Dịch vụ giao nhận và chuyển phát nhanh Việt Nam có gì mới?
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 20:40, 16/04/2023
Với tốc độ tăng trưởng kép 24,1% trong giai đoạn 2022 – 2030, thị trường chuyển phát nhanh của Việt Nam ước đạt khoảng 114.680 tỷ đồng vào năm 2030 (tương đương 4,88 tỷ USD).
Cùng với hội nhập kinh tế sâu rộng và đà phục hồi hậu COVID-19, ngành logistics Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển. Trong đó các phân khúc giao nhận, chuyển phát,... được đánh giá là có cơ hội lớn khi thương mại điện tử phát triển nhanh và người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong năm 2022.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bưu chính đạt gần 27.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; sản lượng bưu gửi đạt 870 triệu bưu gửi, tăng 25% so với cùng kỳ 2021. Theo Allied Market Research (2022), thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam dự kiến đạt 114.680 tỷ đồng (tương đương 4,88 tỷ USD) vào năm 2030, đạt tỷ lệ tăng trưởng hằng năm kép là 24,1% từ năm 2022 đến năm 2030. Các yếu tố như ngành thương mại điện tử đang phát triển cùng với sự gia tăng trong giao hàng B2C và tốc độ phát triển nhanh chóng trong các dịch vụ thương mại quốc tế, là một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.
Theo Quyết định số 654/QĐ-TTg ngày 30/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chiến lược bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã làm rõ phát triển thị trường bưu chính theo 3 nhóm:
- Nhóm dịch vụ bưu chính công ích (B2G): Mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính công ích, trong đó tập trung mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính phổ cập; bảo đảm cung cấp dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và thời gian (liên tục 24 giờ trong một ngày và 7 ngày trong một tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, Tết); tối ưu hóa quy trình, nghiệp vụ; ứng dụng công nghệ số để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Nhóm dịch vụ bưu chính cạnh tranh (B2B, B2C): Phát triển các dịch vụ hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử và giao hàng chặng cuối cho logistics, chuỗi cung ứng; sử dụng nền tảng tích hợp các dịch vụ bưu chính truyền thống đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng trong kỷ nguyên số nhằm tăng doanh thu, nâng cao chất lượng hiệu quả; tự động hoá, thông minh hóa, tối ưu hóa các quy trình xử lý công việc, mở rộng thị trường và tăng doanh thu lĩnh vực bưu chính và chuyển phát.
- Nhóm dịch vụ mở rộng hệ sinh thái dịch vụ bưu chính: Chú trọng khai thác hạ tầng bưu chính; phát triển các dịch vụ mới nhằm mở rộng hệ sinh thái dịch vụ bưu chính: phân phối, bán lẻ, thương mại điện tử; thanh toán và tài chính số; các dịch vụ bưu chính số hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế: nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, đào tạo, tư pháp...; phát triển các mô hình kinh doanh mới trên cơ sở kết hợp, chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng bưu chính với các doanh nghiệp khác.
Theo báo cáo của Allied Market Research (2022), các công ty chủ chốt hoạt động trên thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam hiện nay có thể kể đến như GHN (Giao hàng nhanh), BEST Express Việt Nam (BEST Inc.), Giao hàng tiết kiệm, J&T Express, Kerry Express, Nasco Logistics JSC, Nhất Tín Logistics, Công ty TNHH Tiếp vận Nin Sing (Ninja Van), Swift247, Viettel Post và VNPost.
