Không để đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:22, 31/05/2021
Hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng cường nguồn cung hàng hóa, đảm bảo phục vụ người dân
Sẵn sàng nguồn cung hàng hóa cho người dân
Theo Bộ Công Thương, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh thành phố, trong đó có TP. HCM chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh COVID-19, các biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản và hướng dẫn việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại các vùng có dịch bệnh COVID-19.
Các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa được thực hiện theo các văn bản như Công điện số 526/CĐ-BCT ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Bộ Công Thương về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó, phòng, chống dịch COVID-19; Công văn số 873/BCT-TTTN ngày 18 tháng 02 năm 2021 về việc đẩy mạnh lưu thông hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ nông sản; Công văn số 1083/BCT-TTTN ngày 01 tháng 3 năm 2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ban hành hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) cũng thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương TP. HCM, theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn của thị trường khi cần thiết.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương với phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng, Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng Kế hoạch bảo đảm cân đối cung-cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP. HCM. Bên cạnh đó, trong Kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2021(ban hành tại Quyết định số 1107/QĐ-UBND ngày 01/4/2021 của UBND TP. HCM), Sở Công Thương cũng đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng phương án bình ổn thị trường kết hợp với thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp dịch bệnh COVID-19 nhằm chủ động bình ổn thị trường kể cả khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng trên cả nước và trên địa bàn TP. HCM.
Trên cơ sở các kế hoạch đã xây dựng và chuẩn bị, với diễn biến dịch bệnh đang diễn ra trên địa bàn TP. HCM hiện nay vẫn nằm trong kế hoạch và khả năng cung ứng của hệ thống phân phối của thành phố. Theo báo cáo của Sở Công Thương TP. HCM, đến thời điểm hiện nay, tình hình thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. HCM vẫn tương đối tốt, giá cả hàng hóa không có biến động lớn. Tại một số khu vực chuẩn bị thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, nhu cầu mua hàng có tăng mạnh nhưng nguồn cung của các doanh nghiệp phân phối vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Đồng thời Sở Công Thương cũng khuyến cáo và thông tin đến người dân hệ thống phân phối hàng hóa vẫn hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các hàng hóa thiết yếu, người dân không nên mua hàng tích trữ, tập trung đông người gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Kênh phân phối chủ động bổ sung nguồn hàng
Trước tình trạng nhiều người dân đổ xô đi tích trữ hàng hóa trước thời điểm TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 (0h ngày 31/5), nhiều hệ thống phân phối lớn trên địa bàn thành phố khẳng định vẫn đảm bảo đủ hàng cho người dân với giá cả ổn định, kể cả trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Cụ thể, hệ thống siêu thị Co.op Mart, hàng hoá đang được tăng cường về các Co.op từ các nguồn cung và trung tâm phân phối. Siêu thị sẽ tăng thêm giờ phục vụ khách hàng. Hàng hóa thiết yếu và hàng hóa chống dịch được lưu trữ và có chương trình lâu dài nên không sợ thiếu hàng hóa trong thời gian giãn cách. Siêu thị vẫn mở bình thường để phục vụ người tiêu dùng trong thời gian giãn cách. Đặc biệt, các Co.op sẽ chủ động liên lạc với các chốt, các điểm cách ly để phục vụ tại chỗ trong suốt thời gian cách ly.
Nhằm đảm bảo việc kinh doanh và phòng dịch, các siêu thị Co.op Mart đã và đang tổ chức phân luồng để khách hàng xếp hàng bên ngoài siêu thị, thực hiện các thủ tục khai báo y tế, kiểm tra nhiệt độ, khử khuẩn và sau đó vào từng nhóm để đảm bảo an toàn hơn. Các Co.op sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong đó có việc điều tiết nhiệt độ không để dưới 25 do C.
Một số điểm bán của Co.op có nghi ngờ có F0, F1 đến mua sắm đều được thực hiện rà soát cặn kẽ, tiến hành các bước triển khai theo đúng quy trình, thông tin minh bạch với khách hàng để cùng phòng chống lây lan dịch.
Tại hệ thống siêu thị VinMart, ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc vận hành VinMart miền Nam cho hay, tại thời điểm vừa có thông tin giãn cách chiều 30/5, xuất hiện cục bộ tại một số siêu thị VinMart tình trạng người dân đổ xô đi mua sắm thực phẩm, hàng hoá, dẫn đến hàng hoá, đặc biệt là các thực phẩm thiết yếu bị trống kệ trong chốc lát. Hệ thống đã ghi nhận tình hình và nhanh chóng tăng cường đẩy hàng hoá lên quầy kệ liên tục. Cũng như tăng cường số lượng nhân viên hỗ trợ lên gấp đôi đảm bảo hàng hoá luôn đầy ắp, giúp khách hàng mua sắm đầy đủ nhu cầu.
“VinCommerce luôn có những kịch bản kinh doanh để ứng phó với mọi tình huống phức tạp của dịch bệnh. Về hàng hoá, ngay sau làn sóng dịch đầu tiên năm 2020, chúng tôi chủ động làm việc, tăng cường kết nối với nhiều nhà cung cấp để đảm bảo hàng hoá cung ứng liên tục, đồng thời sản lượng dự phóng trong lúc dịch bệnh bùng phát luôn đủ cho 3 - 6 tháng” - ông Nguyễn Tô Kiều Trinh cho hay.
Về phân phối, siêu thị đã làm việc chặt chẽ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các ban chỉ đạo phòng chống dịch để đảm bảo các xe trung chuyển hàng hoá thiết yếu được di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, hoặc từ kho của VinMart đến các địa điểm bị phong toả, cách ly. Không để xảy ra tình trạng khan hàng, đứt hàng cục bộ tại bất kỳ cơ sở nào. Công tác phòng dịch vẫn đảm bảo và hàng hoá vẫn đầy đủ để cung ứng cho nhu cầu người dân.