Số hóa và đổi mới dẫn đường cho các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 20:41, 19/04/2023
Khảo sát này cũng khẳng định việc các doanh nghiệp nhỏ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế năm vừa qua. Đà tăng trưởng trên được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2023, với 83% đối tượng được khảo sát kỳ vọng vào sự phát triển của hoạt động kinh doanh.
09 trên 10 doanh nghiệp được hỏi tin rằng nền kinh tế quốc nội sẽ tăng trưởng trong năm 2023, đó cũng là tỉ lệ cao nhất trong số 11 thị trường được khảo sát. Các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam cũng đứng đầu trong danh sách ghi nhận tăng trưởng trong năm 2022 (78%). COVID-19 tiếp tục là yếu tố tác động lớn nhất tới các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam trong năm vừa qua, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đã giảm. Chỉ 32% doanh nghiệp ghi nhận ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với hoạt động kinh doanh trong năm 2022, giảm so với 78% năm 2021.
TS. Cấn Văn Lực - Chủ tịch Ban Tư vấn chiến lược khu vực phía Bắc Việt Nam của CPA Australia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - nhận định: “Hỗ trợ kịp thời của Chính phủ Việt Nam đã giúp các doanh nghiệp nhỏ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch”.
Ông chia sẻ thêm: “Việt Nam đã mở cửa trở lại trong quý đầu năm 2022, tạo cơ hội tăng cường đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế và du lịch. Kinh tế số phát triển nhanh chóng khi các doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn với kinh doanh trực tuyến do COVID-19. Nhờ đó, kinh tế nội địa có điều kiện tăng trưởng. Đồng thời, việc cải cách thể chế và triển khai các Hiệp định Thương mại tự do có thể thúc đẩy hơn nữa sự lạc quan của các doanh nghiệp".
Ngoài ra, môi trường tài chính cũng đã được nới lỏng tại Việt Nam trong năm qua, 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính bên ngoài. Tuy nhiên, ý định vay của các doanh nghiệp đã giảm, chỉ 47% đơn vị kêu gọi nguồn vốn bên ngoài trong năm 2022, so với 79% năm 2021. 06 trên 10 đại diện được hỏi có kế hoạch tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài trong năm nay.
TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh: “Năm 2022, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ lấy ngân hàng làm nguồn tài chính. Lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến ý định vay vốn của doanh nghiệp. Điều này cho thấy các doanh nghiệp nhỏ đang cẩn trọng hơn với chi phí tài chính của mình. Ngoài ra, điều kiện tài chính thắt chặt trên thị trường quốc tế cũng ảnh hưởng đến ý định vay vốn”.
Thương mại điện tử duy trì tăng trưởng ổn định trong năm qua, với 75% doanh nghiệp ghi nhận họ có hơn 10% doanh thu từ bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, lợi nhuận đến từ đầu tư công nghệ đã giảm đáng kể, từ 82% xuống còn 51% trong năm 2022. Đổi mới vẫn là yếu tố được chú trọng, với 9 trên 10 doanh nghiệp có kế hoạch giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ mới trong năm nay.
Trong số 11 thị trường được khảo sát, Việt Nam có tỷ lệ chủ doanh nghiệp nhỏ từ 30 đến 49 tuổi cao nhất. 09 trong 10 doanh nghiệp nhỏ được thành lập trong khoảng thời gian dưới 11 năm.
“Đây là một đặc điểm thú vị của doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam. Điều này có thể cho thấy chủ doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam có sự nhạy bén công nghệ cao hơn so với đồng nghiệp trong khu vực. Họ không chỉ thông thạo công nghệ và sẵn sàng đổi mới mà còn có kinh nghiệm vững chắc để mở rộng hoạt động kinh doanh”, TS. Cấn Văn Lực nhận xét.
“Sự bùng nổ của nền kinh tế số cùng với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang gia tăng vào Việt Nam có thể khuyến khích nguồn nhân lực ở cấp quản lý thành lập doanh nghiệp riêng. Kinh nghiệm sẵn có của họ giúp đảm bảo tỷ lệ khởi nghiệp thành công cao hơn. Trong ba năm trở lại đây, dưới tác động của đại dịch, các doanh nghiệp nhỏ đã tăng cường mạnh mẽ việc chuyển đổi số và áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia tư vấn để cải thiện lợi suất từ đầu tư công nghệ khi các công nghệ mới liên tục thay đổi và phát triển”.
TS. Cấn Văn Lực cũng đề xuất: “Một số doanh nghiệp nhỏ đã đầu tư nguồn lực vào thực hành ESG như nâng cao sức khỏe và an toàn của nhân viên. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể cải thiện nhiều hơn các hoạt động ESG do xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là tất yếu tại Việt Nam. Hiện tại, chỉ khoảng 02 trong 10 doanh nghiệp theo dõi việc sử dụng năng lượng và nước trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp cần nỗ lực hơn trong việc tiết kiệm năng lượng để quản lý chi phí và góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam”.