Phát triển thị trường cho dịch vụ logistics Việt Nam
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 08:39, 17/04/2023
Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 với GDP sau 9 tháng đầu năm 2022 đạt mức 8,93% (Agility, 2022).
Phát triển thị trường cho dịch vụ logistics đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam. Phát triển thị trường cho dịch vụ logistics tập trung vào phân tích việc phát triển thị trường theo các tiêu chí như mặt địa lý, khách hàng và đối tác trong năm 2022.
Các doanh nghiệp logistics Việt Nam dưới sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ GTVT, và VCCI,… đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến phát triển thị trường và khách hàng trong năm 2022 như:
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã xúc tiến và khai trương thành công tuyến vận tải biển đi Ấn Độ. Sự tiến bộ không ngừng của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam trong vận chuyển container nội địa là cơ sở, bước đi vững chắc để có thể tiến đến chạy nội châu Á và các tuyến xa hơn, góp phần giúp Việt Nam chủ động trong hoạt động xuất nhập khẩu, kết nối quốc tế, giảm giá thành vận tải quốc tế và cũng là giảm chi phí logistics, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa và doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Ngày 20/3/2022, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi hội thảo chuyên đề “Phát triển ngành Dịch vụ Logistics tại TP. Hồ Chí Minh” do VLA phối hợp cùng Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức. Hội thảo cung cấp những thông tin liên quan đến hiện trạng của ngành logistics Việt Nam, đưa ra các số liệu nghiên cứu đáng tin cậy và giải đáp thắc mắc cho báo chí về cách tính chi phí ngành logistics Việt Nam, các đề xuất nhằm cắt giảm chi phí và phát triển ngành dịch vụ này tại Việt Nam. Hội thảo cũng giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics hiểu rõ về hiện trạng phát triển của ngành, tình hình phát triển thị trường logistics tại Việt Nam và tăng cường kết nối với các đối tác trong và ngoài nước.
Nhằm quảng bá các dịch vụ logistics và phát triển các thị trường logistics quốc tế của Việt Nam, kết nối doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tới các doanh nghiệp, đối tác tiềm năng trong và ngoài nước ngay tại Việt Nam, lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 31 (Vietnam Expo 2022) diễn ra từ ngày 13-16/4/2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đồng hành cùng VLA tổ chức Khu gian hàng “Dịch vụ Logistics Việt Nam”.
Tại Hội chợ, có 6 doanh nghiệp hoạt động năng động trong lĩnh vực logistics đã tham gia tại khu vực các gian hàng của Hội chợ, quảng bá các dịch vụ logistics như: Dịch vụ đóng gói, chứng từ xuất nhập khẩu, hải quan, vận tải đa phương thức, kho bãi,... Theo tổng kết thì có khoảng 1.000 lượt khách trong nước và quốc tế đã ghé thăm và trao đổi, trong đó có khoảng 255 khách hàng có thể giao dịch ngay. Đây là một sân chơi cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics, được ghi nhận là một hoạt động Cần thiết - Ý nghĩa - Hiệu quả, nên làm thường niên.
Ngày 23/4/2022, UBND TP. Cần Thơ phối hợp cùng VLA tổ chức hội thảo “Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản và thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo thu hút sự tham dự của gần 200 đại diện đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng nông sản và thủy sản, các doanh nghiệp vận tải, logistics,… Đặc biệt trong dịp này, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng nông sản và thủy sản, dây chuyền cung ứng hàng lạnh đến từ Hàn Quốc và Cảng Pyeongteak.
Ngày 28/4/2022, Báo Công Thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics”. Tham dự hội thảo có đại diện các tổ chức kinh tế, thương mại, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics, thương mại điện tử, các tổ chức, các quỹ đầu tư, các ngân hàng, sàn giao dịch, đối tác giao hàng và đối tác sử dụng; các tổ chức đào tạo, nghiên cứu về logistics và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội. Hội thảo tập trung đi sâu tìm giải pháp phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao; phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ trong logistics; tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; là cơ hội gặp gỡ, trao đổi, kết nối các bên tham gia của chuỗi cung ứng.
Diễn đàn Logistics Thành phố Hồ Chí Minh lần 1 năm 2022 tổ chức ngày 30/09/2022 với chủ đề “Vị thế logistics của TP. Hồ Chí Minh từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực” có nhận định phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ ngành logistics phát triển mạnh mẽ, phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030.
Trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh về logistics tại Đức. Chương trình do Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức từ ngày 11-18/10/2022 tại Đức, với sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp dịch vụ logistics uy tín, giúp thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực logistics giữa doanh nghiệp logistics Việt Nam và các doanh nghiệp Đức trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được thực hiện; thiết lập quan hệ hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước của Đức về logistics; là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, thâm nhập được cửa ngõ thương mại tại châu Âu.
Ngày 19/10/2022, Diễn đàn “Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển” do VCCI chủ trì, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng SLP Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) thực hiện đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Diễn đàn là nơi trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm nâng cao sự phát triển của ngành logistics Việt Nam.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng dự kiến tổ chức trong 02 ngày 24-25/11/2022 tại thành phố Hải Phòng với chủ đề “Logistics xanh”. Diễn đàn Logistics Việt Nam luôn được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2013 nhằm phối hợp đồng bộ các hoạt động để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về các vấn đề cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới, tạo cơ hội cho doanh nghiệp kết nối đối tác, phát triển thị trường.
Để phát triển thị trường dịch vụ logistics có rất nhiều việc phải làm:
Một là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Theo đó, sửa đổi một số quy định, bổ sung về dịch vụ logistics tại Luật Thương mại, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics; sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới. Bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...
Hai là, ban hành các chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển. Theo đó, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Hỗ trợ DN dịch vụ logistics, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin.
Ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho phát triển dịch vụ logistics, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics, góp phần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các DN cung cấp dịch vụ logistics. Hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường. Rà soát các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại tự do, từ đó hỗ trợ DN nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics...
Ba là, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất địa phương gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông, vận tải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất.
Bốn là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics thông qua việc đăng cai, tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics; Học hỏi kinh nghiệm nước ngoài trao đổi cơ hội đầu tư, hợp tác về phát triển dịch vụ logistics; Đẩy mạnh tuyên truyền cho các DN sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa về việc sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài theo hướng chuyên môn hóa, phân công lao động hợp lý trong chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển trên thế giới và khu vực. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho cả DN lẫn cơ quan quản lý để phục vụ sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ logistics.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics. Tiếp tục mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh; Xây dựng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc.
* Ngày 16/12/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 163/NQ-CP về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam (Nghị quyết 163).
* Quan điểm của Chính phủ khẳng định, phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; phát triển thị trường dịch vụ logistics, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dịch vụ logistics; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực; phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.