Opera Việt Nam – bước kế thừa từ nghệ thuật dân tộc - Bài 1: Chất liệu âm nhạc trong opera Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 10:41, 06/05/2023

Theo chủ đề nêu trên, Tạp chí Vietnam Logistics Review (VLR) sẽ lần lượt giới thiệu các bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trang, Giảng viên Khoa Thanh nhạc – Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh như những kết quả lao động của chị nhìn từ góc độ nghiên cứu.
artboard-1(1).png
opera.png

Những nhạc sĩ Việt Nam khi có điều kiện học hỏi, tiếp thu cái hay cái đẹp về văn hóa, nghệ thuật, tinh hoa âm nhạc thế giới cả ở phương Đông lẫn phương Tây, nhưng vẫn luôn ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc của dân tộc. Người nhạc sĩ trong sáng tác và người nghệ sĩ trong biểu diễn luôn có khuynh hướng trình bày các đặc trưng, bản sắc văn hóa và ý thức thể hiện tinh thần dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật của mình. Đặc biệt, các nhạc sĩ Việt Nam đã kế thừa những tinh hoa dân tộc từ nguồn vốn dân ca, các làn điệu trong âm nhạc cổ truyền, các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như: Tuồng, Chèo, Cải lương...

artboard-1-copy-3(1).png

Sự kế thừa tinh hoa dân tộc trong các vở opera Việt Nam được thể hiện rõ nét qua nhiều yếu tố như: chất liệu âm nhạc, ngôn ngữ diễn đạt, thành phần dàn nhạc. Nhận định về vấn đề này, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (người đã sáng tác 3 vở opera Việt Nam gồm: Cô Sao; Người tạc tượng; Nguyễn Trãi ở Đông quan) đã viết:“Ở ta đã có ba cái mẫu ca kịch dân tộc là tuồng, chèo, cải lương, tại sao tôi không dựa vào một trong ba loại nhạc sân khấu này để xây dựng nên nhạc kịch của ta cho rõ nét sự kế thừa vốn cổ dân tộc?”.

Chất liệu âm nhạc là những “yếu tố ban đầu gợi nên những cảm xúc âm nhạc”. Chất liệu âm nhạc có thể là những làn điệu dân ca, dân nhạc, những tiết tấu quen thuộc trong thực tế cuộc sống, thậm chí là những ấn tượng, cảm xúc trong các tác phẩm văn chương, thi ca, hội hoạ, thể hiện tâm hồn, văn hóa dân tộc. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã kế thừa vốn dân ca vùng Tây Bắc cùng với những đặc điểm chung của âm nhạc dân tộc, xây dựng nên chủ đề nhân vật, những điệu hát, điệu múa, những đoạn nhạc không lời, xuyên suốt các tiết mục trong vở opera Cô Sao. Điển hình là những điệu múa hát đậm màu sắc dân tộc, mô phỏng bức tranh quen thuộc trong lao động, sinh hoạt tập thể của dân tộc Thái như Xòe hoa hay Inh lả ơi! xao nọong ơi ! (số 11 màn 1; số 26 màn 3), những tiết mục hát sử dụng thang 5 âm, âm hưởng dân ca vùng núi phía Bắc của dân tộc Thái (số 4, 5, 10, 13 màn 1). Tác giả không bị gò bó những điệu hát của nhân vật cô Sao trong làn điệu dân ca Thái mà còn sử dụng cả chất liệu của nhạc chèo vào điệu hát chủ đề chính khi bộc lộ tình cảm đau thương, uất ức của cô Sao (số 2, 12 màn 1).

