Hoạt động logistics tại các doanh nghiệp sản xuất và thương mại
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 04:19, 19/04/2023
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 là 148.533 doanh nghiệp, tăng 27,1% so với năm 2021, gấp 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2021 (129.611 doanh nghiệp).
Hoạt động sản xuất và thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng tăng trưởng tốt. Cụ thể, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ đạo đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%. Khu vực thương mại với ngành bán buôn và bán lẻ cũng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng với mức tăng 10,24% so với cùng kỳ năm 2021.
Với nhiều tác động từ tình hình thế giới như chiến tranh, lạm phát, biến động giá nhiên liệu,… hoạt động logistics của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2022. Giá nhiên liệu tăng đột biến trong năm 2022 với mức tăng khoảng 33% so với giá trung bình 2021, ảnh hưởng đến chi phí cho hoạt động logistics của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại15. Đến thời điểm tháng 9/2022, sau nhiều lần giá xăng dầu điều chỉnh giảm liên tiếp đã góp phần giảm chi phí logistics và qua đó kiểm soát đà tăng của chi phí sản xuất.
Tuy gặp phải nhiều rào cản và thách thức, song các doanh nghiệp sản xuất và thương mại vẫn có được những thuận lợi từ quá trình hội nhập quốc tế và kinh tế của Việt Nam với việc tham gia các FTA như: CPTPP, EVFTA hay RCEP,… có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động sản xuất và thương mại.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong 2 năm trở lại đây, tạo đà bứt phá cho ngành logistics, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Bộ Công Thương phát hành, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước có thể đạt mức 7,2% - 7,8% năm 2022 (tăng so với 7% vào năm 2021) với doanh thu dự kiến đạt 16,7 tỷ USD. Điều này cho thấy sự gia tăng nhu cầu thực hiện hoạt động logistics cho hoạt động thương mại điện tử, trong đó những khâu quan trọng phải kể đến là hoạt động logistics tại các trung tâm chia chọn (sortation center) và hoạt động giao hàng chặng cuối (last-mile delivery). Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp chủ chốt trong ngành, vận chuyển giao nhận cũng là một trong những khó khăn tác động đến quá trình vận hành hoạt động thương mại điện tử16, đặc biệt trong bối cảnh khi hạ tầng logistics dành cho các trung tâm chia chọn hay trung tâm giao nhận hàng của thương mại điện tử ở các thành phố lớn bị hạn chế do giới hạn về quỹ đất cũng như tình hình ùn tắc trong giao thông đô thị cũng có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả giao nhận hàng về yếu tố thời gian
Quá trình nghiên cứu, đánh giá tình hình hoạt động logistics tại các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, cho thấy, mặc dù tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics tại các doanh nghiệp tham gia khảo sát có sự thay đổi tăng lên, tỷ lệ thuê ngoài hiện vẫn chưa cân đối giữa các dịch vụ logistics.
Cụ thể, đối với lĩnh vực vận tải nội địa và quốc tế, tỷ lệ thuê ngoài chiếm cao nhất với mức 73% và 76% nhưng với dịch vụ kho hàng tỷ lệ tự làm khá cao (đến 85%). Các hoạt động logistics như làm thủ tục xuất/nhập khẩu, khai báo hải quan, môi giới bảo hiểm và kho ngoại quan đều được nhiều doanh nghiệp lựa chọn thuê ngoài.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, lựa chọn tự thực hiện các hoạt động logistics nhằm tăng tính chủ động trong sử dụng nguồn lực sẵn có và giảm sự phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ logistics. Theo khảo sát thực tế, hơn 70% doanh nghiệp lựa chọn tự làm dịch vụ logistics như kho hàng, thu mua nguyên vật liệu, dự báo nhu cầu, xử lý đơn hàng, đóng gói hàng, dán nhãn, ký mã hiệu, quản lý tồn kho, quản lý hệ thống thông tin và kiểm tra chất lượng. Trong đó hơn 90% doanh nghiệp chọn tự làm hoạt động quản lý tồn kho và xử lý đơn hàng.
Một số hoạt động như vận tải nội địa, môi giới bảo hiểm, vận tải quốc tế có tỷ lệ tự làm thấp (dưới 20%). Lý do ít doanh nghiệp lựa chọn tự thực hiện các hoạt động này thường là: Các hoạt động có tính phức tạp về mặt thủ tục; Doanh nghiệp không hoặc ít am hiểu về lĩnh vực vận tải nội địa và quốc tế; Chi phí đầu tư cho đội xe cao và quản lý đội xe không hiệu quả; Thiếu nhân lực chất lượng để thực hiện.
