Thách thức trong chuỗi cung ứng vắc xin COVID-19

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:08, 22/03/2021

(VLR) Ngành logistics nói chung và dịch vụ giao hàng chặng cuối sẽ phải có kế hoạch phù hợp để đáp ứng được nhu cầu phân phối hàng tỷ liều vắc xin COVID-19 trong năm 2021 này. Những yêu nghiêm ngặt về nhiệt độ bảo quản đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho chuỗi cung ứng COVID-19.

Tháng 12/2020 vừa qua, tại Hoa Kỳ, khi vắc xin COVID-19 nhận được sự chấp thuận của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), các nhà khai thác dịch vụ logistics phải đối mặt với nhiệm vụ quan trọng là phân phối vắc xin trên toàn thế giới. Trong khi FDA có thể theo dõi quá trình phê duyệt chất lượng và nhiều lô vắc xin đã được xuất xưởng, những thay đổi trong khâu vận chuyển chặng cuối đang đáp ứng tốt hơn nhu cầu phân phối trong năm 2021.

Sự chuẩn bị trước của các bên chịu trách nhiệm vận chuyển thuốc từ cơ sở sản xuất đến các trung tâm sức khỏe trên toàn thế giới là điều quan trọng nhất. Bởi, các liều vắc xin khi được vận chuyển đều phải giữ ở mức cực lạnh - dù chuỗi cung ứng hiện tại đều đang phải hoạt động hết công suất. Ngành logistics cũng đang cố gắng tránh các tình trạng thiếu hụt vận tải và mối quan hệ căng thẳng giữa các quốc gia sau cuộc tranh giành thị trường thiết bị bảo vệ cá nhân trong những tháng đầu tiên của đại dịch.

Theo Emir Pineda, quản lý thương mại hàng không và hậu cần tại sân bay quốc tế Miami và cùng là thành viên hội đồng quản trị Tiaca cho biết: “Đây sẽ là những thách thức lớn nhất mà toàn ngành logistics phải đối mặt từ trước đến nay. Cả chuỗi cung ứng đều kết nối với nhau, và nếu một trong những mắc xích này hỏng hóc thì vấn đề của chúng ta sẽ càng lớn hơn”.

Hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết được chính xác về thời điểm các nhà sản xuất thuốc sẽ có đủ lượng vắc xin để phân phối đại trà, các ước tính về vận chuyển, phân phối rất khó đưa ra và vẫn không đáng tin cậy. Ông Pineda cũng chia sẻ rằng, lượng vắc xin COVID-19 có thể cần hơn 65.000 tấn khối lượng vận tải, gấp bốn lần lượng vắc xin được vận chuyển vào năm 2019 và đủ để lắp đầy 930 chiếc chuyên cơ vận tải Boeing 747.

Với hàng loạt những vướng mắc đang có, chuỗi cung ứng vắc xin COVID-19 sẽ còn gặp phải những trở ngại lớn như sau:

Chuỗi cung ứng lạnh

Vắc xin yêu cầu điều kiện bảo quản thích hợp tại mọi thời điểm trong chuỗi cung ứng để đảm bảo hiệu quả khi chúng đến tận tay bệnh nhân. Điều này thường không quá khó khăn. Ví dụ như vắc xin cúm chỉ yêu cầu bảo quản trong nhiệt độ từ 1,6oC đến 5,5oC.

Tuy nhiên, vắc xin COVID-19 lại có các yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Vắc xin theo mRNA của Pfizer và BioNTech yêu cầu bảo quản đông lạnh đến dưới -67,7oC (-90oF). Kho bãi bảo quản lạnh từ lâu đã không đáp ứng được trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp toàn cầu trong nhiều năm qua, và ngành bảo quản đông lạnh lại còn tệ hơn thế. Việc thiếu điều kiện bảo quản sẽ gây khó khăn cho việc phân phối và lưu trữ vắc xin trong khu vực và địa phương.

Các loại vắc xin hàng đầu khác, chẳng hạn như mRNA của Moderna có yêu cầu bảo quản tiêu chuẩn hơn và có thể dự trữ đến 6 tháng trong tủ đông tiêu chuẩn. Trong điều kiện lý tưởng nhất, việc nâng cấp liên tục để tăng khả năng vận chuyển chặng cuối kèm theo các yêu cầu bảo quản vắc xin khác nhau sẽ đủ để tránh các gián đoạn lớn trong việc phân phối vắc xin.

Tình trạng thiếu đá khô

Do thiếu kho lạnh, Pfizer đã phải vận chuyển trực tiếp đến các cơ quan y tế và bệnh viện. Bảo quản vắc xin đúng nhiệt độ thích hợp đã là thách thức lớn đối với chuỗi cung ứng, và các cơ sở y tế không thể làm được điều này. Sau khi được lấy ra khỏi kho đông lạnh, các vắc xin này chỉ có thể sử dụng trong 5 ngày tiếp theo.

Giải pháp cho vấn đề này là một loại bao bì đặc biệt của Pfizer, giúp duy trì nhiệt độ bảo quản đông lạnh thích hợp trong tối đa 30 ngày nếu được đổ đầy đá khô sau mỗi 5 ngày. Đá khô thường được tạo ra bằng cách đóng băng các sản phẩm phụ CO2 thu hồi từ việc sản xuất dầu khí và ethanol. Tuy nhiên, các ngành này lại đang sản xuất ít nhiên liệu hơn trong năm qua cũng do đại dịch, dẫn đến lượng CO2 cần thiết cho việc sản xuất đá khô cũng ít hơn trước.

Phân phối các thiết bị liên quan

Chuỗi cung ứng y tế hiện tại vẫn chưa phục hồi hoàn toàn do tình trạng thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) vào đầu năm 2020 khi đại dịch bùng phát. Nhiều chuyên gia y tế vẫn đang vật lộn để tìm nguồn cung cấp khẩu trang N95, găng tay, áo choàng và nhiều thiết bị quan trọng khác dành cho các nhân viên y tế khi tiến hành tiêm chủng cho người dân sắp tới.

Ngoài các thiết bị bảo vệ cá nhân tiêu chuẩn, việc triển khai vắc xin đã tạo ra nhu cầu cho các thiết bị phụ trợ khác trong hoạt động tiêm chuẩn như khăn lau cồn, ống tiêm, kim tiêm và băng bông. Chuỗi cung ứng sẽ cần tiếp tục duy trì các nhu cầu mới này trong thời gian dài tới đây.

Thay đổi nhưng không khuất phục

Chuỗi cung ứng đã được chuẩn bị trước cho thời điểm này kể từ khi việc phát triển vắc xin thành công bắt đầu xuất hiện. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics toàn cầu, các hãng hàng không, nhà vận chuyển mặt đất, mạng lưới chăm sóc sức khỏe và các nhà sản xuất đã cùng nhau tìm ra những cách thức sáng tạo mới để đưa vắc xin từ sàn sản xuất đến những người cần chúng.

Mặc dù việc phân phối vắc xin vẫn sẽ gặp những trở ngại lớn trong thời gian tới, tuy nhiên năm 2021 vẫn có vẻ khả quan hơn năm ngoái và mọi người đã sẵn sàng tiếp tục chiến đấu với COVID -19.