Thủ tướng Pham Minh Chính: Lạm phát đang giảm dần, cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 19:59, 05/05/2023

Thủ tướng nêu rõ 3 nhóm nhiệm vụ lớn, yêu cầu tiếp tục tập trung rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế...

Như tin đã đưa, sáng ngày 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023. Chính phủ đã tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác (về giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia).

img8774-1-16832753308671289872558.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 10 điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023

10 điểm nổi bật về chỉ đạo, điều hành

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 10 điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành tháng 4 và 4 tháng vừa qua.

Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định 08), thị trường bất động sản (Nghị quyết 33).

Thứ hai, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các dự án, công trình trọng điểm quốc gia với 5 tổ công tác được thành lập.

Thứ ba, cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp (NHNN đã ban hành 2 thông tư về nội dung này).

Thứ tư, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất (Nghị định 12) và đang trình cấp có thẩm quyền xem xét giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Nghị quyết 58).

Thứ sáu, xử lý vướng mắc về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế (Nghị quyết 30 và Nghị định 07).

Thứ bảy, tổ chức các hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội gắn với các hội nghị xúc tiến đầu tư.

Thứ tám, tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác quy hoạch, chuyển đổi số, du lịch, ngoại giao kinh tế, thực hiện Đề án 06, các phiên họp Ban chỉ đạo về cải cách hành chính, các công trình trọng điểm quốc gia..., gặp mặt các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để lắng nghe các ý kiến một cách cầu thị.

Thứ chín, tập trung xử lý quyết liệt, có hiệu quả với các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, các ngân hàng yếu kém. Trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương, đã tìm được đầu ra cho 8 dự án. Cùng với đó, xử lý các vấn đề liên quan Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, Nhiệt điện sông Hậu 1; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được khánh thành mà không sử dụng thêm ngân sách và còn tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt và xử lý các vấn đề liên quan ngân hàng SCB...

Thứ mười, tập trung thúc đẩy các dự án hạ tầng chiến lược, vừa khánh thành các tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, Dầu Giây – Phan Thiết và các dự án Phan Thiết–Vĩnh Hảo, Cam Lâm–Nha Trang sẽ hoàn thành trong tháng 5 tới. Khởi công 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2 với chiều dài 729 km và khẩn trương chuẩn bị khởi công các dự án kết nối đông tây, các tuyến vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TPHCM… Đã báo cáo cấp có thẩm quyền và chuẩn bị triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, về tồn tại, hạn chế, khó khăn và những vấn đề cần lưu ý, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, tình hình bất ổn bên ngoài tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn.

3 nhóm nhiệm vụ lớn thời gian tới

Về bối cảnh, tình hình thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề cần lưu ý như việc OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024; việc Trung Quốc mở cửa, phục hồi vừa mang lại cơ hội vừa có những thách thức; rủi ro tài chính, tiền tệ, bất động sản trên thế giới còn cao.

Về mục tiêu, quan điểm, định hướng, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nhất quán theo Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, theo đó, phải đạt được mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước.

Với tinh thần chia sẻ, đồng hành, huy động được sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, Thủ tướng nêu rõ 3 nhóm nhiệm vụ lớn. Trong đó, nhóm nhiệm vụ thứ nhất là tập trung chuẩn bị các đề án, báo cáo trình Trung ương, Quốc hội bảo đảm tiến độ và chất lượng theo quy định.

Nhóm nhiệm vụ lớn thứ hai
là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, giữa bên trong và bên ngoài. Hiện nay, lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần, do đó, ưu tiên hơn cho tăng trưởng từ tháng 4, tháng 5 và những tháng tiếp theo.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; trước mắt, tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay với cả khoản vay mới và hiện hữu.

Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường hơn nữa vai trò của chính sách tài khóa trong bối cảnh dư địa còn khá lớn khi dư nợ công khoảng 38% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34,7% GDP, so với Nghị quyết Đại hội XIII là 60% và 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 50% và 45% GDP.

img8793-1683275329943368921877.jpg
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy cả phía cầu và cung.

Về cầu, sớm có các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước; sớm có các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ người lao động, người dân, khuyến mại, giảm giá; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư tư nhân, tháo gỡ mọi rào cản, huy động hợp tác công tư, khơi thông mọi nguồn lực phát triển; về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới, đẩy mạnh đàm phán các FTA. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng; phong trào người Việt Nm ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Về cung, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và quản trị xã hội về lao động, môi trường, tạo thuận lợi cho các thị trường vốn, khoa học công nghệ, lao động, nâng cao năng suất lao động. Đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Nhóm nhiệm vụ lớn thứ ba
, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế; làm tốt công tác quy hoạch; giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển.

Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề. Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chú trọng phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Nguồn: Chính phủ

Bảo Hân (tổng hợp)