Những xu hướng tiêu dùng mới và thương mại điện tử hậu COVID-19 đang có tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi và định hình chiến lược của doanh nghiệp giao nhận, chuyển phát tại Việt Nam. Để đáp ứng được nhu cầu thay đổi liên tục của khách hàng, các doanh nghiệp phải đảm bảo yêu cầu linh hoạt, đưa ra những dịch vụ chuyên biệt phục vụ từng nhóm nhu cầu riêng biệt, hoặc đẩy mạnh khâu phân loại khách hàng nhằm đến với người tiêu dùng gần hơn nữa, từ đó, tăng trải nghiệm tốt cho khách hàng qua các dịch vụ giá trị gia tăng như phân loại sản phẩm đóng gói, dán nhãn, theo dõi bưu kiện trực tuyến, ứng dụng di động, e-mail và cảnh báo SMS, gắn thẻ bảo mật, hỗ trợ khách hàng qua tổng đài 24/7,…
Cùng với khối lượng giao dịch gia tăng, các yêu cầu về thời gian giao hàng nhanh chóng, giao nhận hàng hóa đặc thù hay đổi trả hàng,… cũng đa dạng hơn và đòi hỏi sự thích ứng liên tục của các nhà cung cấp dịch vụ giao nhận, chuyển phát. Trong số các yếu tố này, tốc độ giao hàng nhanh và hiệu quả về chi phí là một trong những tiêu chí cạnh tranh quan trọng trong kinh doanh dịch vụ chuyển phát hiện nay.
Ngoài ra, để khắc phục những hạn chế do cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, ách tắc vào giờ cao điểm,... các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh, vận chuyển, giao nhận tại các đô thị lớn của Việt Nam cần tìm cách tối ưu hóa thời gian xử lý đơn hàng càng nhanh chóng càng tốt. Một trong những giải pháp đang chiếm xu thế là tích cực chuyển đổi số để tối ưu hóa hoạt động logistics tại đô thị, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm rủi ro của việc thất thoát, nhầm lỗi, đổi trả và gia tăng sự hài lòng của khách hàng.
Một phân khúc đáng lưu ý đang được các doanh nghiệp trên thị trường giao nhận, chuyển phát, đặc biệt là ở phân khúc chặng cuối quan tâm khai thác là nông sản và hàng hóa tươi sống. Để đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt hơn cho người tiêu dùng cũng như thuận tiện trong quá trình vận chuyển, bảo quản, một số doanh nghiệp trong ngành đã đồng hành cùng người nông dân và hướng dẫn đóng gói hàng hóa theo quy chuẩn để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cũng như áp dụng công nghệ hiện đại vào việc quảng bá sản phẩm và bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội.
Ngày 15/08/2022, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tổ chức ra mắt Trung tâm Kinh doanh Thương mại điện tử Postmart. Postmart có nhiệm vụ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế số nông thôn, xây dựng và phát triển nền tảng thương mại điện tử quốc gia trong hệ sinh thái thương mại điện tử theo mô hình B2B, B2C, C2C.
Sàn thương mại điện tử Postmart.vn là nền tảng để tạo ra giá trị và giúp bà con nông dân, các hộ sản xuất chủ động tiêu thụ sản phẩm với giá trị lớn hơn. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ thương nhân, nhà sản xuất cắt giảm tối đa các chi phí trung gian, gia tăng số lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bán ra thị trường; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ với phương thức kinh doanh hiện đại không bị khống chế về mặt thời gian và không gian.
Tính đến tháng 9/2022, sàn thương mại điện tử Postmart.vn đã có 3,5 triệu tài khoản người mua, bán; hơn 350.000 nhà cung cấp các sản phẩm; hơn 7,7 triệu lượt truy cập và phát sinh hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày. Trung tâm cũng đã tổ chức hàng trăm lớp đào tạo phổ cập kỹ năng số và tập huấn nghiệp vụ kinh doanh trên sàn Postmart theo cả hình thức online lẫn offline cho các hộ sản xuất nông nghiệp trên toàn quốc. Hơn 4,5 triệu học viên đã nắm rõ kỹ năng số và nghiệp vụ kinh doanh trên môi trường số, từ đó đi lan tỏa và phổ cập kiến thức đến nhiều hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn các tỉnh/thành phố./,
Nguồn: Bộ Công Thương