FTA thế hệ mới và cơ hội cho doanh nghiệp logistics Việt
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 17:15, 17/06/2021
Các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam
Sáng nay (17/6), Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tại Hà Nội phối hợp với Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Các FTA và cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI diễn giả chính; Văn phòng đại hiện Hiệp hội VLA tại Hà Nội cùng đông đảo các doanh nghiệp Hội viên tham gia.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI chia sẻ, Việt Nam là một trong các quốc gia hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, hoàn thành ký kết 15 FTA ở cấp độ song phương và khu vực và 2 FTA đang trong quá trình đàm phán. Trong số đó các FTA mà Việt Nam ký kết, nổi bật nhất là 3 FTA thế hệ mới gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA); và 1 FTA có quy mô lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để các doanh nghiệp logistics Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Theo đó, hàng loạt các dòng thuế được cắt giảm/loại bỏ thuế quan đối với phần lớn các loại hàng hóa giúp hàng hóa xuất nhập khẩu có cơ hội cạnh tranh tốt hơn về giá, từ đó gia tăng khối lượng xuất nhập khẩu. Bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường từ việc cắt giảm thuế quan, các doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ các cam kết phi thuế quan khác, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư, các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội…
Mặc dù, các FTA thế hệ mới đem lại những ưu đãi và cơ hội phát triển mới cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam, song cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình thực thi cam kết như cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của Việt Nam phát triển chưa đồng bộ, quy mô doanh nghiệp nhỏ chưa có sự liên kết, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài với nguồn lực lớn,…
Chính vì thế, để tận dụng tốt được các ưu đãi và cơ hội, vượt qua thách thức, giảm thiểu rủi ro đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp logistics cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu đúng, đầy đủ về các ưu đãi của FTA mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, phải tự nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa và tích hợp các loại hình dịch vụ theo xu thế thị trường. Ứng dụng công nghệ trong hoạt động, nâng cao các tiêu chuẩn hoạt động của mình để đáp ứng yêu cầu cao của các FTA thế hệ mới và ddaogf tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…