Trước bối cảnh tác động do tình hình COVID-19 và các yếu tố khách quan như giá cước vận tải tăng cao và chi phí nhiên liệu biến động thường xuyên cũng như chi phí thuê đất xây dựng kho hàng gia tăng, việc sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài với sự chuyên nghiệp và tin cậy cũng như mạng lưới kết nối tốt giúp cho các doanh nghiệp sản xuất và thương mại có thể tránh được những tác động do đứt gãy chuỗi cung ứng. Có thể nhận thấy một số lý do chính thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất và thương mại quyết định chọn hình thức thuê ngoài dịch vụ logistics bao gồm:
- Chi phí tốt hơn: đối tác thuê ngoài với mạng lưới dịch vụ kết nối có thể cung cấp dịch vụ với chi phí tối ưu hơn so với chính các công ty tự thực hiện.
- Khả năng linh hoạt hơn: đối tác thuê ngoài có thể dễ dàng cung cấp nhiều hơn và đa dạng dịch vụ đáp ứng yêu cầu của các chủ hàng, đồng thời có thể linh hoạt điều chỉnh dịch vụ phù hợp kỳ vọng của khách hàng.
- Phù hợp với chiến lược kinh doanh: doanh nghiệp chủ hàng định hướng tập trung vào năng lực cốt lõi trong lĩnh vực sản xuất hay thương mại và thuê ngoài một số hoạt động logistics.
Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm từ một số công ty sản xuất ở Anh và Ấn Độ đã chỉ ra rằng các công ty chọn thuê ngoài dịch vụ logistics phần lớn là do các nguyên nhân sau: Giảm chi phí trực tiếp và gián tiếp; Giảm chi phí vốn; Giảm chi phí logistics; Cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn; Chia sẻ rủi ro; Học hỏi từ các nhà cung cấp dịch vụ logistics; Được tiếp cận với các công ty logistics có năng lực và vị thế uy tín trên thế giới hoặc thu hút nhân tài trên toàn cầu.
Kết quả Khảo sát cho thấy, dịch vụ vận tải nội địa và quốc tế được hơn 70% doanh nghiệp lựa chọn thuê ngoài. Các hoạt động khác như làm thủ tục xuất/nhập khẩu, khai báo hải quan, môi giới bảo hiểm, giao nhận và xếp dỡ hàng hóa cũng chiếm tỷ lệ khá cao hơn với hơn 30%.
Đa phần doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn trong các hoạt động làm thủ tục xuất/nhập khẩu và khai báo hải quan như chưa hiểu rõ quy trình, thủ tục và các thay đổi. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho doanh nghiệp thuê ngoài các dịch vụ này.
Doanh nghiệp sản xuất và thương mại khi quyết định tự thực hiện hoạt động logistics cũng xuất phát từ một số điểm thuận lợi như sau:
- Có khả năng tiết kiệm chi phí logistics do tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực hiện tại như phương tiện vận tải, kho bãi,...
- Chủ động thích ứng với tình hình cụ thể của doanh nghiệp, chẳng hạn yêu cầu hoạt động logistics tương ứng với từng ngành hàng cụ thể (dệt may, da giày, nông sản,...) liên quan nhiệt độ, thiết bị xếp dỡ, hạ tầng kho bãi phù hợp;
- Thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua khả năng thực hiện hoạt động logistics, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ.
Theo kết quả Khảo sát, 78% doanh nghiệp cho rằng tiết kiệm chi phí logistics là một trong những thuận lợi khi doanh nghiệp tự thực hiện hoạt động logistics. Thích ứng yêu cầu cụ thể và tận dụng nguồn lực sẵn có cũng được cho là những thuận lợi của doanh nghiệp khi tự làm các hoạt động logistics với 68% doanh nghiệp đồng ý.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, khi tự thực hiện các hoạt động logistics, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại cũng phải đối mặt với một số khó khăn về chất lượng nguồn nhân lực, khả năng kết nối mạng lưới, nguồn vốn đầu tư hạ tầng logistics, chất lượng cũng như yêu cầu hoạt động logistics phù hợp với đặc thù của từng ngành hàng khác nhau, chẳng hạn như như sản xuất thiết bị máy móc, ô tô, linh kiện điện tử; hàng nông sản; hàng nguy hiểm; hàng tiêu dùng nhanh,…
Khảo sát cho thấy một số khó khăn hơn 50% doanh nghiệp gặp phải khi tự thực hiện hoạt động logistics đó là: thiếu nguồn lực logistics, thiếu kinh nghiệm và nhân sự không chuyên nghiệp.