Trở lại Cần Thơ

Văn hóa - Ngày đăng : 11:51, 29/04/2023

Tôi nhìn thấy ghe của hai vợ chồng bán xoài, trong khi bố mẹ liên tục mời chào thì cháu bé, chừng 3 tuổi tay lướt smartphone một cách say sưa. Tôi cứ ước ao, ngày mai, đời sống người dân sông nước trên sông Hậu đỡ vất vả hơn.

Lâu lắm rồi tôi không trở lại Cần Thơ. Phải nói là không có sự cố gắng của Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường, Ngô Thịnh Đức thì chưa có cơ hội. Cần Thơ chính là nơi KS. Ngô Thịnh Đức từng công tác, dần dần trưởng thành, trở thành Thứ trưởng Thường trực Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nhiều nhiệm kỳ.

z4303537986054_8fdaba7c3b9c18b428815b3b6210994f.jpg
Đoàn Công tác của Trung ượng Hội KHKT Cầu đường Việt Nam và các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh tại bến Ninh Kiều (Cần Thơ)

Trở lại Cần Thơ lần này, ông có niềm vui riêng. Đó là gặp lại ký ức, gặp lại những đồng nghiệp từng công tác ở đây. Và nữa, ông công bố quyết định thành lập Văn phòng Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, tại Cần Thơ.

Với tôi, một thành viên trong Đoàn công tác lại có cảm xúc khác. Tôi từng ao ước đến Bến Ninh Kiều, từng ngắm dòng sông Hậu, đi chợ nổi Cái Răng ở vùng đất Tây Đô này. “Cần Thơ gạo trắng nước trong / Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Câu ca dao này ai cũng đã một lần được nghe, nhưng khi chúng tôi ngồi trên thuyền đi chợ nổi, cô hướng dẫn viên du lịch Đỗ Thị Bích Liên, đọc lên mang đến những cảm xúc khác.

Thành phố Cần Thơ nằm bên hữu ngạn sông Hậu, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này được khai phá vào năm 1739. Cần Thơ thuở ấy xuất hiện trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, vùng đất Trấn Giang đã nhiều lần thay tên đổi họ và có những khoanh vùng nhất định về địa giới hành chính dựa theo từng thời kỳ.

Cần Thơ là thủ phủ và là đô thị hạt nhân của miền Tây Nam Bộ từ thời Pháp thuộc, nay tiếp tục là trung tâm kinh tế, trung tâm Logistics của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tôi là nhà báo của ngành GTVT và Vietnam Logistics Review nên có thể liệt kê, những hạ tầng quan trọng để hình thành nên chuỗi giá trị đó. Đó là đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã hoàn thành, tuyến Mỹ Thuận – Chà Và (Cần Thơ) và cầu dây văng Mỹ Thuận 2 đang được khẩn trương thi công.

cau-can-tho2.jpg
Cần Thơ là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Internet

Sau khi ba dự án trên hoàn thành, ôtô trên chặng này toàn chạy trên cao tốc: TP HCM - Trung Lương; Trung Lương - Mỹ Thuận; Mỹ Thuận - Cần Thơ, thời gian rút ngắn còn 2 giờ. Cần Thơ còn có sân bay Cần Thơ, cảng biển Cái Cui và vô số cảng thủy nội địa.

Cần Thơ vốn là thủ phủ và là đô thị hạt nhân của miền Tây Nam Bộ từ thời Pháp thuộc, nay tiếp tục là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

Về tên gọi của thành phố Cần Thơ, cho đến nay vẫn chưa có cách giải thích rõ ràng. Trong cuốn Cần Thơ xưa và nay (xuất bản 1966), nhà nghiên cứu Huỳnh Minh giải thích rằng, ngày xưa khi chưa lên ngôi vua, Nguyễn Ánh vào Nam đã đi qua nhiều vùng châu thổ sông Cửu Long. Một hôm, đoàn thuyền của ông đi theo sông Hậu vào địa phận thủ sở Trấn Giang (Cần Thơ xưa). Khi đêm vừa xuống thì đoàn thuyền cũng vừa đến Vàm sông Cần Thơ. Giữa đêm trường canh vắng, vọng lại nhiều tiếng ngâm thơ, hò hát, tiếng đàn, tiếng sáo hòa nhau nhịp nhàng. Nguyễn Ánh thầm khen về một cảnh quan sông nước hữu tình và đặt cho con sông này tên Cầm Thi giang, tức là con sông của thi ca đàn hát.

Dần dần, tên Cầm Thi được lan rộng trong dân chúng và nhiều người nói trại ra là Cần Thơ. Nhiều người nghe tên Cần Thơ hay và đẹp nên đã chấp nhận và cùng gọi là sông Cần Thơ.

Ngày xưa hai bên sông, người dân hay trồng cây cần và cây thơm – cây dứa ngoài Bắc, nên dần dần trở thành tên gọi Cần Thơ. Thơ vốn là cây thơm nhưng được gọi chệch đi”, Đỗ Thị Ngọc Trang - một hướng dẫn viên du lịch khác, giải thích khi đưa chúng tôi tiến về chợ nổi Cái Răng.

- Khi người nông dân đi bán trên sông cứ rao lên, đều đều: “Ai cần thơm không?” dần dần mà thành tên gọi. Ngọc Trang cười, để lộ chiếc răng duyên, không thể duyên hơn. Đó là một phương án, tôi nghĩ đã từng được lưu truyền.

