Doanh thu dịch vụ bưu chính sẽ chiếm 1,6% - 2,1% GDP vào năm 2025
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:25, 06/08/2021
Đến năm 2030, bưu chính là hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử - Ảnh minh họa
Đó là một trong những quan điểm phát triển được đưa ra trong dự thảo “Chiến lược phát triển hạ tầng Bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy kiến kiến.
Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu của doanh nghiệp bưu chính sẽ đạt từ 9 - 12 tỷ USD, chiếm 1,8% - 2,4% GDP. Doanh thu dịch vụ bưu chính sẽ đạt từ 6 - 8 tỷ USD, chiếm 1,6% - 2,1% GDP. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ bưu chính phục vụ thương mại điện tử đạt tối thiểu 30%...
Theo thống kê, sản lượng và doanh thu dịch vụ bưu chính có tốc độ tăng trưởng nhanh qua các năm. Từ thị trường khoảng 3.000 tỷ đồng (khoảng 180 triệu USD) trước năm 2010, đến năm 2020 đã đạt khoảng 36.950 tỷ đồng (khoảng 1.600 triệu USD), đóng góp khoảng 0,8% vào GDP quốc gia. Với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm, bưu chính là một trong các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất của ngành Thông tin và Truyền thông. Số dân phục vụ bình quân khoảng 4.500 người/điểm phục vụ; bán kính phục vụ bình quân khoảng 2,2 km…
Đến hết năm 2020, thị trường bưu chính đã có hơn 570 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế tham gia thị trường. Ngoài doanh nghiệp bưu chính công ích của Nhà nước, các doanh nghiệp khác chiếm khoảng 70% thị phần thị trường bưu chính Việt Nam. Năng lực cạnh tranh của Bưu chính Việt Nam ngày càng được cải thiện. Về xếp hạng quốc tế, đến năm 2020, Việt Nam đã vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính theo đánh giá của Liên minh Bưu chính Thế giới.
Lao động trong lĩnh vực bưu chính tăng nhanh với tốc độ bình quân 27%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Tính đến hết năm 2020, tổng số lao động trong lĩnh vực khoảng 85.700 người (nếu tính cả lao động thời vụ, con số này vào khoảng 150.000 người) tăng 15% so với năm 2019 và tăng 230% so với năm 2016 (37.300 lao động).
Mặc dù Chiến lược phát triển đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã hoàn thành sứ mệnh và lĩnh vực bưu chính Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nêu trên nhưng các chính sách đối với lĩnh vực bưu chính sau 10 năm thực thi cũng đã bộc lộ những hạn chế, cần phải sửa đổi để phù hợp với sự phát triển của lĩnh vực hiện nay.
Việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển hạ tầng Bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Chiến lược độc lập đầu tiên của lĩnh vực Bưu chính- không nằm chung trong Chiến lược phát triển ngành Thông tin và Truyền thông) là sự ghi nhận vai trò và đánh giá cao tầm quan trọng của Bưu chính trong nền kinh tế nói chung và trong ngành Thông tin và Truyền thông nói riêng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc ban hành Chiến lược phát triển hạ tầng Bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 sẽ giúp lĩnh vực bưu chính được đầu tư, phát triển bài bản với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp, đề án, dự án trọng điểm để đạt được các mục tiêu đề ra, nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực bưu chính trong giai đoạn mới; tận dụng tối đa thành tựu của công cuộc chuyển đổi số để tạo thuận lợi, thời cơ phát triển lĩnh vực Bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là cho thương mại điện tử, logistics; bảo đảm dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu; góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu hình thành một Việt Nam số vào năm 2030...