Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phá dỡ tàu biển

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 12:25, 28/04/2023

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2019 về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng có nhiều thay đổi.
4336_13-_1922_halong-1.jpg
Doanh nghiệp đang phải đáp ứng rất nhiều quy định, thủ tục giấy tờ mới có thể nhập khẩu và tháo dỡ tàu biển đã qua sử dụng. Ảnh minh họa

Nhận diện các khó khăn

Ngành Công nghiệp tàu thủy nhiều năm qua tiến hành tái cơ cấu sau thời gian dài đầu tư dàn trải, mất cân đối. Tuy nhiên, khó khăn kéo dài. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất kinh doanh vì thiếu việc làm, kinh doanh thua lỗ, lãng phí tài sản, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị, công nghệ đã được đầu tư; có doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, chờ giải thể. Đứng trước những thách thức trên, năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2014/NĐ- CP quy định về điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, trong đó cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, mở ra hướng đi và tháo gỡ khó khăn cho ngành Công nghiệp tàu thủy của Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC).

Nghị định 114 có hiệu lực từ 1/1/2015, nhưng đến năm 2019 vẫn không có doanh nghiệp, cơ sở phá dỡ tàu biển nào được công bố, cấp phép để thực hiện nhập khẩu, phá dỡ tàu biển. Nguyên nhân là do trong quá trình triển khai thực hiện các doanh nghiệp đã gặp một số vướng mắc đối với quy định về thủ tục môi trường liên quan đến việc đưa cơ sở phá dỡ vào hoạt động. Đến năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 114/2014/NĐ-CP và Điều 4 Nghị định số 147/2018/NĐ-CP quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng với nhiều quy định rõ ràng hơn về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng.

Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải đáp ứng các điều kiện là doanh nghiệp Việt Nam do tổ chức, cá nhân Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đồng thời phải là người sở hữu hoặc người quản lý, khai thác cơ sở phá dỡ tàu biển đã được đưa vào hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điểm đáng chú ý trong Nghị định 82 nói trên chính là đã hủy bỏ quy định về thủ tục phê duyệt kế hoạch phá dỡ tàu biển, điều này giúp các doanh nghiệp cắt giảm bớt được thủ tục hành chính, để doanh nghiệp tự phê duyệt và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để kiểm tra, giám sát.

Tiếp tục sửa đổi

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2019/NĐ-CP quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Trong đó, dự thảo Nghị định đề xuất Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) sẽ có quyền quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động thay vì Bộ trưởng Bộ GTVT như quy định hiện hành. Cùng với đề xuất này, thủ tục quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động cũng sẽ thay đổi. Theo đó, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục HHVN tiến hành các hoạt động: Khảo sát, kiểm chứng các thông tin, số liệu về cơ sơ vật chất của cơ sở phá dỡ tàu biển. Sau khi khảo sát, kiểm chứng các thông tin, cơ sở phá dỡ tàu biển đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì trong 02 ngày làm việc, Cục HHVN ban hành quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động. Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Trong khi theo quy định hiện hành, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục HHVN thẩm định và phải báo cáo Bộ GTVT bằng văn bản về kết quả thẩm định hồ sơ. Đối với quyết định dừng ngay hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển và quyết định dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển, đề xuất Cục HHVN sẽ là cơ quan có thẩm quyền quyết định dừng ngay hoạt động của cơ sở trong trường hợp cơ sở phá dỡ tàu biển để xảy ra tai nạn, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng đối với con người, môi trường trên cơ sở đề nghị của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Sau đó, cơ quan này thông báo cho các cơ quan liên quan biết và công bố quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển trên Cổng thông tin điện tử của Cục HHVN.

Đáng chú ý, để thống nhất với các nội dung về thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định sửa đổi cũng quy định sẽ không hồi tố. Cụ thể, các văn bản chấp thuận, Quyết định, Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc cấp phép trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành sẽ tiếp tục được thực hiện hoạt động cho đến khi hết thời hạn đã được chấp thuận hoặc cấp phép. Sau thời hạn này, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ các quy định để được chấp thuận hoặc cấp phép theo quy định tại Nghị định.

Với các hồ sơ xin cấp các văn bản chấp thuận, Quyết định, Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ tiếp tục thực hiện việc chấp thuận, cấp phép theo quy định tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ. Tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc Giấy xác nhận thuộc trường hợp bị thu hồi trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc Giấy xác nhận thực hiện thu hồi theo quy định tại Nghị định mới./.

Bảo Hân (tổng hợp)