Khi nghe Ngọc Trang giới thiệu, tôi gõ trên điện thoại “Em đố anh vì sao Cần Thơ / em thích Cần còn anh thì Thơm / chợ nổi Cái Răng chào mời thánh thiện / em gật đầu làm anh nổi nênh”, (Cần Thơ).

can-tho-9.jpg
Chợ nổi Cái Răng là địa chỉ giao thương và du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ. Ảnh: Internet

ĐBSCL trong đó có Cần Thơ có vị trí đặc biệt. Đây là nơi xuất khẩu gạo chiếm 90%, trái cây chiếm 60% và thủy sản là 70% so với tổng sản lượng của cả nước và hiện nay chi phí logistics cho các hàng hoá khu vực này đang rất cao chiếm tới 30%.

Trước hết phải nói rằng, nguyên nhân nằm ở chỗ hệ thống giao thông ở ĐBSCL chưa phát triển chưa tương xứng với đà phát triển của khu vực, hơn nữa với việc rất thiếu các trung tâm logistics trọng điểm nên hàng hóa của ĐBSCL phải chuyển lên TP.HCM để xuất khẩu đi các nước khiến cho hoạt động xuất khẩu nông sản ở nơi này bị kìm hãm trong suốt thời gian dài.

Nhiều năm qua lãnh đạo các tỉnh ở ĐBSCL và Chính phủ đã nhìn thấy, tuy nhiên, muốn giải quyết được vấn đề này cần có cơ chế và chính sách phù hợp để thúc đẩy logistic ĐBSCL.

Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển hệ thống logistics ở ĐBSCL, trong đó đã quy hoạch TP Cần Thơ trở thành trung tâm logistics hạng 2 phục vụ cho cả khu vực ĐBSCL. Ngày 17/4/2017, UBND TP Cần Thơ kết hợp với Bộ Công Thương thống nhất quy hoạch trung tâm Logistics hạng 2 ở ĐBSCL có diện tích khoảng 242 ha, và nơi này hiện nay là cảng Tân Cảng Cái Cui.

Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội ban hành ngày 11/11/2021, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2022) cũng đã chỉ ra việc phát triển logistic ở TP Cần Thơ, trong đó có logistic hàng không.

Do vậy, ngoài trung tâm logistics hạng 2 thì Cần Thơ cũng đã ban hành chính sách về phát triển trung tâm logistics hàng không để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, và trung tâm logistic hàng không cũng đã nằm trong quy hoạch của Cần Thơ.

sbct.png
Sân bay Quốc tế Cần Thơ, một "cửa ngõ" Logistics của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Ảnh: Internet

Phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng đặc biệt quan trọng. Chính vì thế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tôi luôn bị ám ảnh bởi thực trạng “được mùa” rớt giá; không chỉ nông sản mà cả hải sản. Chính vì thế, đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình Thủ tướng về việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ (Trung tâm).

Trung tâm được kỳ vọng nhằm giải quyết được vấn đề chính là tăng cường liên kết trong các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sự phát triển bền vững lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp tại vùng ĐBSCL, trong đó có Cần Thơ. Trung tâm là mô hình một điểm đến đa dịch vụ, được hình thành bởi việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp về sản xuất, thương mại, dịch vụ, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, các dịch vụ hỗ trợ khác…Theo các anh lãnh đạo ở Sở Giao thông vận tải Cần Thơ, địa phương dự kiến dành một quỹ đất rộng khoảng 2.000 ha để xây dựng Trung tâm. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông và hệ thống kho trung tâm để bảo quản các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL.

Logisstics luôn là “chìa khóa” để gia tăng giá trị, góp phần làm cho giọt mồ hôi người nông dân miệt vườn, người ngư dân sông nước Cần Thơ, bớt mặn mòn, cay cực.

***

Từ bến Ninh Kiều sau khi đi chừng 10 km, qua ba chiếc cầu Quang Trung, Hưng Lợi, Cái Răng là đến chợ nổi. Bấy giờ mới hơn 6 giờ sáng. Ghe ơi là ghe, đủ loại. Thấy tàu du lịch do tài công tàu CT15035 giảm tốc độ, các ghe bán trái cây, hủ tiếu, cà phê....thay nhau tiếp cận. Tiếng mời chào rộn ràng cả khúc sông Hậu hiền hòa.

Người dân ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng, nhân hậu, hào phóng như châu thổ. “Vợ chồng sống trên ghe thuyền trôi nổi trên sông nhưng tình cảm lắm nghe. Đêm tàu lắc, sóng đánh...nên vợ chồng cứ chạm vào nhau. Không cặp đôi nào giận nhau quá một ngày”, Đỗ Thị Bích Liên, một hướng dẫn viên du lịch khác, giới thiệu, mắt cười tinh nghịch.

img_0516.jpg
Bao giờ người nông dân ĐBSCL đỡ vất vả? Ảnh: Ngô Đức Hành

Hóa ra, người dân bán hoa trái trên sông ở chợ nổi Cái Răng không chỉ là người dân Cần Thơ. Họ đến từ nhiều tỉnh. Nếu vợ chồng nào đã có hai con thì đứa lớn được gửi về ông bà nội, hoặc ngoại để đi học, chỉ còn đứa bé theo bố mẹ.

Tôi nhìn thấy ghe của hai vợ chồng bán xoài, trong khi bố mẹ liên tục mời chào thì cháu bé, chừng 3 tuổi tay lướt smartphone một cách say sưa. Tôi cứ ước ao, ngày mai, đời sống người dân sông nước trên sông Hậu đỡ vất vả hơn.

- Ai cà phê nóng đây, nước đậu nóng đây, khi chiếc ghe bán xoài vừa rời mạn thuyền chúng tôi thì ghe bán giải khát ập đến.

Chúng tôi lên bờ, vào một siêu thị nổi trên sông./.

Ký của Ngô Đức Hành