Làm gì để tăng trưởng xuất khẩu?

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 08:53, 21/04/2023

Tình hình lạm phát thế giới những tháng đầu năm 2023 tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Theo đó, thị trường xuất khẩu (XK) còn phải chịu nhiều tác động của sự suy yếu đồng USD do từ ngày 8/3 đến ngày 12/3 đã có 3 ngân hàng ở Mỹ bị sụp đổ, gây nên sự lo lắng về một cuộc khủng hoảng tài chính như hồi năm 2008. Bên cạnh đó, xung đột Nga -Ukrane vẫn tiếp diễn mạnh mẽ, biến động nguồn cung nguyên liệu và đứt gãy chuỗi cung ứng... việc XK đã gặp nhiều khó khăn.

Sụt giảm hàng hoá xuất khẩu

Hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch XNK hàng hóa của VN ước đạt 96 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch XK giảm 10,4%, đạt 49,44 tỷ USD. Việc sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho XK của VN. Trong đó, có 8 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch XK. Tuy nhiên, kim ngạch XK của hầu hết nhóm hàng đều giảm, ngoại trừ nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản. Cụ thể là nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 3,88 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 42,97 tỷ USD, giảm 9,8%... Riêng nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 626 triệu USD, tăng 4,3% (chủ yếu do XK dầu thô tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022).

aerial-view-cat-lai-port-with-cargo-ship-container-ho-chi-minh-city-vietnam-compressed.jpeg

Đơn hàng sụt giảm, giá hàng hóa XK giảm, đồng USD cũng bị suy giảm đang là mối lo của nhiều DN XK VN trong năm 2023.

Bối cảnh thế giới đã tác động tiêu cực đến XK của một số nhóm hàng chủ lực của VN. Trong đó, XK dệt may sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh. Các quốc gia nhập khẩu này đã đòi hỏi khắt khe hơn từ các sản phẩm so với trước.

Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đến xu hướng các đơn hàng chậm lại, mức giá XK gỗ nguyên liệu giảm. Thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại nhưng chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn toàn hồi phục, ẩn chứa nhiều rủi ro. Với thị trường khu vực châu Âu, dù được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ... mà phía EU đặt ra là những rào cản lớn cho XK gỗ.

Tình hình thế giới hiện nay cho thấy, các thị trường XK chính của VN như Mỹ, EU... sẽ tiếp tục giảm do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.

Thêm vào đó, các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... có xu hướng giảm lượng tồn kho để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước.

Tận dụng FTA, đa dạng hóa thị trường

Hiện nay, vẫn có nhiều yếu tố tích cực đối với hoạt động XK như các FTA tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; các DN VN tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA...

article-compressed.jpeg

Việt Nam đã tham gia ký kết 17 FTA, trong đó 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Các FTA đi vào thực thi đã và đang tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế cũng như XK hàng hóa của VN. Tuy nhiên, DN còn bỏ lỡ nhiều cơ hội và chưa tận dụng triệt để lợi thế từ các FTA. Điều này xuất phát một phần do năng lực của DN còn hạn chế. Mặt khác, do sau gần hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia bắt đầu đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn với hàng nhập khẩu, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Cụ thể là EVFTA, dù DN VN đã không ngừng tăng tốc XK, nhưng hàng hóa VN cũng mới chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần của thị trường EU.

Đối với thị trường Trung Quốc, với chính sách mở cửa trở lại từ đầu năm 2023 sau gần ba năm thực hiện chính sách “Zero COVID”, đã tác động tích cực đến XK của VN sang thị trường này. Trong đó, XK hàng hóa sang thị trường Trung Quốc trong tháng 2 tháng đầu năm đạt 8,2 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì vậy, việc khai thác thị trường mới và tận dụng cơ hội từ các FTA là giải pháp hữu hiệu để duy trì đà tăng trưởng XK. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán các FTA mới như FTA với các nước khối Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ Latinh. Theo đó, tận dụng sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh XK.

Thống kê cho thấy, nhờ vào lợi thế ưu đãi thuế quan, đến thời điểm đầu năm 2023, DN vẫn được hưởng lợi từ CPTPP tương đối tốt. Thêm vào đó, UKVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, nhưng XK hàng hoá của VN sang thị trường Anh tăng 15,4%.

Các mặt hàng XK có thế mạnh của VN sang Vương quốc Anh tăng trưởng rất tốt, cho giá trị cao như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép... và đã có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%.

containers-railways-shipment-concept-compressed.jpeg

Đối với các mặt hàng nông sản XK, để duy trì đà tăng trưởng, DN cần đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong tình hình mới. Song song đó, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP...

Để nâng cao hiệu quả XK trong thời gian tới, bên cạnh việc giữ vững các thị trường truyền thống, Bộ Công Thương khuyến cáo DN cần nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới, mặt hàng mới như các thị trường Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh để hàng VN vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng thế giới.

TS. Nguyễn Văn Khanh