Những gam màu lạc quan của bức tranh kinh tế

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 16/04/2023

Việt Nam là quốc gia có sự thay đổi ngoạn mục nhất về thứ hạng trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh quý I/2023 do EIU công bố. Cùng với đó là chỉ số PCI, PAPI 2022, cho thấy mảng màu lạc quan của nền kinh tế

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022, có gì mới?

Ngày 11/4/2023, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.

pci-202120230405103022-1-.jpg
Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm 2021 và cũng là lần thứ 5 liên tiếp

Đây là năm thứ 18 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là cuộc khảo sát lấy mẫu ngẫu nhiên, được thực hiện bài bản và khoa học theo các chuẩn mực cao của thế giới. Khảo sát PCI có thể xem là cuộc khảo sát doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay, phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam hàng năm.

Bên cạnh bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố như thường lệ, báo cáo PCI 2022 còn đánh giá các chuyển động trên nhiều lĩnh vực của môi trường kinh doanh Việt Nam như: Mức độ thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận thông tin, công tác thanh, kiểm tra, chi phí không chính thức, chất lượng thực thi quy định tại các địa phương và các khó khăn doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải.

Báo cáo PCI 2022 cũng phản ánh đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trên nhiều khía cạnh như thủ tục đầu tư, thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai, xuất nhập khẩu, chất lượng lao động…

Cũng trong Báo cáo PCI 2022, lần đầu tiên VCCI và USAID giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Trong một diễn biến khác, theo bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu quý I/2023 do Cơ quan Nghiên cứu và phân tích EIU thuộc Tập đoàn tư vấn Economist Group (Anh) công bố, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ lần lượt là 3 quốc gia có sự thay đổi lớn nhất về thứ hạng. 

moi-truong-kinh-doanh-120230415183721.jpg
Những quốc gia có thay đổi thứ hạng môi trường kinh doanh nhiều nhất (Ảnh: EIU)

Các quốc gia đã cải thiện thứ hạng nhiều nhất trong năm qua là Việt Nam, Thái Lan, Bỉ, Thụy Điển, Ấn Độ và Costa Rica. Việt Nam nhảy vọt 12 bậc trong bảng xếp hạng, trong khi Thái Lan tăng 10 bậc, Bỉ tăng 7 bậc và 3 quốc gia còn lại tăng 6 bậc.

Người dân lạc quan về kinh tế

Trong một diễn biến logic, đó là Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2022 được công bố vào sáng 12/4 phản ánh sự lạc quan của người dân về kinh tế, tuy nhiên vẫn còn nỗi lo ngại về tác động của đại dịch.

Báo cáo PAPI năm 2022 cung cấp một bức tranh quan trọng về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong năm thứ hai của nhiệm kỳ 2021-2026, cho thấy sự thay đổi quan điểm của người dân về hiệu quả của công tác chống tham nhũng ở địa phương trong bối cảnh người dân kỳ vọng về nền quản trị hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Những nỗ lực của Việt Nam trong năm 2022 nhằm khắc phục các tác động kinh tế-xã hội của hai năm đại dịch đã giúp tăng niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế của hộ gia đình và của quốc gia trong năm qua.

Đáng chú ý, có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là “tốt” vào năm 2022, tăng 19,4% so với một năm trước đó. Cũng ở câu hỏi này, tỉ lệ người dân đánh giá điều kiện kinh tế của đất nước là “kém” giảm tới 13,7% so với tỉ lệ 19,8% của năm 2021 xuống còn 6,1% năm 2022. Tương tự như vậy, ở cấp hộ gia đình, tỉ lệ người dân cho rằng điều kiện kinh tế hộ của mình là “kém” giảm từ 15,3% năm 2021 xuống còn 11,4% năm 2022.

nguoi-tieu-mua-sam-hang-hoa20221112183702.jpg
Lạc quan về kinh tế, nhưng người dân vẫn lo lắng về đại dịch

Tuy cảm nhận về điều kiện kinh tế khá hơn, tác động của hai năm đại dịch vẫn còn đó. Mặc dù 56% số người được hỏi khẳng định điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ tốt hơn vào năm 2022 và cao hơn so với tỉ lệ 52% vào năm 2021, nhưng tỉ lệ này vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2012. Tương tự, những người cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ là kém đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012, ngoại trừ năm 2021.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định: Chương trình nghiên cứu Chỉ số PAPI nhằm phản ánh đánh giá của người dân về việc thực hiện chính sách và các chương trình phát triển của nhà nước, từ đó đóng góp vào việc cải thiện và tăng cường khả năng đáp ứng, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền. Báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009.

Bảo Hân (tổng hợp)