Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành động lực phát triển của tỉnh Nghệ An
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 07:59, 10/03/2021
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chủ trì buổi làm việc
Sau điều chỉnh ranh giới và bổ sung các khu công nghiệp, đến nay diện tích của KKT Đông Nam mở rộng gần 20.800 ha nằm trên địa bàn các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên, thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò và thành phố Vinh. Ngoài KKT Đông Nam, trên địa bàn tỉnh còn có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.660ha thuộc địa bàn các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, thị xã Thái Hòa và thành phố Vinh.
Về công tác thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 của KKT Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh đạt gần 14.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư FDI đạt hơn 358 triệu USD, chiếm 39,5% vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 2010 -2020. Riêng 2 tháng đầu năm 2021, tỉnh Nghệ An đã cấp mới 4 dự án và điều chỉnh tăng vốn 2 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký và điều chỉnh tăng thêm hơn 6000 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch năm 2021. Trong đó có 3 dự án với số vốn đầu tư lớn như: Nhà máy sản xuất cấu kiện điện tử Everwin, tổng vốn 200 triệu đô la; dự án hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Mai I, tổng vốn 750 tỷ đồng và Khởi công nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử Goertek Vina với tổng vốn 100 triệu đô la.
Năm 2021, Ban quản lý KKT Đông Nam phấn đấu thu hút được khoảng 20-25 dự án, trong đó có 1 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu chức năng trong KKT Đông Nam hoặc KCN. Tổng vốn đầu tư đăng ký dự kiến đạt khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 600 - 700 triệu USD. Giai đoạn 2021-2025, thu hút được trên 100 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 70.000 tỷ đồng, trong đó có 30% dự án FDI, với tổng vốn là 2,26 tỷ USD.
Hiện nay, Ban quản lý KKT Đông Nam đang tập trung hoàn thiện các thủ tục để sớm cấp phép đầu tư cho dự án sản xuất điện tử Ju Teng với tổng vốn 200 triệu đô la tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1.
Luỹ kế đến tháng 3/2021, KKT Đông Nam, các KCN Nghệ An có 251 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 69.762 tỷ đồng (tương đương 3,02 tỷ USD).
Đến nay, KKT Đông Nam, các khu công nghiệp Nghệ An đã có 129 doanh nghiệp đi vào hoạt động. Năm 2020, các doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước 1.811 tỷ đồng, bằng 92% so với cùng kỳ 2019; giải quyết việc làm cho 23.630 lao động với thu nhập bình quân 6.281.000 đồng/tháng.
Hạ tầng các khu công nghiệp trong KKT Đông Nam Nghệ An ngày càng hiện đại
Để KKT Đông Nam và các Khu công nghiệp tỉnh phát triển, Ban Quản lý KKT Đông Nam và các địa phương kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh tập trung xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để làm được việc này, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, cơ chế hỗ trợ, chính sách thu hút, nguồn vốn để giải phóng mặt bằng phải được chú trọng.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, Ban quản lý KKT Đông Nam là đơn vị đầu tiên được UBND tỉnh chọn làm việc trong năm 2021. Qua đó thể hiện vai trò, vị trí của Ban trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Buổi làm việc nhằm thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, vướng mắc; đánh giá, xác định đúng vai trò, vị thế Ban quản lý KKT Đông Nam để thực hiện tốt nhiệm vụ, nhằm xây dựng KKT Đông Nam trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung yêu cầu Ban Quản lý KKT Đông Nam rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu kinh tế, mở rộng theo 2 hướng Quốc lộ 48 và Quốc lộ 7C để phù hợp với tổng thể quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Trước mắt, để nắm bắt làn sóng dịch chuyển của các nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư chiến lược, đồng chí Nguyễn Đức Trung yêu cầu Ban Quản lý KKT Đông Nam cần chuẩn bị hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục theo hướng thuận lợi nhất cho nhà đầu tư; Rà soát lại các cơ chế, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi, trước mắt hỗ trợ ngay những nhà đầu tư đang triển khai thực hiện dự án yên tâm, mở rộng cơ sở sản xuất; Tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, từ đó đảm bảo các điều kiện để đón nhận các nhà đầu tư thứ cấp.
Đồng thời, Ban Quản lý KKT Đông Nam cũng cần rà soát các dự án đang triển khai, có biện pháp xử lý các dự án chậm tiến độ; Trong thu hút đầu tư, cần lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, đúng định hướng, đảm bảo thân thiện môi trường; Quan tâm hỗ trợ thủ tục các nhà đầu tư hạ tầng như VSIP, WHA mở rộng diện tích khu công nghiệp theo nguyên tắc công bằng. Ngoài ra, hoàn thiện các quy chế phối hợp với các sở, ngành, địa phương để triển khai các dự án; quyết liệt và đề cao vai trò của người đứng đầu trong cải cách hành chính, cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thực thi nhiệm vụ.