Nhiều cơ sở để kỳ vọng GDP 2021 tăng trưởng ở mức 6,7%

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:15, 06/07/2021

(VLR) Mặc dù diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang làm gián đoạn một số hoạt động sản xuất kinh doanh song giới phân tích kinh tế cho rằng vẫn có nhiều cơ sở để kỳ vọng GDP năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7%. Trong đó, nền tảng tăng trưởng xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và thu hút FDI được cho là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng.

Tốc độ tăng trưởng GDP 2021 được dự báo vẫn khả quan

Tốc độ tăng trưởng GDP 2021 được dự báo vẫn khả quan

Theo đánh giá của Ngân hàng UOB Việt Nam, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 6,61% trong quý II vừa qua. Như vậy, tính chung trong nửa đầu năm 2021, GDP của Việt Nam tăng 5,64%, hơn gấp 3 lần so với mức 1,82% trong quý I/2020. Mức tăng này chủ yếu đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng ngành nông nghiệp tăng 3,82% so với cùng kỳ và sản lượng dịch vụ tăng 3,96%. Xét về tỷ trọng của các ngành trong nửa đầu năm 2021, ngành nông nghiệp chiếm 12,15%, tiếp theo là công nghiệp và xây dựng (37,61%), dịch vụ (41,13%) và các ngành khác (9,1%).

Các chuyên gia phân tích kinh tế chỉ ra rằng, sự tăng tốc kinh tế nửa đầu năm 2021 một phần được thúc đẩy bởi nền số liệu so sánh cực thấp tại cùng kỳ năm ngoái ở mức 0,39% trong quý II/2020 do quốc gia rơi vào tình trạng phong tỏa do hậu quả của đại dịch COVID-19 toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu mạnh mẽ từ bên ngoài đã thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, theo mô hình tương tự như nhiều nền kinh tế định hướng xuất khẩu trong khu vực. Ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 11,42% trong quý. Trong lĩnh vực dịch vụ, quy mô bán buôn và bán lẻ tăng 5,63% trong khi dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27% và dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5,02%.

Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam chính là xuất khẩu 6 tháng tăng 28,4% so với cùng kỳ lên 157,63 tỷ USD. Đặc biệt, với vị thế là trung tâm sản xuất, Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư vào quốc gia. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% trong tổng số 15,7 tỷ USD đạt được cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là chất xúc tác then chốt để mở đường cho các hoạt động kinh tế trong tương lai.

"Mặc dù tăng trưởng kinh tế trong quý II/2021 của Việt Nam có thấp hơn kỳ vọng ở mức 6,61% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã khẳng định xu hướng tăng trưởng trở lại sau các hưởng của đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Với mức tăng trưởng nửa đầu năm nay, UOB Việt Nam giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 ở mức 6,7% so với mức dự báo chính thức là 6-6,5% của Chính phủ Việt Nam" - đại diện của UOB đánh giá.

Theo UOB, một số yếu tố đã định hình hỗ trợ cho dự báo tích cực hơn trong nửa cuối năm 2021 gồm: Dòng vốn FDI đã bắt kịp nửa đầu năm 2020 trong bối cảnh chuỗi cung ứng tiếp tục dịch chuyển tạo cơ sở cho các hoạt động tăng trưởng trong tương lai. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi và hoạt động tốt trong quý II/2021, bất chấp những trở ngại khác nhau từ sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 trên khắp các tỉnh thành và các nước lân cận. Cùng đó, môi trường lạm phát ổn định sẽ hỗ trợ ngân hàng trung ương linh hoạt hơn trong điều hành chính sách của mình qua đó đảm bảo một môi trường hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, sau khi đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ vào tháng 4, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tương tác cấp cao với Việt Nam về các chính sách quản lý ngoại hối. Tiếp theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã giảm tần suất can thiệp ngoại hối (để ổn định giá trị VND) từ mỗi ngày sang một lần một tuần kể từ tháng 2. Với các chính sách can thiệp thị trường từ Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ trong thời gián tới, các diễn biến cho thấy áp lực mất giá lên VND sẽ không đáng kể đi cùng sự giám sát của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.

Các chuyên gia cho rằng, dù gần đây làn sóng dịch bệnh thứ 4 đang lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành phố có thể làm ảnh hưởng phần nào tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đang rất tích cực trong việc vừa chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu kép.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành số tiền lên tới 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với chính sách này, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM - nhận định: Các hộ kinh doanh nhỏ sẽ bớt phần nào khó khăn, thực hiện nghiêm việc phòng dịch nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Bất chấp sự căng thẳng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khẳng định doanh thu xuất khẩu trong nửa đầu năm nay đã có sự bứt phá rõ rệt so với cùng kỳ. Trong đó, doanh nghiệp ở những ngành hàng chính như dệt may, da giày, thủy sản, gỗ… đều có kim ngạch cao. Điển hình như gỗ đã đạt kim ngạch 7,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng mạnh trên 62% so với cùng kỳ; thủy sản vượt 4,1 tỷ USD, tăng trên 12%, dệt may đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9%... Hiện tại doanh nghiệp ở các ngành hàng này đang tích cực vừa sản xuất, vừa chống dịch để đảm bảo tiến độ thực hiện đơn hàng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm.

Báo Công Thương