Tranh chấp về tổn thất hàng hóa và vận đơn sạch (Phần 2)
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 13:25, 21/04/2023
Quan điểm và kết luận của hội đồng trọng tài
Đơn bảo hiểm yêu cầu bao bì lô hàng theo tiêu chuẩn xuất khẩu của nhà sản xuất đã được đáp ứng. Trong quá trình bốc hàng, vận chuyển và dỡ hàng, Người vận chuyển, Bị đơn không có ý kiến gì về tình trạng bao bì. Vận đơn ghi rõ “Clean Shipped on Board”, có nghĩa là vận đơn sạch, hàng đã bốc lên Tàu.
Theo Đơn bảo hiểm và Hợp đồng, chỉ loại trừ bồi thường nếu hàng hóa bị rỉ sét tự nhiên. Hội đồng Trọng tài nhận thấy trong Chứng thư 02 không có chỗ nào kết luận lô hàng này bị rỉ sét tự nhiên. Ngược lại, chứng thư này kết luận: “Trong quá trình vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, môi trường thay đổi từ vùng không khí lạnh sang vùng không khí nóng đã gây ra hiện tượng đổ mồ hôi hàng hóa tạo ra một dung dịch chất điện ly gây ăn mòn kim loại, tạo ra gỉ sét từ các đai sắt chằng buộc bên ngoài/ các mép gờ biên của cuộn thép (các mép gờ biên này là nơi trực tiếp tiếp xúc với mồ hôi hàng hóa và cũng là nơi mà lớp kẽm mạ yếu nhất). Sau đó, các gỉ sét này phát triển và lan tỏa vào bên trong bề mặt của cuộn thép gây ra hiện tượng ố vàng/ố đen trên bề mặt cuộn hàng.” Từ đó, Hội đồng Trọng tài cho rằng hiện tượng rỉ sét dẫn tới ố đen/ố vàng đã xảy ra trong quá trình vận chuyển và trước khi dỡ hàng chứ không phải trước khi bốc hàng lên Tàu.
Biên bản dỡ hàng ngày 08/03/2014 của Cảng Lotus chỉ rõ các cuộn thép của lô hàng này bị đổ mồ hôi, móp, khuyết bề mặt trước khi dỡ hàng. Vì vậy, Hội đồng Trọng tài cho rằng trong quá trình bốc, chất xếp và dỡ hàng một số cuộn thép đã bịmóp, khuyết tại mép, tại đầu cuộn ở các vòng phía ngoài là do bị va đập, nghĩa là các tì vết này đã xảy ra trước khi dỡ hàng ra khỏi Tàu.
Theo khoản 1 Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, chứng thư giám định phải ghi rõ nguyên nhân và mức độ tổn thất nhưng Chứng thư 02 chỉ nêu nguyên nhân. Ngày 19/09/2014, chứng thư này mới được giao cho Nguyên đơn và ngay khi nhận được Nguyên đơn đã ”đề nghị Công ty giám định độc lập khác giám định lại lô hàng tổn thất trên” nhưng Bị đơn không trả lời. Ngày 03/11/2014, Nguyên đơn thông báo sẽ chỉ định đơn vị giám định độc lập để xác định mức độ tổn thất thì ngày 06/11/2014, Bị đơn trả lời không chấp nhận kết quả giám định này. Xét thực tế trên đây, Hội đồng Trọng tài thấy rằng công ty giám định do Bị đơn chỉ định đã không xác định mức độ tổn thất của lô hàng nên việc Nguyên đơn phải thuê công ty giám định khác để xác định mức độ tổn thất của lô hàng là hợp lý theo khoản 2 Điều 262 Luật Thương mại 2005.
Ngày 18/11/2014, Nguyên đơn ký Hợp đồng với Công ty giám định VN (”Công ty VN”) với yêu cầu: “Kiểm tra số lượng/tình trạng tổn thất/xác định giá thu hồi của hàng tổn thất tại thời điểm giám định”. Công ty VN đã lập Chứng thư giám định ngày 12/12/2014 (”Chứng thư 03”) có ghi: “Căn cứ vào tình trạng ngoại quan của hàng hóa ... 02 đơn vị có đủ khả năng thu mua số hàng tổn thất nói trên như sau: Đơn giá thu mua của Công ty [...] 6.750 VND/kg (A). Đơn giá thu mua của Công ty [...] 6.680 VND/kg (B). Đơn giá bình quân (A) + (B)/2= 6.715 VND/kg. ... giá thu hồi 130 cuộn mạ nhôm kẽm nói trên như sau: 535,185 tấn tịnh x 6.715 VND = 3.593.767.275 VND”.
Xét thực tế trên đây, căn cứ Chứng thư 03, Hội đồng Trọng tài cho rằng có cơ sở để chấp nhận đơn giá bình quân do Công ty VN xác định. Căn cứ vào Chứng thư 02, Chứng thư 03, văn thư của Bị đơn và mục “Mức độ tổn thất” trong Bản tự bảo vệ ngày 30/06/2015, Hội đồng Trọng tài chấp nhận trị giá tổn thất của lô hàng nêu trong Bản tự bảo vệ này là 10.268.582.000 – (3.593.767.275 + 1.114.500.570) = 5.560.314.155 VND. Do tại Phiên họp, Nguyên đơn chỉ yêu cầu 5.560.000.000 VND nên Hội đồng Trọng tài chấp nhận 5.560.000.000 VND. Theo Điều 27.3 Quy tắc chung, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu chi phí xác định giá thị trường và mức độ tổn thất; căn cứ hợp đồng giám định, Chứng thư 03, Hội đồng Trọng tài chấp nhận yêu cầu bồi hoàn 66.000.000 VND của Nguyên đơn.
