Đi về phía cù lao
Văn hóa - Ngày đăng : 06:42, 22/04/2023
Bây giờ chỉ còn sông Hàm Luông bên cạnh và tôi là chưa ngủ. Cả Trung tâm điều dưỡng Người có công tỉnh Bến Tre chìm trong gió mát lạnh. Tôi thức có thể vì những chén trà Bắc của Trung tâm. Mấy ngày xa Bắc thấy thèm thuồng. Chén trà vừa xanh, vừa vàng óng, bốc lên mùi thơm thật quyên rũ. Thế là uống và bây giờ thao thức. Có thể vì ông bạn cùng đoàn công tác nằm giường kế bên. Đặt lưng, và kéo gỗ đến dòng sông cũng trở giấc. Tôi nhận ra, nhớ ra từ những điều đơn giản, cái gì thái quá cũng không nên.
Tôi nghĩ mãi, khi vắt tay lên trán, về con đường. Con đường của vùng đất, của tiền nhân và con người hôm nay, ở đây đang đi.
Tôi mới đến Bến Tre một lần, quãng những năm 1986 và bây giờ trở lại. Dễ đến 40 năm. Thời gian ấy, đã nửa đời người, sao vùng đất này không thay đổi? Thay đổi nhiều lắm, đến mức, ký ức tôi không còn nhận ra, không nhớ gì nữa về mảnh đất này, bốn mươi năm trước.
Tôi là thành viên trong Đoàn công tác của Trung ương Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam và các hội thành viên như Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Quảng Ninh. Hơn hai chục người có mặt trong buổi sáng mát lành, xênh xang gió châu thổ.
Qua cầu Rạch Miễu, tôi lại nhớ phà Mỹ Thuận năm xưa. Nếu như mạn bờ Bắc là thành phố Mỹ Tho của Tiền Giang, thì bờ Nam của Rạch Miễu là huyện Châu Thành của Bến Tre. Đi hết phần cầu qua sông Mỹ Tho – một phân đoạn hạ lưu của sông Tiền, cái biển to đùng được thiết kế nổi bật có dòng chữ “Bến Tre kính chào quý khách”. Tôi cứ nghĩ mãi, chắc ranh giới giữa hai tỉnh là giữa lòng sông, nhưng ai lại dựng biển giữa lòng sông?
Qua sông đã thấy những dãy nhà san sát hai bên lề đường, nhiều cửa hàng lớn, bé khác nhau bán sản phẩm từ dừa, chủ yếu là kẹo. Đất dừa, quê hương dừa đây rồi. Bên tai tôi, tiếng hát “Dáng dứng Bến Tre” của nhạc sỹ tài danh Nguyễn Văn Tý vang lên.
Trong một tài liệu đã công khai, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý kể rằng, trong những năm chống Mỹ, ông đã nhiều lần xin tình nguyện đi B nhưng chưa được. Khi ông được đi B thì cuộc kháng chiến đã giành thắng lợi. Hồi đó vợ ông còn ở Hà Nội, ông đã viết thư cho vợ, có câu: “…Có lẽ, phải để cho anh dăm năm “học” làm người Nam bộ thì rồi làm gì mới làm được...”. Và quả nhiên đến năm 1980, ông đã sáng tác được “Dáng đứng Bến Tre”. Phải nói đó là kết quả thâm nhập, học làm người Nam bộ của ông, học từ dân ca Nam bộ, học cách nghĩ, cách nói, học đủ thứ để gần người Nam bộ nên mới có một bài hát như thế.
“Dáng đứng Bến Tre” cũng chính là một trong những tác phẩm, đưa nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đến đỉnh vinh quang, đó là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000). “Dáng đứng Bến Tre” sống mãi, trở thành một phần hồn của người dân xứ Dừa.
Rạch Miễu là công trình do Việt Nam tự đầu tư, với thiết kế và tổng thầu là các công ty Việt Nam. Cây cầu này khi hoàn thành giúp tỉnh Bến Tre thoát khỏi thế cô lập về giao thông đường bộ. Ngoài cầu chính, công trình này còn bao gồm đường dẫn hai đầu.
