Hiệp hội VLA: Dấu ấn nhiệm kỳ VII (2015 - 2020)

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 11:02, 19/05/2021

(VLR) Được thành lập từ năm 1993, đến nay VLA đã trải qua 27 năm hình thành và phát triển, với 7 nhiệm kỳ hoạt động. Dù ở giai đoạn phát triển nào và đối mặt với những khó khăn ra sao, VLA vẫn kiên trì với nhiệm vụ kết nối doanh nghiệp logistics, đóng góp vào việc phát triển ngành logistics và nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ VII, giai đoạn (2015 - 2020), với nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả của Khối văn phòng và các Ban chuyên môn, VLA đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có thể thấy, đây là một nhiệm kỳ đổi mới - phát triển - hội nhập, tạo dựng cơ sở vững chắc để VLA tiếp tục thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao trong thời kỳ phát triển mới.

Hiệp hội tổ chức Hội thi Tiếng hát Logistics VLA lần thứ IV năm 2017

Hiệp hội tổ chức Hội thi Tiếng hát Logistics VLA lần thứ IV năm 2017

Văn phòng Hiệp hội kết nối Hội viên qua các hoạt động cộng đồng, giao lưu văn-thể-mỹ

Hiệp hội VLA được thành lập từ năm 1993 với tên gọi là Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS), đến năm 2013 đổi tên thành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA). Sau gần ba thập kỷ hình thành và phát triển, đến nay VLA là một tập thể thống nhất, đoàn kết, vững mạnh. Từ ngày đầu thành lập với 7 Hội viên, đến nay VLA đã có hơn 500 Hội viên. Đặc biệt trong giai đoạn (2015 - 2020), với nhiều hình thức vận động, thông qua nhiều hoạt động mang đến lợi ích thiết thực cho Hội viên, trong 5 năm, số Hội viên tăng gấp đôi, từ 269 lên 500 Hội viên, trong đó 380 Hội viên chính thức và 77 Hội viên liên kết.

Hội viên gắn bó với Hiệp hội thông qua hoạt động của Ban Chấp hành, các Ban Chuyên môn và Văn phòng Hiệp hội. Trong đó, Văn phòng Hiệp hội là nơi kết nối, tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ Hội viên, xử lý các thông tin, văn bản gửi Hội viên và các cơ quan chức năng liên quan. Từ tháng 4/2017, thông qua cơ quan ngôn luận là Tạp chí Vietnam Logistics Review (VLR), trong mỗi kỳ báo xuất bản đều có trang chúc mừng ngày thành lập công ty Hội viên, chúc mừng Hội viên mới gia nhập.

Hội thao trong khuôn khổ chào mừng 25 năm thành lập VLA năm 2018

Hội thao trong khuôn khổ chào mừng 25 năm thành lập VLA năm 2018

Hàng năm, Hiệp hội tổ chức nhiều sân chơi để kết nối Hội viên, như: Hội thi tiếng hát ngành logistics định kỳ 2 năm/lần; các cuộc thi ảnh logistics Việt Nam - Những góc nhìn, ảnh logistics quốc tế; các chương trình hội thao thu hút sự tham tích cực của các doanh nghiệp Hội viên. Ngoài ra, Hiệp hội còn tổ chức các chương trình vì cộng đồng như: hiến máu nhân đạo; ủng hộ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ đồng bào nơi vùng sâu vùng xa bị ảnh hưởng của thiên tai… Những hoạt động tuy nhỏ nhưng khi tham gia cùng nhau đã tạo nên sự lan tỏa, kết nối giữa từng cá nhân trong mỗi doanh nghiệp; giữa từng doanh nghiệp trong Hiệp hội với nhau; giữa các Hội viên và Hiệp hội… từ đó hình thành nên khối đoàn kết, cùng hợp lực thực hiện và đạt được các mục tiêu cao hơn trong các kế hoạch phát triển ngành logistics Việt Nam.

Văn phòng VLA hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa với mục đích hỗ trợ tối đa công tác Hội viên và hoạt động của các ban chuyên môn. Văn phòng Hiệp hội là nơi trực tiếp tiếp nhận các ý kiến, góp ý xây dựng, cũng như là nơi để Hội viên phản ánh các khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành, các Ban chuyên môn sẽ có phân tích, đánh giá và có văn bản góp ý kịp thời gửi các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn cho Hội viên. Có thể kể như: góp ý về giá dịch vụ cảng biển; công văn xin giảm thuế, giảm giá điện cho doanh nghiệp ảnh hưởng COVID-19; hỗ trợ liên hệ với đại sứ quán, cơ quan quản lý Nhà nước giúp Hội viên xử lý kịp thời sự việc 1.000 containers bị ách tắc tại cảng Cái Mép; kịp thời thông tin chính sách, pháp luật, các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) có liên quan đến ngành logistics nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Hội viên, qua đó, tăng cường, mở rộng, phát triển kinh doanh…

