Cần có những biện pháp giảm phát thải ra môi trường
Hạ tầng - Ngày đăng : 08:17, 20/04/2023
Thực trạng vận tải Việt Nam
Vận chuyển hàng hoá từ nơi này đến nơi khác là một trong những nguyên nhân chính gây ra khí thải carbon tác động xấu đến môi trường. Vì vậy, việc triển khai logistics xanh là cần thiết. Logistics xanh được hiểu là các chiến lược và cách tiếp cận quản lý chuỗi cung ứng nhằm giảm năng lượng và tác động đến môi trường của việc phân phối hàng hoá, cùng với việc tập trung xử lý chất thải, vật liệu và đóng gói, vận chuyển.
Về đường bộ, mặc dù những năm qua Chính phủ đã đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống hạ tầng đường bộ, nhưng mạng lưới cao tốc vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Chiều dài cao tốc còn thấp so với các quốc gia khác, mật độ phân bố chưa đồng đều; Phương tiện vận tải thì chủ yếu là xe ô tô với tải trọng nhỏ. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2019), có khoảng gần 1,2 triệu xe tải được đăng ký chính thức ở Việt Nam; trong đó, 68% có tổng trọng lượng xe nhỏ hơn 5 tấn, 11% từ 5 – 10 tấn, 14% từ 10 – 20 tấn và 7% xe tải hạng nặng với tổng trọng lượng xe trên 20 tấn. Điều đó gây tình trạng ùn tắc và lượng phát thải cao.
Đường sắt là một phương thức vận tải thân thiện với môi trường. Tuy vậy, tại Việt Nam đường sắt chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng khai thác. Lượng lớn những toa hàng lạc hậu, cũ kĩ; phương tiện đầu máy đã sử dụng lâu năm dẫn đến việc xả khí thải độc hại và tiếng ồn ra môi trường.
Về vận tải biển, đường thuỷ thì, hiện nay Việt Nam chỉ mới có Tân Cảng – Cát Lái là cảng đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Tuy nhiên, do các phương tiện thủy nội địa quá cũ, lạc hậu, hiệu suất đốt cháy nhiên liệu thấp và chưa có hệ thống xử lý khí thải nên phát thải nhiều khí độc. Chẳng hạn như, các cảng trên địa bàn TP.HCM đang phát thải một khối lượng lớn khí CO2 ra môi trường như cảng Bến Nghé mỗi năm thải trên 5.000 tấn CO2; cảng Sài Gòn – Hiệp Phước khoảng 7.750 tấn CO2/năm; cảng container khoảng 101 tấn CO2/năm; cảng xăng dầu Thanh Lễ khoảng 385 tấn CO2/năm; cảng sửa chữa, đóng tàu cũng phát thải 2.278 tấn CO2/năm.
Vận tải hàng không là phương thức vận tải ít rủi ro nhưng khí thải từ máy bay lại làm ô nhiễm bầu khí quyển. Theo Tổ chức Liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC), khói thải từ máy bay chiếm 3,5% nguyên nhân làm cho trái đất ấm dần lên. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm hoạt động vận tải phát thải khoảng 30 triệu tấn CO2 thì trong đó vận tải hàng không chiếm 5% (Báo Tài nguyên Môi trường, 2019).
Một số biện pháp giảm phát thải và những tác động tiêu cực của logistics đến môi trường
Phần lớn lượng khí thải trong chuỗi cung ứng đến từ hoạt động logistics. Trong khi đó, logistics lại đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động của chuỗi, đặc biệt là việc sắp xếp hàng tồn kho, vận chuyển nguyên liệu thô.
Vì vậy cần có những biện pháp để giảm phát thải ra môi trường. Việc tối ưu hoá các tuyến đường, cùng với việc sử dụng các phương tiện xanh để giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường trong quá trình vận chuyển; Tiết kiệm việc sử dụng năng lượng và nhiên liệu bằng cách thông qua lập trình để các thiết bị có thể tự ngắt kết nối khi không hoạt động.
Các kho bãi, việc đóng hàng cần sử dụng bao bì linh hoạt, nhẹ và tuỳ chỉnh, hoặc những sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc này không những tiết kiệm được chi phí sản xuất mà còn giảm khí thải CO2, giúp cải thiện những tác động xấu đến môi trường. Hiện nay, một số công ty vận chuyển đã lưu ý đến việc sử dụng nhựa tái chế hoặc thùng vận chuyển để sử dụng được nhiều lần, hoặc có thể hoàn trả lại.
Một số nhà vận tải đã theo dõi và đo lường lượng khí thải thông qua việc ghi lại và theo dõi các qui trình hậu cần của mình, để đảm bảo được mục tiêu về hiệu suất cũng như việc giảm lượng khí thải. Khi theo dõi từng bước trong chuỗi cung ứng của mình, các doanh nghiệp có quyền truy cập vào chỉ số và thông tin tình báo để giúp giảm lượng khí thải carbon và cả chi phí vận hành.
Lợi ích mà logistics xanh mang lại
Việc triển khai Logistics xanh góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo với qui định chính sách về bảo vệ môi trường ở mỗi quốc gia khác nhau. Điều đó cũng góp phần gìn giữ tài nguyên thiên nhiên để sản xuất và các loại hàng hoá cũng như cung ứng dịch vụ. Nhờ các hoạt động đó, môi trường đã giảm ô nhiễm, giảm thiểu khí CO2 và duy trì được không khí sạch một cách hiệu quả.
Tiết kiệm chi phí cũng là lợi ích mà Logistics xanh mang lại, những loại chi phí như phí vận chuyển, lưu trữ và chuyển nhượng sản phẩm từ các doanh nghiệp đến khách hàng. Cùng với đó là sự giảm thiểu chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng.
Việc đưa hàng hoá đến tay khách hàng một cách nhanh chóng, cùng với đó là sự cẩn trọng trong việc đóng gói sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, các nhà vận chuyển còn tính được khối lượng hàng hoá, đặc biệt là tránh được những chuyến đi có quá nhiều container rỗng. Việc hình thành các trung tâm xử lý các sản phẩm cần thu hồi nên đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng cho người tiêu dùng, nhà bán lẻ và nhà phân phối. Điều đó góp phần cho nền kinh tế phát triển.