Về tiền lãi, căn cứ Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, Điều 305 Bộ luật Dân sự 2005 và thực tế: Ngày 06/03/2014 khi phát hiện tổn thất, Nguyên đơn đã thông báo cho Bị đơn theo Điều 7.1 của Hợp đồng và việc giám định tổn thất kết thúc ngày 01/04/2014. Ngày 08/04/2014 và nhiều lần sau đó, Nguyên đơn có thư khiếu nại và ngày 18/12/2014, Nguyên đơn đã gửi Bị đơn Thư khiếu nại bồi thường kèm theo bộ hồ sơ và Bị đơn đã nhận được bộ hồ sơ này. Như vậy, nghĩa vụ bồi thường của Bị đơn đã phát sinh theo quy định tại Điều 7.2 của Hợp đồng: 15 ngày sau khi nhận được bộ hồ sơ hợp lệ tức ngày 03/01/2015, lẽ ra tiền bồi thường phải được trả nhưng Bị đơn đã đưa ra nhiều lý do không có cơ sở pháp lý để khước từ bồi thường, tức là Bị đơn trì hoãn việc bồi thường thì phải chịu tiền lãi do chậm thanh toán. Tuy vậy, Hội đồng Trọng tài không chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn về thời gian tính tiền lãi từ ngày 25/06/2014 đến ngày 25/06/2015 mà chỉ được tính từ ngày phát sinh nghĩa vụ thanh toán (03/01/2015 đến ngày 06/07/2015 (ngày của Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp), tính tròn là 6 tháng, cụ thể là 5.560.000.000 VND (Nguyên đơn tính tròn) x 8%/năm x 6 tháng = 222.400.000 VND. Tổng số tiền là 5.560.000.000 VND + 66.000.000 VND + 222.400.000 VND = 5.848.400.000 VND.
Về lập luận và chứng cứ của Bị đơn, theo Chứng thư 02, Bị đơn cho rằng tổn thất là do chất lượng lô hàng này kém từ khi sản xuất và bị khiếm khuyết vốn có trước khi bốc lên Tàu; người vận chuyển cấp vận đơn sạch có thể do nhận thư cam kết của người giao hàng mặc dù có khiếm khuyết ghi trên Yêu cầu vận chuyển (Shipping Order). Hội đồng Trọng tài cho rằng Chứng thư 02: (i) không nêu hàng bị ố đen, ố vàng trước khi bốc lên Tàu, (ii) hàng bị đổ mồ hôi tạo chất điện ly, gây ra ố đen, ố vàng. Thay đổi nhiệt độ không phải là sự kiện bất khả kháng, không phải là cơ sở loại trừ trách nhiệm bồi thường.
Căn cứ Chứng thư 02, Hội đồng Trọng tài kết luận: Theo Điều 262 Luật Thương mại 2005, Chứng thư này có giá trị ràng buộc đối với Bị đơn và tổn thất ố đen, ố vàng do rỉ sét phát sinh từ hiện tượng đổ mồ hôi hàng hóa trong quá trình vận chuyển không phải là rỉ sét tự nhiên, do vậy không loại trừ trách nhiệm bồi thường.
Tại Phiên họp ngày 06/07/2015, Bị đơn cho rằng Nguyên đơn phải bán đấu giá hàng hóa theo giá trả cao nhất, không phải giá bình quân và Bị đơn đưa ra một bản chào mua với giá 9.450 VND/Kg. Thấy vậy, Hội đồng Trọng tài khuyến nghị Bị đơn hợp tác với Nguyên đơn bán lô hàng tổn thất này cho người mua đó và Nguyên đơn đồng ý.
Tuy vậy, Bị đơn không hưởng ứng khuyến nghị của Hội đồng Trọng tài. Xét khuyến nghị về giá bình quân trong Chứng thư 03, ý kiến của Bị đơn và việc Bị đơn không cùng Nguyên đơn bán lô hàng này với giá do chính Bị đơn đưa ra, Hội đồng Trọng tài cho rằng: (i) Nguyên đơn chưa bán đấu giá vì theo Nguyên đơn, lô hàng vẫn đang còn trong kho; (ii) hai mức giá trong Chứng thư 03 không phải là giá bán đấu giá do Nguyên đơn đưa ra nên không thể yêu cầu Nguyên đơn phải bán với mức giá cao hơn; (iii) mức giá bình quân trong Chứng thư 03 là mức giá bình quân trên thị trường của lô hàng tổn thất này vào thời điểm khảo sát do một tổ chức giám định trung lập đưa ra để áp dụng cho việc xác định mức độ tổn thất là hợp lý.
Kết luận: Hội đồng Trọng tài quyết định buộc Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn số tiền 5.848.400.000 VND bao gồm: Tiền bồi thường bảo hiểm là 5.560.000.000 VND; chi phí xác định giá thị trường và mức độ tổn thất hàng hóa là 66.000.000 VND và tiền lãi do chậm thanh toán bồi thường là 22.400.000 VND.
(*) Trọng tài viên VIAC