Văn phòng Hiệp hội đã tích cực hỗ trợ kết nối tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp cho Hội viên. Năm 2019 tư vấn 38 vụ việc, năm 2020 tư vấn 50 vụ việc, công tác này được các Hội viên hoan nghênh. Ngoài ra, Hiệp hội còn mở các lớp đào tạo “cầm tay chỉ việc” về các vụ tranh chấp, đặc biệt là các Coffee Talks đem lại hiệu quả thiết thực và được Hội viên đón nhận. Dịch và phổ biến kịp thời cho Hội viên các “thực tiễn tốt nhất” của FIATA trong nghiệp vụ giao nhận, logistics, nhất là trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Đã đăng khoảng 45 vụ kiện tại Tòa án, Trọng tài liên quan đến logistics trên Tạp chí Vietnam Logistics Review để Hội viên làm tài liệu tham khảo, học tập lâu dài. Việc quản lý và cấp phát mẫu in FBL (FIATA Bill of Lading) theo ủy quyền của FIATA được thực hiện đều đặn tạo tiện ích cho Hội viên, bình quân cấp 12 lượt/năm. Tổ chức các đoàn xúc tiến tham quan thực tế ở nước ngoài ở Hàn Quốc, châu Âu.

Vai trò và vị thế của Hiệp hội được nâng cao thông qua công tác phản biện xã hội

Một trong những điểm nổi bật tạo được sự đồng thuận của Hội viên là trong Nhiệm kỳ VII Ban Chấp hành đã làm tốt công tác phản biển xã hội bảo vệ quyền lợi của Hội viên, thông qua các hoạt động chính:

Tham gia, góp ý kiến trong việc xây dựng dự thảo văn bản của các bộ, ban, ngành, địa phương

Trong 5 năm qua, Hiệp hội đã có 45 văn bản góp ý các dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư của Chính phủ… về các nội dung liên quan đến ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Trong đó, nổi bật là Đề xuất phát triển ngành dịch vụ logistics được xem xét bổ sung vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, như một ngành dịch vụ có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế quốc gia cần đẩy mạnh phát triển; Tham gia dự thảo, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Tham gia góp ý về đề nghị tăng phí dịch vụ cảng biển của Bộ Giao thông vận tải một cách phù hợp với lợi ích quốc gia, đồng thời, không tăng phí logistics. Các khuyến nghị nhằm làm giảm chi phí logistics quốc gia, về việc phát triển Trung tâm logistics của TP. HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa...

Tích cực phản ánh những vấn đề liên quan nhằm giải quyết khó khăn cho Hội viên

Trên cơ sở ý kiến đề nghị của Hội viên và lấy ý kiến của Hội viên, Hiệp hội đã đóng góp ý kiến cho nhiều đề án, dự thảo văn bản mà các cơ quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Hiệp hội và Ban Chấp hành thường xuyên tham gia vào phản biện tích cực đối với các văn bản pháp luật của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài Chính (Tổng cục Hải quan) và các dự án phát triển dịch vụ logistics ở một số tỉnh thành trên cả nước.

Những giải pháp để tăng hiệu quả vận tải và logistics

Những giải pháp để tăng hiệu quả vận tải và logistics

Cụ thể như:

- Kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và hoạt động cải cách của cơ quan hải quan và các bộ, ngành; hoạt động kiểm tra chuyên ngành; Cử nhân sự tham gia vào Ban Thư ký, Ban Soạn thảo, Ban Biên tập các Thông tư, Nghị định, dự án của các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải) liên quan đến phát triển dịch vụ logistics; Đề án phát triển logistics trên địa bàn TP. HCM tới năm 2025, định hướng 2030; Kế hoạch quản trị rủi ro cho doanh nghiệp ứng phó trường hợp bất khả kháng (dịch bệnh COVID-19).

- Ban hành Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ/Bộ Trưởng CN VPCP/Bộ trưởng Công Thương về việc Giảm giá điện lạnh cao hơn giá điện sản xuất từ 25% - 30% nhằm giảm chi phí logistics, đề nghị Hải Phòng giảm chi phí kết cấu hạ tầng đường biển cho xà lan vận tải container bằng đường thủy nội địa; đề nghị hủy bỏ thu phí và làm thu tục hai lần cho vận tải container đường thủy Việt Nam - Campuchia; góp ý dự thảo Luật Bộ đội biên phòng liên quan đến quy định kiểm tra hàng hóa và phương tiện vận tải hàng hóa qua biên giới…

- Phát triển công tác, nghiệp vụ đại lý hải quan: Hiện nay có khoảng 88% Hội viên thực hiện nghiệp vụ đại lý Hải quan. Đây còn là nghiệp vụ được áp dụng công nghệ thông tin nhiều nhất trong quá trình chuyển đổi số.

