Điều tiếc nuối ở thác Đray Sáp (Đắk Nông)

Du lịch - Ngày đăng : 07:51, 02/05/2023

Thác Đray Sáp nằm cách thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 39km, là điểm nối liền giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, có nhiều điều đáng tiếc...
Dray Sap, thác nước hùng vỹ, niềm tự hào của Tây Nguyên. Video: Ngô Đức Hành

Chiều cao của thác Dray Sap là khoảng 20m và chiều rộng thì khá ấn tượng khi lên đến tận gần 100m. Dòng nước hùng vĩ đổ từ trên cao xuống tạo thành những dòng nước trắng xóa ấn tượng như màu khói, do đó cái tên Dray Sap ra đời bởi trong tiếng Ê đê, từ này có nghĩa là khói.

Câu chuyện sự tích xoay quanh con thác này hẳn cũng sẽ khiến nhiều người vô cùng tò mò. Truyền thuyết kể rằng ngày xưa, thời kì mà con sông Sê-rê-pok mới chỉ vẫn là một dòng nước nhỏ bình thường chảy quanh làng thì nó trở thành ranh giới phân định hai ngôi làng ở đây. Tuy nhiên, có một đôi trai gái ở hai làng đã đem lòng yêu nhau, tình yêu của họ không chỉ bị ngăn cách bởi địa lý mà còn là bởi sự cấm đoán mạnh mẽ của gia đình hai bên. Vì không còn cách nào khác để bên nhau trọn đời nên hai người đã cùng nhau gieo mình xuống dòng sông. Kể từ lúc đó, địa điểm này bỗng hay nổi lên những cơn thịnh nộ với những cơn sóng to và nguy hiểm, con sóng tách dòng sông thành hai nhánh khác nhau, một trong hai nhánh sông đó đã tạo nên ngọn thác Dray Sap hùng vĩ của ngày nay.

Năm 1993, dòng thác này đã được công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia. Những ngày nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 này, tôi cùng gia đình mới lần đầu đến tận nơi, chứng kiến tận mắt sự ấn tượng của Dray Sap. Nằm giữa không gian thiên nhiên xanh rì rộng lớn chính là con thác quanh năm nước đổ trắng xóa, ngay dưới chân là những mỏm đá với những hình thù khá kì lạ. Thiên nhiên vừa có chút hoang dã lại vẫn rất thư thái và đem đến cảm giác yên bình.

z4310290241690_c22666a546eaae7121ac82b77fde70d5.jpg
Quá đông người đến vãn cảnh, bày biện ăn uống, đặt ra vấn đề về môi trường cảnh quan. Ảnh: Ngô Đức Hành

Phải nói là rất đông người dân đến du lịch, nghỉ lễ tại Buôn Ma Thuật đã đến thác thác Dray Sap và Dray Nur vào dịp này.  Du khách đến quá đông làm cho hai ngọn thác hùng vĩ này trở nên quá tải. Khi chúng tôi đến là 10h30, ngày 1/5. Tất cả các mỏn đá tương đối bằng phẳng phía trước thác Dray Sap đều đã được du khác, trải chiếu hoặc các tấm bạt mang theo đều được du khách "chiếm giữ" ngồi hóng mát, làm chỗ cho trẻ em chơi... và bày biện thức ăn trưa. Quan sát chúng tôi thấy, rất nhiều nhóm khách dường như đến thác Dray Sap chỉ để ăn nhậu, điều họ vẫn làm hằng ngày. Bằng chứng là không chỉ mang đồ ăn nhẹ mà nhiều toán khách còn mang cả gà, vịt....đến thuê bếp, mua than để nướng ăn "tại trận".

Qua cổng soát vé vào tham quan thác Dray Sap du khách đã nhìn thấy các tấm biển "Cấm lửa" hoặc biển "Cấm lửa" được treo trên một số than cây, từ cổng chính vào đến chân thác, nhưng dường như không ai quan tâm đến cháy. Khói nướng thức ăn bốc lên từ nhiều vị trí gần thác và ngay bờ đá đối diện nơi thác đổ.  Vấn đề thứ hai, đáng quan tâm là vệ sinh, môi trường. Không như ở một số nơi được đầu tư bài bản, quản lý chặt chẽ, ở thác Dray Sap công tác vệ sinh, bảo đảm môi trường còn "hoang dại". Rất ít thùng rác, không có nhân viên của đơn vị khai thác du lịch nhắc nhở du khách và thu gom rác. Tất nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của khách du lịch Việt Nam thì chưa hình thành. Tất cả đều xả bừa bãi. Gần như tâm lý du khách "chỉ đến một lần", việc giữ môi trường, cảnh quan không phải là việc của họ.

z4310291349384_eb9e23bd9006da84ea6ddc92ba1948c6.jpg
Du khách thuê bếp nướng thức ăn ở chân thác. Ảnh: Ngô Đức Hành
z4310291536939_01a66ede5b7648c70f6e38db65586079.jpg
Khói, lửa bốc lên ở nhiều nơi. Ảnh: Ngô Đức Hành

Khi rời thác Dray Sap để sang thác Dray Nur tôi gặp một thanh niên người dân tộc Ê đê có tên là I Bắp - làm nhiệm vụ bảo vệ. Khi được phản ánh thì I Bắp mới vội vàng chạy vào thác Dray Sap kiểm tra. Những người làm nhiệm vụ bảo vệ, nhắc nhở du khách như I Bắp ở thác Dray Sap quá hiếm. 

Trong đầu óc tôi cứ băn khoăn với câu hỏi: Hiện nay ngành Du lịch và các địa phương đều quan tâm đến phát triển du lịch xanh, bền vững; du lịch dựa vào cộng đồng, tôn trọng giá trị tự nhiên, giá trị lịch sử văn hóa của địa phương một cách tối đa; nhưng tại sao Đắk Nông không có bài bản với chiến lược xuyên suốt? Du lịch được xác định là một ngành công nghiệp "không khói", phải được phát triển bền vững gắn với "xanh hóa" trong khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch, từ đó mới có thể hy vọng tạo ra các giá trị kinh tế mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Trên đường qua cầu treo Day Sap để sang thác Dray Nur (Đắk Lắk), cách đó không xa, vấn đề xử lý rác thải càng cho thấy đang trở nên cấp thiết ở hai khu danh thắng này. Rác sinh hoạt, túi ni lông vứt bừa bãi, trên đường đi bộ của du khách, ngay dưới tán của những cây Điều lâu năm. Không chỉ thế, du khách còn mang loa thùng hát hò ầm ỹ cả khu rừng. Vấn đề ô nhiễm tiếng ồn cũng thật đáng quan tâm. Nếu khai thác du lịch chỉ quan tâm đến bán vé, thì chỉ là "bóc lột" danh thắng, "bóc ngắn, cắn dài".

Ngô Đức Hành