Hải Phòng thu hút vốn đầu tư FDI đạt hơn 1,1 tỷ USD
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:47, 20/05/2021
KCN DEEP C - một trong những KCN tiêu biểu và thành công nhất của cả nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của Hải Phòng (Ảnh: Thủy Nguyên)
Theo thông tin từ Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, từ đầu năm tới nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) Hải Phòng thu hút được 1,106 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 44,3% mức kế hoạch năm và tăng gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 9 dự án cấp mới với tổng vốn 105,2 triệu USD và 23 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 967 triệu USD. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, kết quả này tiếp tục là kỳ tích mới của Hải Phòng, khẳng định sức hấp dẫn mạnh mẽ của Hải Phòng đối với các nhà đầu tư.
Dự án lớn nhất được cấp phép mở đầu cho năm 2021 là của Công ty TNHH LG Dislay Việt Nam Hải Phòng (LGD) trị giá 750 triệu USD. Với số vốn tăng thêm này, tổng số vốn đầu tư của LGD tại Khu công nghiệp Tràng Duệ lên tới 3,25 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Ngay sau khi được trao giấy chứng nhận đầu tư, Công ty LGD đã nhanh chóng triển khai thực hiện dự án và dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động trong quý 2-2021. Với dự án mở rộng này, LGD sẽ tuyển dụng thêm khoảng 5.000 lao động; bước đầu hằng năm sẽ đóng góp khoảng 5 triệu USD vào ngân sách Nhà nước (thuế thu nhập cá nhân).
Ngoài ra, có một số dự án tăng vốn như: Hitron Technolo gies Việt Nam tại KCN An Dương của nhà đầu tư Đài Loan, tăng vốn 33,8 triệu USD; Ohsung Vina của Hàn Quốc tại KCN Nam Đình Vũ 1 tăng vốn 19 triệu USD. Cùng với đó, có một số dự án cấp mới đáng chú ý tại các KCN Nam cầu Kiền, VSIP, Tràng Duệ như: dự án gia công, sản xuất thiết bị điện thoại di động Tinno có vốn đầu tư hơn 19 triệu USD; dự án của chi nhánh Công ty Yoshino Gypsum Việt Nam sản xuất các sản phẩm từ thạch cao trị giá 19,5 triệu USD; dự án sản xuất và gia công các dụng cụ cầm tay và thiết bị đo lường có tổng vốn đầu tư 18,5 triệu USD…
Hải Phòng đang là địa phương có sức hút các nhà đầu tư nước ngoài (Ảnh: Thủy Nguyên)
Đáng chú ý là thu hút vốn đầu tư FDI tại các KCN, KKT đã và đang chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các dự án quy mô lớn về vốn đầu tư, sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, sản phẩm tạo ra có giá trị gia tăng cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia trên thế giới như: Tập đoàn LG Hàn Quốc với 4 dự án lớn (LG Display, LG Electronics, LG Innotek, LG Chem) tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD; Tập đoàn Brigestone (Nhật Bản) vốn đầu tư 1,224 tỷ USD; Regina Miracle (Hồng Kông) vốn đầu tư 900 triệu USD; Rorze Robotech trị giá 426 triệu USD và một số dự án lớn khác như dự án GE (Mỹ); Rorze Roboted, Nipro Pharma, Kyocera, Fuji Xerox (Nhật Bản); USI trị giá 200 triệu USD; Pegatron 481 triệu USD…
Một kết quả nổi bật nữa là các doanh nghiệp trong KCN, KKT đóng góp hơn 60% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố. Các KCN, KKT tạo việc làm cho gần 160.000 lao động, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò chủ chốt trong thu hút đầu tư, tạo việc làm, đóng góp cho ngân sách của thành phố; thực sự là đòn bẩy, động lực phát triển của công nghiệp Hải Phòng.
Theo kế hoạch tăng tốc giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng tập trung vào 3 trụ cột phát triển gồm công nghiệp công nghệ cao; kinh tế biển, cảng biển logistics và du lịch, thương mại. Với chiến lược đầy tham vọng đó, Hải Phòng đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ đầu tư thêm 15 khu công nghiệp mới, bổ sung 6.500 ha quỹ đất để đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư trong giai đoạn mới, bên cạnh 1 Khu kinh tế, 12 khu công nghiệp đang vận hành ổn định.