Kinh tế Việt Nam: Ổn định kinh tế vĩ mô để vượt qua thách thức

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 11:00, 18/04/2023

Nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn cao, rủi ro nợ xấu gia tăng...

Còn nhiều thách thức

Theo đánh giá của Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ ngày 3/3, trong hai tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,45% so với tháng 1, tăng 0,97% so với tháng 12/2022; bình quân 2 tháng đầu năm tăng 4,6%.

a1-7768-compressed.jpeg

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, ổn định và phát triển. Trong đó, du lịch phục hồi nhanh, khách nội địa 2 tháng đầu năm đạt trên 20 triệu lượt; khách quốc tế đạt trên 1,8 triệu lượt, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục chú trọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Đặc biệt là việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 chương trình mục tiêuquốc gia; thúc đẩy các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng; tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện để khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế..

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB phân tích, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, với mức tăng trưởng đạt 8%, vượt mức trung bình 7,1% trong giai đoạn 2016-2019... Do tác động trong nước và bên ngoài, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại ở mức 6,3% vào năm 2023. Tuy nhiên, theo WB, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn cao, rủi ro nợ xấu gia tăng. Nhiều ngành công nghiệp giảm hoặc tăng trưởng thấp. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giảm so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Hoạt động SXKD cũng gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 2 tháng giảm 11,2%, số DN rút khỏi thị trường tăng 14,5% so với cùng kỳ; một số DN tiếp tục giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Các thị trường trái phiếu DN, bất động sản còn nhiều khó khăn...

Trước rủi ro đang gia tăng

Theo nhận định của Chính phủ, thời gian tới mức tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại, rủi ro gia tăng; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn diễn biến phức tạp, khó lường... Ở trong nước, SXKD gặp nhiều khó khăn; tăng trưởng kinh tế quý I đang đối mặt với thách thức lớn; áp lực thanh khoản của thị trường bất động sản, trái phiếu DN tăng cao, rủi ro đối với nền kinh tế gia tăng; trong khi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến bất thường...

industrial-port-with-containers-compressed.jpeg

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm sự chủ động, quyết liệt, chính xác và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với diễn biến tình hình, khắc phục các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội để phục hồi và phát triển KTXH.

Bộ Công Thương cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại công nghiệp, chú trọng các ngành có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao, bền vững. Tập trung tháo gỡ khó khăn của các dự án công nghiệp lớn, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất, tạo chủ động nguồn cung cấp nguyên, nhiên vật liệu phục vụ phát triển bền vững. Đồng thời, tiếp tục tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và DN lớn toàn cầu. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, kích cầu tiêu dùng trong nước, nhất là các sản phẩm công nghiệp.

springtime-saigon-boat-canal-transport-spring-flower-tet-ben-binh-dong-open-air-market-vietnamese-happy-with-lunar-new-year-vietnam-compressed.jpeg

Tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 81,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn 14.152 tỷ đồng của 50 dự án đang hoàn thiện thủ tục để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất còn rất chậm; chưa kịp thời có phương án xử lý nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 còn dư sau khi sử dụng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

(Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2023.)

Ngành Ngân hàng cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng.

Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát... nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả mối liên kết phát triển giữa các lĩnh vực trong nền kinh tế; giữa các địa phương và các vùng trong cả nước; vươn lên làm chủ một số chuỗi giá trị để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả...

Trần Trình Lãm