Công tác pháp chế, đào tạo nghiệp vụ cho Hội viên đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ

Trong Nhiệm kỳ vừa qua, công tác đào tạo và tư vấn pháp luật cho Hội viên ngày càng được đề cao và có hiệu quả thiết thực giúp Hội viên giải quyết khó khăn và giảm chi phí kinh doanh. Hiệp hội đã tập hợp được các nhà nghiên cứu và thực hành pháp luật logistics hàng đầu của Việt Nam. Tiểu ban Tư vấn pháp luật của Hiệp hội đã có những hoạt động tích cực, thu hút được Hội viên tham gia. Nổi bật là công tác tư vấn pháp luật giải quyết tranh chấp cho Hội viên. Năm 2019 tư vấn 38 vụ việc; năm 2020 đã tư vấn gần 50 vụ việc. Mở các lớp đào tạo cầm tay chỉ việc về các vụ tranh chấp, đặc biệt là các Coffee Talks rất có hiệu quả. Dịch và phổ biến kịp thời cho Hội viên các “thực tiễn tốt nhất” của FIATA trong nghiệp vụ giao nhận, logistics, nhất là trong thời gian xảy ra Đại dịch COVID-19. Việc quản lý và cấp phát mẫu in FBL (FIATA Bill of Lading) theo ủy quyền của FIATA được thực hiện đều đặn tạo tiện ích cho Hội viên, bình quân cấp 12 lượt/năm. Tổ chức các đoàn xúc tiến tham quan thực tế ở nước ngoài ở Hàn Quốc, châu Âu, tuy chưa được thường xuyên. Trong đại dịch COVID-19 đã tổ chức được 03 chương trình Coffee Talks theo hình thức offline và online với chủ đề về pháp lý thiết thực giải quyết các vướng mắc trong kinh doanh tại Hà Nội, TP. HCM.

Chương trình Coffee Talk  tư vấn pháp lý cho Hội viên

Chương trình Coffee Talk tư vấn pháp lý cho Hội viên

Từ năm 2018, xuất bản Newsletter hàng tháng có chuyên mục về pháp luật logistics gửi cho các Hội viên và đăng tải trên website VLA. Từ tháng 9/2020, ra mắt chuyên mục “Góc Pháp luật” đăng tải trên Tin nhanh, bên cạnh đó chuyên mục Luật - Chính sách trên Tạp chí Vietnam Logistics Review cũng đăng tải nhiều bài viết chuyên sâu liên quan đến pháp lý trong hoạt động kinh doanh nhằm bổ sung kiến thức và kinh nghiệm cho Hội viên.

Hiệp hội cũng đã hoàn thiện bảng hướng dẫn Hội viên về COVID-19 và sự kiện bất khả kháng được Hội viên đón nhận và đánh giá cao. Bắt kịp xu hướng số hóa, thực hiện hòa giải trực tuyến thành công (theo Nghị định 22/2017 về Hòa giải thương mại) trực tuyến trên nền tảng Zoom cho một Hội viên của VLA với một doanh nghiệp ở TP. HCM, Hội viên thấy rất hiệu quả, thân thiện, tiếp tục là đối tác của nhau. Tham gia tích cực và có hiệu quả việc xây dựng Điều kiện Kinh doanh chuẩn (STC) của Hiệp hội AFFA. Đến nay, AFFA STC đã được Hội nghị AFFA lần thứ 30 ngày 17/12/2020 thông qua và được áp dụng sắp tới giữa các thành viên AFFA.

Gia tăng nhận thức về ứng dụng công nghệ khoa đối với doanh nghiệp Hội viên

Bắt kịp xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới, thời gia qua, Ban Công nghệ của Hiệp hội đã tích cực tham mưu, tư vấn tổ chức nhiều chương trình hội thảo bàn về việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động dịch vụ logistics. Và thực tế cho thấy, công nghệ giúp các hoạt động trở nên thuận tiện, chính xác hơn.

Gia tăng nhận thức về ứng dụng công nghệ khoa đối với doanh nghiệp Hội viên

Gia tăng nhận thức về ứng dụng công nghệ khoa đối với doanh nghiệp Hội viên

Theo thống kê của Hiệp hội, trước đại dịch COVID-19 chỉ có trên 30% các ứng dụng công nghệ thông tin đơn lẻ tại các doanh nghiệp logistics, chủ yếu là những ứng dụng cơ bản trong các dịch vụ vận tải, giao nhân, kho bãi, khai báo hải quan. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây chuyển đổi số đã có những phát triển nhanh, trước hết là trong các Hội viên, như Transimex, GEMADEPT, Tân Cảng Sài Gòn, T&M Freight Forwarding… Việc ứng dụng nền tảng số đã mang lại năng suất lao động tăng lên khoảng 20% - 25%, góp phần vào việc nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ, giảm chi phí logistics.

