Ngành bán lẻ hàng hóa đạt quy mô 2,7 triệu tỷ đồng

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:27, 02/11/2018

(VLR) Doanh thu của ngành bán lẻ đạt gần 287 nghìn tỷ đồng trong tháng 10/2018, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy đà tăng trưởng tốt và đầy tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam

Hãng tư vấn A.T. Kearney cũng đánh giá, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và là miếng mồi béo bở đối với các nhà đầu tư

Hãng tư vấn A.T. Kearney cũng đánh giá, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và là miếng mồi béo bở đối với các nhà đầu tư

Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tiếp đà tăng trưởng

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2018 ước tính đạt 378,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 286,9 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,3 nghìn tỷ đồng; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,3 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ khác đạt 44,1 nghìn tỷ đồng.

Tính chung 10 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,31% (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,79%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm nay đã đạt con số 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm 75,3% tổng mức và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 13%; may mặc tăng 12,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,6%; phương tiện đi lại tăng 11,6%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng ước tính đạt 440,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% tổng mức và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng năm nay ước tính đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ khác 10 tháng ước tính đạt 420 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Doanh nghiệp nội nỗ lực giành thị phần

Tháng 10/2018, ngành bán lẻ chứng kiến vụ mua bán, sáp nhập quy mô lớn trên thị trường. Theo đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty Cổ phần Nhất Nam.

Mặc dù giá trị thương vụ không được tiết lộ, song động thái này của Vingroup cho thấy quyết tâm không nhỏ của ông lớn này trong cuộc đua giành thị phần với các nhà bán lẻ khác. Bởi theo ước tính của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam đang thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.

Hãng tư vấn A.T. Kearney cũng đánh giá, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và là miếng mồi béo bở đối với các nhà đầu tư. Trên thực tế, đã có rất nhiều ông lớn nước ngoài đã đầu tư hoặc đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.

Riêng chuỗi Family Mart của Nhật Bản hiện đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam, và dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020. Hay 7-Eleven cũng đã đổ bộ vào Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 1 thập kỷ tới.

Thương hiệu Lotte Mart của Hàn Quốc lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020. Thêm vào đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc cũng đã bắt đầu "tấn công" thị trường Việt, với tham vọng mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc trong 10 năm tới...

Với việc mua lại hệ thống siêu thị Fivimart, sau khi sáp nhập, Vingroup sẽ sở hữu hệ thống bán lẻ với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc, một con số không hề nhỏ và khiến các doanh nghiệp ngoại đều phải "dè chừng".

"Nhìn vào thị trường bán lẻ hiện nay có thể thấy không có nhiều doanh nghiệp trong nước thực sự nổi bật. Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ nội có khả năng bị thu hẹp hơn do thiếu kinh nghiệm, quy mô đầu tư và nguồn nhân lực.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài luôn kinh doanh một cách bài bản, cẩn trọng. Họ có chiến lược, tầm nhìn dài hạn, cho nên để thực sự có thể cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường thì đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải có chiến lược tốt hơn trong việc giữ gìn thương hiệu", một chuyên gia nói với PV.

VnEconomy