TP. HCM cần khẩn trương triển khai đề án logistics

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:22, 02/08/2021

(VLR) Doanh nghiệp chỉ cần đứt mặt hàng hành lá thì tất cả các gói nêm mì ăn liền thiếu hành nên không sản xuất được.

Người tiêu dùng mua trái cây tại chợ

Người tiêu dùng mua trái cây tại chợ

Tại chương trình cà phê doanh nhân lần thứ 57 do Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) tổ chức 31/7, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch HUBA cho biết, đại dịch COVID-19 gây khó khăn nhưng cũng bộc lộ một số yếu kém rõ ràng là việc bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ông Hòa dẫn chứng, thời gian đầu thực hiện giãn cách do tâm lí người dân có tăng tích trữ nhưng tổng cầu không tăng thậm chí giảm.

Đơn cử như Công ty San Hà trước đây cung cấp thịt gà cho các bếp ăn, cửa hàng thức ăn nhanh, nhà hàng… hàng trăm tấn/ngày, nay những hệ thống này đã đóng cửa nhưng không biết bán đi đâu.

Thực tế trên cho thấy logistics bị đứt gãy, trong đó hệ thống giao nhận shipper gần như đang thả nổi, tự phát. Đặc biệt với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ việc giao hàng bằng xe máy lại rất cơ động gần như chưa có tổ chức và chưa có DN nào làm đầu mối.

Đứt gãy thứ hai nữa là không có hậu cần logistics, nhất là thiếu toàn bộ kho lạnh và kho mát.

Theo ông Hòa, hiện nay TP. HCM có ba chợ đầu mối thì chỉ chợ Bình Điền có kho lạnh nhưng Satra đầu tư kho này chủ yếu để trữ các hàng thủy hải sản, thịt, trái cây nhập khẩu.

Và kho lạnh phục vụ cho hệ thống phân phối hiện đại chỉ đóng góp 30% thị phần, 70% còn lại là chợ đầu mối, chợ truyền thống lại không có hạ tầng dự trữ.

Toàn bộ hoạt động logistics từ giao nhận, dự trữ đặt hàng, đặc biệt là hệ thống kho đông lạnh, kho mát phục vụ cho nông sản bị “bỏ trống”.

"Dịch COVID-19 đã bộc lộ yếu kém về logistics, thành phố nên có chủ trương chính sách ngay từ bây giờ giao Sở Công Thương triển khai đề án logistics. HUBA làm đầu mối gắn kết các DN làm phương án đầu tư ngay từ bây giờ để khi ra dịch có thể triển khai. Nếu nhanh nhất một năm sau mới có cơ sở hạ tầng logistics này”, ông Hòa nói.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 khiến người dân đã quen mua sắm trực tuyến, thương nhân, thương lái cũng sẵn sàng giao dịch trực tuyến, kể cả người nông dân sản xuất cũng cần giao dịch trực tuyến để bán được hàng. Tuy nhiên thành phố đang thiếu hạ tầng.

Vì vậy, hiệp hội kiến nghị thành phố nên quan tâm đầu tư các sàn giao dịch. Trước mắt có thể triển khai nhanh được là sàn giao dịch thịt heo vì thành phố đã đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, có dữ liệu sẵn...

Hiện nay trái cây ngoại được dự trữ bảo quản trong kho đông kho mát, còn trái cây nội thả lỏng lơi khơi vừa ảnh hưởng uy tín cũng như chất lượng. Do đó, thành phố cần lập sàn giao dịch trái cây.

“Theo tôi biết Bộ NN&PT đặt vấn đề với một DN của thành phố lập trung tâm vừa là nơi tập kết giao dịch, dự trữ và phục vụ trái cây cho xuất khẩu lẫn thị trường nội địa. Bộ này nhận định nếu TP. HCM có một trung tâm như vậy sẽ trở thành cửa ngõ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là trái cây Việt Nam” ông Hòa nói.

Hoạt động logistics phục vụ cho nông sản đang bị 'bỏ trống'

Hoạt động logistics phục vụ cho nông sản đang bị 'bỏ trống'

Cùng chia sẻ trên bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM cho biết, đến nay các DN sản xuất của ngành đều giữ vững ổn định sản xuất. Chẳng hạn như các DN mì ăn liền của TP. HCM và Hội cung ứng 6 tỷ gói/ năm cho cả nước đến giờ này DN giữ được sản xuất.

Theo bà Chi tất cả nguyên liệu đầu vào đều tăng 20-30%, chi phí sản xuất kinh doanh tại chỗ tăng cao nhưng các DN cam kết giữ vững giá, chịu huề vốn đồng hành cùng thành phố chống dịch.

Cũng theo bà Chi hiện nay DN sản xuất thực phẩm thực hiện ba tại chỗ chỉ sử dụng 50% - 60% lực lượng lao động nên nguyên vật liệu không thiếu nhưng hàng hóa thiếu do không có nhiều công nhân.

Bên cạnh đó, tất cả nguồn nguyên vật liệu chế biến LTTP đều từ các tỉnh đưa về thành phố lại bị ách tắc nên vừa rồi bắt đầu có tình trạng thiếu mì gói.

Bà Chi dẫn chứng, nguyên cánh đồng hành lá của Bà Rịa Vũng Tàu ở gần thành phố, đến ngày thu hoạch mọi lần thương lái đến mua chất lên xe đưa lên nhà máy ở TP. HCM.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh thương lái không thuê xe vận chuyển được, họ không đi nữa coi như đứt hàng. DN chỉ cần đứt mặt hàng hành thì tất cả các gói nêm mì ăn liền thiếu hành, nên đâu có sản xuất được.

Hội kiến nghị thành phố đề nghị Bộ NN&PTNT kết nối với các tỉnh thành, nắm bắt tình hình sản xuất nhu cầu tiêu thụ để đảm bảo nguồn nông sản phục vụ cho xuất khẩu và thị trường nội địa.

Báo Pháp luật TP. HCM