Trong 5 năm hoạt động của Nhiệm kỳ VII (2015 - 2020), Hiệp hội VLA đã hình thành được các Ban Chuyên môn, am hiểu về từng mảng của hoạt động logistics như: Ban Đối ngoại, Ban Đào tạo, Ban Hải quan, Ban Logistics, Ban Quan hệ chính sách. Mặc dù nhân sự các Ban còn mỏng nhưng có nhiều đóng góp rất đáng kể. Tùy phạm vi lĩnh vực chuyên trách, các Ban Chuyên môn đã có nhiều tham mưu để Hiệp hội có những hoạt động kịp thời bảo vệ quyền lợi của Hội viên. Ngoài ra, còn có các đơn vị trực thuộc gồm Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) chịu trách nhiệm đào tạo, nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực ngành logistics; Tạp chí Vietnam Logistics Review là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội VLA, cập nhật kịp thời các luật, chính sách và vấn đề liên quan đến ngành. Với nguồn lực sẵn có, Hiệp hội VLA đã và đang làm tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp Hội viên trong ngành, từng bước đưa ngành logistics nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.

Gần đây, VLA cũng đã ký thỏa thuận với Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) hình thành công ty phát triển nền tảng số cho các dịch vụ logistics phục vụ Agro-logistics. Đặc biệt, một số Hội viên VLA đã thành lập ASEAN CARGO GATE WAY (ACG) là một doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam bị ảnh hửơng nặng nề vì đại dịch COVID-19 với sứ mệnh kết nối hàng hóa Việt Nam với thị trường toàn cầu và tối ưu hóa chi phí logistics cho hàng hóa Việt Nam, khai thác các chuyến bay charter đi và đến Việt Nam với mức giá cạnh tranh nhất, nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, góp phần cắt giảm chi phí logistics cho hàng hóa nhất là hàng nông sản. Đây là một dấu ấn của VLA trong hoạt động khoa học công nghệ, nghiệp vụ mới, thể hiện sự đổi mới sáng tạo trong kinh doanh dịch vụ logistics của Nhiệm kỳ VII.

Mở rộng công tác quan hệ đối ngoại - kết nối ngành nghề trong nước, khu vực, quốc tế

Trong Nhiệm kỳ VII, Hiệp hội đã đẩy mạnh việc hợp tác với FIATA, AFFA và UNESCAP thông qua việc chủ động tham gia và tổ chức các Hội nghị mang tầm quốc tế như: Hội nghị vùng châu Á - Thái Bình Dương (RAP-FIATA) tại Busan và tại Bangkok; FIATA World Congress tại Delhi, Ấn Độ, tại Nam Phi 2018, 2019; đã tham gia vào các Ban chuyên môn như MTI, CAI, ALBM, FLA; Quan hệ chặt chẽ hơn với FIATA trên lĩnh vực thông tin. Đặc biệt, Hiệp hội đã mạnh dạn ứng cử tổ chức FIATA World Congress 2023 khi dự Hội nghị ở Nam Phi. Năm 2019, Hiệp hội đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên của AFFA lần thứ 30 tại TP. HCM với nhiều hoạt động bên lề phong phú thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như cơ quan quản lý Nhà nước, được các thành viên AFFA đánh giá cao, như: Hội nghị B2B của các thành viên AFFA, Cuộc thi ảnh logistics nghệ thuật với sự tham gia của đông đảo của các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và bán chuyên trong nước và các nước ASEAN. Trước Hội nghị, Hiệp hội đã tổ chức các Hội nghị B2B với 36 doanh nghiệp logistics của CAMFA (Campuchia) và hơn 30 doanh nghiệp của SLA (Singapore), giúp doanh nghiệp các bên tăng cường hiểu biết và quan hệ với doanh nghiệp của Hiệp hội.

Trong Nhiệm kỳ, Hiệp hội đã thúc đẩy mạnh hợp tác qua việc ký 15 Biên bản hợp tác, thỏa thuận với các hiệp hội ngành nghề quốc tế và 10 Biên bản hợp tác với các cơ quan quản lý Nhà nước và các hiệp hội ngành nghề khác và 11 trường đại học, học viện. Đã hỗ trợ TP. Hải Phòng thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Hải Phòng. Hiệp hội đã tổ chức tiếp đón trọng thị và cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại và hợp tác liến kết, nghiên cứu tình hình logistics Việt Nam cho các đoàn, tổ chức, khách quốc tế và trong nước đến giao lưu, trao đổi.

Nguyễn Tương - Hồng Út