Ngồi trên xe, ông Ngô Thịnh Đức, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Giao thông vận tải, nay là Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, nhân chứng của quá trình hình thành nên chiếc cầu này như được sống lại cảm xúc của ngày đó. Ông kể, khi đề xuất làm cầu Rạch Miễu, lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hồi đó, không tin khả năng của ngành Giao thông vận tải. Sự quả quyết của ông Đức có hai nguyên nhân, vừa là trách nhiệm của cương vị, vừa là tình cảm của người con Nam bộ. Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức là người con của Cà Mau, cũng là người con của mảnh đất “chin rồng”. PGS.TS. Hoàng Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Bộ Giao thông vận tải, ngồi băng ghế sau trên xe cũng sống lại cùng ký ức. Ông tự hào, vì Rạch Miễu chính là là cây cầu dây văng đầu tiên do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công theo công nghệ mới. Ngày khánh thành, không chỉ hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, mà trước hết là người dân xứ Dừa vỡ òa cảm xúc. Giấc mơ ngàn năm thành hiện thực. Với họ, cầu Rạch Miễu chính là “đường lên trời”.
Bến Tre, vùng dư địa thật đặc biệt. Bến Tre được hình thành từ 3 cù lao lớn lớn, gồm Cù lao An Hoá gồm các huyện: Châu Thành và Bình Đại; Cù lao Bảo gồm một phần của huyện Châu Thành, thành phố Bến Tre, huyện Giồng Trôm và Ba Tri; Cù lao Minh gồm các huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú. Ba cù lao này “nổi” lên giữa các dòng sông Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Vì thế, sau này còn có cầu Hàm Luông và Cổ Chiên. Thế độc đạo, chia cắt bởi sông nước của Bến Tre chính thức chấm dứt. Chuỗi liên kết, chuỗi giá trị hình thành. Bến Tre với tư cách là một phần của chuỗi logistics, trước là với Tây Nam bộ, sau nữa là với cả nước được hình thành. Đó là con đường no ấm của mảnh đất có nhiều cù lao, phía biển của Nam bộ.
Ngày đầu tiên trở lại Bến Tre, đoàn chúng tôi được Hội Khoa học kỹ thuât Cầu đường Bến Tre xếp lịch về Ba Tri viếng cụ Đồ Chiểu, và trên đường về dừng chân ở Giồng Trôm thắp hương tưởng nhớ nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tướng Nguyễn Thị Định. Nếu như cụ Đồ Chiểu, với các tác phẩm nổi bật nhất như “Lục Vân tiên”, “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc”...mở ra con đường nhân văn, con đường văn hóa; thì Thiếu tướng Nguyễn Thị Định mở ra con đường quật khởi để giải phóng quê hương, góp phần thống nhất đất nước. Bà chính là người lãnh đạo phong trào Đồng khởi, lãnh tụ của “Đội quân tóc dài”. Chỉ nói bấy nhiêu thôi, bà đã xứng đáng được ngưỡng mộ, chưa nói đến chức vụ cao nhất trong sự nhiệp chính trị của bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, tương đương Phó Chủ tịch nước hiện nay.
Những con đường ở phía cù lao!
Tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói của cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, “phải học người Nam bộ”. Người Bến Tre thật đặc biệt. Trung ương Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, có gần 100 hội thành viên và hội viên tập thể; nhưng chưa có hội ở địa phương nào có “tầm vóc” như Hội Cầu đường Bến Tre. Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nguyên Chủ tịch Hội Cầu đường Bến Tre, ông Trịnh Văn Y được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhiều danh hiệu cao quý khác. Cách đây không lâu, ông Hai Y, như cách gọi trìu mến của người dân miệt vườn Bến Tre được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục “Người có công trong việc vận động và hỗ trợ xây cầu - đường bê tông ở nông thôn với số lượng nhiều nhất”.
Trong 20 năm làm Chủ tịch Hội Cầu đường Bến Tre, ông Hai Y đã đã vận động, hỗ trợ xây dựng cầu, đường, bê tông ở nông thôn với số lượng 2.500 cây cầu và 300 km đường lộ. Trong đó, kinh phí do ông vận động tài trợ 70%, nhân dân đóng góp 20% (hiến đất, hoa màu, công lao động…) và 10% đối ứng của ngân sách, góp phần xây dựng nông thôn mới tại Bến Tre. Đó cũng là kết tinh phẩm chất của người Bến Tre.
Bước vào văn phòng của Hội Cầu đường Bến Tre, nếu để ý đến bức tường treo đầy các loại cờ thi đua, Huân chương, Bằng khen các loại của các cấp từ Trung ương đến địa phương dành tặng cho những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” ở đây, hẳn nhiên sẽ kinh ngạc. Hội Cầu đường Bến Tre đã có đủ bộ Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba của Chủ tịch nước. Không có nơi nào làm được thế. Hẳn nhiên, đó là kết tinh phẩm chất của người Bến Tre. Sống thiệt tình, làm hết mình, phóng khoáng và chân thành như châu thổ.
Đó là con đường nhân văn, tôi nhận ra ở phía cù lao. Sông Hàm Luông vẫn thức, cùng tôi, giờ này...