Chính phủ quyết tâm “làm mới” môi trường đầu tư
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:25, 12/05/2021
Chính phủ quyết tâm làm mới môi trường đầu tư
Quyết liệt phòng chống dịch và phát triển kinh tế
Một trong những mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra hàng đầu cho năm 2021 là, tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Tại phiên họp đầu tiên sau khi Chính phủ kiện toàn các thành viên diễn ra vào sáng 15/4/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ. Đồng thời chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong 6 tháng và cả năm 2021.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”; đối với cá nhân thực hiện công thức “5K + vắc xin”; đối với tập thể thực hiện nghiêm biện pháp “an toàn COVID”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là và sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh.
Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm nhập cảnh trái phép. Tổ chức tiêm vắc xin khẩn trương, an toàn tuyệt đối, dứt khoát không để tình trạng vắc xin không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ. Giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh phương án và nghiên cứu triển khai cơ chế “hộ chiếu vắc xin” và tạo điều kiện thuận lợi để sớm có vắc xin sản xuất trong nước.
Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, xác định rõ khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm; đồng thời bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật và tránh sai phạm.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ đồng ý ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì khẩn trương sơ kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất
Ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Việc gia hạn này là cần thiết để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021.
Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội
Như vậy, đây là lần thứ 3 Chính phủ gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Trước đó, ngày 08/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định đã gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đến 05/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tại Nghị định này, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10/2020. Số thuế phát sinh nộp ngân sách chậm nhất là từ 20/9/2020 đến 20/12/2020.
Bộ Tài chính cho biết, tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng. Do là gia hạn thời gian nộp thuế nên số thu ngân sách của năm 2021 không giảm do người nộp thuế phải thực hiện nộp vào ngân sách vào cuối năm 2021.
Qua đánh giá cho thấy, những chính sách nêu trên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước bằng thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả.