỷ tới, TP. Thủ Đức cần tiếp nhận thêm 500 ngàn đến 1 triệu dân. Để đáp ứng được yêu cầu mà TP. Thủ Đức đặt ra, Thành phố phải thu hút được cư dân chất lượng cao. Cư dân chất lượng cao ở đây có nghĩa là những người có tri thức, trình độ, thu nhập cao, đem lại những sản phẩm có giá trị cho thành phố. Đây là kế hoạch dài hơi, Thành phố không chỉ phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng đô thị nhà cao tầng, dịch vụ thương mại mà đồng thời phải tạo nên nguồn công ăn việc làm, đem lại hiệu quả kinh tế.
Về mặt tiềm năng, đây là vùng đất có nhiều thuận lợi, có nhiều hạ tầng quan trọng, nhiều khu đất trống để phát triển dự án mà không khó khăn về đền bù, giải tỏa. Với lợi thế quỹ đất rộng, chúng ta có thể áp dụng những nguyên tắc của một đô thị mới, đô thị hiện đại, đi ngược lại với quy hoạch như nội thành hiện tại. Nếu như ở các quận nội đô là nhà phố, xe máy, chợ, quán xá lề đường thì ở Thủ Đức chúng ta sẽ không làm như vậy. Cụ thể sẽ là những con đường lớn phương tiện lưu thông tốc độ cao, tuyến xe buýt nhanh, tàu điện Metro, cùng với những mảng công viên lớn nhờ việc sử dụng đất hiệu quả và tiết kiệm diện tích từ việc xây nhà cao tầng. Khi đi theo hướng ngược lại như vậy, TP. Thủ Đức vừa đáp ứng được nhu cầu ở của người dân vừa tạo nên một “bộ mặt” khu đô thị đáng sống theo mô tuýp hiện đại, văn minh tiên tiến như các nước Âu - Mỹ, tuy nhiên vẫn sẽ có những chọn lọc cho phù hợp với văn hóa, con người Việt Nam.
Trong tương lai, nếu TP. Thủ Đức thành công như kỳ vọng thì có nên không việc áp dụng mô hình này ở các cửa ngõ còn lại của TP. HCM?
TP. HCM trong những năm vừa qua, vẫn luôn ấp ủ những mong muốn, dự định chia nhỏ thành phố, theo mô hình các “thành phố trong thành phố”. TP. HCM được phân ra thành khu trung tâm nội thành và các cửa ngõ Đông, Tây, Nam, Bắc mỗi đô thị sẽ có một đặc thù phát triển riêng.
Việc xây dựng các đô thị vệ tinh sẽ giúp giảm bớt áp lực dân cư, tạo nên diện mạo hài hòa cho thành phố và trong tương lai sẽ là xu thế tất yếu cho quá trình phát triển đô thị hóa.