Bức tranh kinh tế Thanh Hóa 6 tháng đầu năm: nhiều gam màu sáng
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:48, 02/07/2021
Một góc khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: Trường Lâm
Lĩnh vực kinh tế của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,66%, cao nhất trong số các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng ước đạt 13,91%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 15,93% so với cùng kỳ. Nhiều sản phẩm công nghiệp sản lượng tăng so với cùng kỳ, trong đó có một số sản phẩm tăng mạnh như: Thép các loại gấp 2,6 lần, dầu ăn gấp 2,1 lần, giày thể thao tăng 29,1%, thức ăn gia súc tăng 27,1%, đường kết tinh tăng 25,1%, quần áo may sẵn tăng 16,7%,...
Ngành dịch vụ tuy chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, nhưng một số lĩnh vực vẫn phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 61.198 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu ước đạt 1.745 triệu USD, bằng 43,6% kế hoạch, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2.727 triệu USD, tăng 4,8% .
Tuy chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tuy nhiên các chỉ tiêu về du lịch, vận tải của tỉnh vẫn tăng khá so với cùng kỳ. Số lượt khách phục vụ của các khách sạn tăng 33,2%, doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 40,3%, doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 31,5% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hoá tăng 7,7%, vận chuyển hành khách tăng 20,8%, xếp dỡ hàng hóa qua cảng tăng 5,3% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải tăng 20,7%. Từ ngày 3/4/2021, đã đưa vào khai thác thêm tuyến vận tải quốc tế bằng container Nghi Sơn - Singapore, với tần suất 2 tuần/1 chuyến.
Tàu vận tải cở lớn cập cảng quốc tế Nghi Sơn - Ảnh: Trường Lâm
Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực; trong 6 tháng đầu năm, có 1.232 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bằng 41,1% kế hoạch, tăng 4,3% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới.
Tổng vốn điều lệ đăng ký của các doanh nghiệp đạt 15.894 tỷ đồng, tăng 17% , bình quân vốn điều lệ đăng ký của một doanh nghiệp đạt 12,9 tỷ đồng. Có 590 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 21,6% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 22/6, Thanh Hóa đã thu hút được 49 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 13.105 tỷ đồng và 42,7 triệu USD; điều chỉnh vốn đầu tư 3 dự án tăng 9,7 triệu USD; phê duyệt 8 chương trình, dự án, phi dự án viện trợ không hoàn lại do các tổ chức nước ngoài tài trợ, với tổng số vốn 1,25 triệu USD.