Đào tạo dựa trên năng lực thực hiện – Xu hướng đột phá trong giáo dục

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:54, 19/03/2021

(VLR) Sáng nay (19/3), Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (gọi tắt là Aus4Skills) đã tổ chức hội thảo trực tuyến giới thiệu Bộ tài liệu giảng dạy theo năng lực cho các nghề thuộc lĩnh vực logistics và cách sử dụng bộ tài liệu giảng viên/đánh giá viên và tài liệu học tập.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến thu hút sự tham gia của các giáo viên, học viên ngành logistics trong các trường đối tác của chương trình Aus4Skills

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến thu hút sự tham gia của các giáo viên, học viên ngành logistics trong các trường đối tác của chương trình Aus4Skills

Phát triển nguồn nhân lực luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, không phân biệt quốc gia đó là phát triển hay đang phát triển, là nước giàu hay nghèo. Tiềm năng, cơ hội, năng lực cạnh tranh quốc gia cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lao động qua đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

Ngày nay, đào tạo theo năng lực thực hiện đang trở thành xu thế phổ biến trên thế giới và cũng là một trong những phương thức của dạy học hiện đại trong giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam. Theo phương thức đào tạo này, người ta quan tâm tới việc người học sẽ làm được gì sau quá trình đào tạo, chứ không thuần túy là chỉ biết được gì; quan tâm tới người dạy sẽ dạy như thế nào, để đánh thức tiềm năng, nhu cầu cần lĩnh hội kiến thức, kỹ năng của người học, chứ không phải chỉ là dạy nội dung gì cho người học.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lou De Castro Myles, chuyên gia tư vấn và giảng dạy quốc tế thuộc Aus4skills chia sẻ: "Đào tạo nghề nghiệp là đào tạo người học có được năng lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ) giải quyết được những nhiệm vụ thực tiễn, thực hiện tốt các yêu cầu hoạt động nghề nghiệp".

Với mục tiêu hỗ trợ bồi dưỡng năng lực cho các giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam theo tiếp cận năng lực thực hiện, Chương trình Aus4Skills đã mời các chuyên gia Australia có kinh nghiệm trong lĩnh vực sư phạm và giáo dục nghề nghiệp tố chức Khóa học Hướng dẫn biên soạn tài liệu giảng dạy theo năng lực cho các nghề thuộc lĩnh vực Logistics năm 2020.

Giới thiệu Bộ tài liệu giảng dạy theo năng lực cho các nghề thuộc lĩnh vực logistics

Giới thiệu Bộ tài liệu giảng dạy theo năng lực cho các nghề thuộc lĩnh vực logistics

Khóa học góp phần nâng cao năng lực thiết kế, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy dành cho giảng viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người hướng dẫn tại doanh nghiệp dịch vụ logistics trong giảng dạy/hướng dẫn các mô đun, môn học thuộc các nghề trong lĩnh vực logistics theo tiếp cận năng lực thực hiện.

Sau khóa học, chương trình xuất bản bộ sách gồm 6 cuốn tài liệu nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng để sinh viên phát triển những năng lực cần thiết. Bộ sách là thành quả của tập thể các học viên trong khoá học cùng với sự tư vấn và hỗ trợ của chuyên gia Australia và Việt Nam thông qua Chương trình Aus4Skills, được xây dựng, thiết kế trên phương pháp tiếp cận theo năng lực của Australia (competency-based learning and assessment strategies) và có sự tham khảo kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Cuốn sách được cấu trúc hợp lý, khoa học, thuận lợi trong quá trình học tập, đánh giá, bảo đảm cho việc hình thành và phát triển các năng lực thực hiện của người học.

Chương trình Aus4Skills là tên gọi tắt của Chương trình Úc cùng Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực, đây là dự án của Chính phủ Australia nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Dự án nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp là một trong năm hợp phần của chương trình Aus4Skills. Dự án hướng đến nâng cao chất lượng và năng lực thực hiện của người học sau khi tốt nghiệp để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyền dụng và xu hướng thị trường bằng cách thí điểm mô hình doanh nghiệp tham gia trong xây dựng và triển khai giáo dục nghề nghiệp.

Thụy Hậu