Chất liệu dân ca Tây Nguyên được sử dụng rõ nét, thường xuyên trong vở opera Bên bờ K’rông Pa của Nhạc sĩ Nhật Lai hay một vài tiết mục trong opera Tình yêu của em của Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn. Khi đặc tả nhân vật Già Ma Tông, Nhạc sĩ Nhật Lai xây dựng phần hát với lối kể khan - kể chuyện sử thi của Tây Nguyên bằng giọng trầm hùng cùng tiếng đàn goong trên tay của già làng (số 7 màn 1). Giai điệu bài dân ca Gia Rai Bến nước được sử dụng để diễn đạt tâm trạng chờ mong, khắc khoải trong tình yêu cùng sự giằng xé, đau xót của cô gái H’Lim khi rơi vào bi kịch nghiệt ngã - mẹ mất, người yêu Y San bị nghi ngờ là người đã giết mẹ H’Lim (số 14 màn 1). Chất liệu âm nhạc Tây Nguyên cũng được Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn dùng diễn tả nỗi đau thương tột cùng, sự điên dại, đau đớn của người mẹ Pơ Lang trước cái chết của đứa con thơ (số 6, 7 màn 1). Trong opera Người tạc tượng, chủ đề âm nhạc mang âm hưởng Tây Nguyên trầm hùng và pha lẫn âm điệu thắm thiết của vùng đồng bằng Nam Trung Bộ. Chất liệu dân ca Tây Nguyên được sử dụng rõ nét khi diễn đạt một tình yêu trong sáng, thánh thiện cùng với niềm thương cảm của cô gái H’Nuôn dành cho người yêu (số 18 màn 2).

artboard-1-copy(1).png

Khi viết opera Nguyễn Trãi ở Đông quan, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sử dụng rất đa dạng những chất liệu âm nhạc dân tộc như: dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca Nam Bộ, ca trù, chèo, tuồng. Trong bối cảnh bên bờ sông Tô Lịch chiều 30 Tết, cô Trúc (Nguyễn Thị Lộ) cùng các cô gái khác đang đi chợ Tết và tại đây, cô Trúc đã gặp người anh hùng Nguyễn Trãi như mối lương duyên tiền định. Cô gái duyên dáng, ý nhị, tài sắc này được tác giả diễn tả qua giai điệu bài dân ca quan họ Bắc Ninh Cây trúc xinh (số 3 hồi 1 cảnh 1). Khi thể hiện tài nghệ đàn ca hát xướng cùng những nỗi niềm chất chứa trong lòng của nhân vật Đào Xuân, tác giả đã sử dụng và pha trộn nhiều chất liệu trong âm nhạc cổ truyền như: hát đối đáp theo lối xướng - xô với âm hưởng và tiết tấu từ nhịp chèo đò của dân ca Bắc Bộ. Cách hát hơi gằn trong cổ, “nẩy” những âm đệm như: ư, ừ, ư hừ... để tăng độ vang, rền, liền hơi trong lối hát ca trù. Giai điệu man mác buồn, đậm chất oán trong dân ca Nam Bộ với âm hưởng bài dân ca Lý lu là (số 6 hồi 1 cảnh 1). Trong bối cảnh hai nhân vật Đào Xuân và Trúc vừa đàn hát, vừa chuốc rượu hai tên quan Tàu cho say xỉn để cứu ông Bút trốn thoát, tác giả đã sử dụng giai điệu biến tấu từ bài Hát ru (dân ca Bắc Bộ) với âm hưởng ca trù ở câu vỉa - mở (số 18 hồi 2 cảnh 2).

Chất liệu dân ca Nam Bộ được hai nhạc sĩ Hoàng Việt - Lưu Hữu Phước sử dụng nhuần nhuyễn, xuyên suốt vở opera Bông Sen. Rõ nét nhất là giai điệu bài hát do nhân vật em gái thể hiện với lời hát là bài ca dao quen thuộc Trong đầm gì đẹp bằng sen..., đậm chất dân ca Nam Bộ. Trong opera Người giữ cồn, Nhạc sĩ Ca Lê Thuần cũng đã sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ qua nhiều tiết mục hát. Ngay mở đầu tác phẩm là phần hò (vocalise) của cô gái, thấm đẫm chất Nam Bộ với nét buồn man mác xa xôi của điệu Nam và cách ngâm ngợi trong các điệu hò sông nước, giới thiệu bối cảnh dòng sông quê hương mênh mông và nhân vật ông già giữ cồn (số 1 cảnh 1). Độc đáo nhất là màn ca cải lương với bản vọng cổ Tình anh bán chiếu bên cạnh cảnh mua bán tấp nập của chợ nổi. Hình ảnh dòng sông Hậu hiền hòa bát ngát, gắn với cuộc sống xôn xao nhộn nhịp của những con người miền sông nước hòa với giọng hò ngân vang, mênh mông cả đất trời Hậu Giang (số 6, 7, 8 cảnh 2).

Trong opera Lá đỏ của Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, âm hưởng những điệu hò lao động được bắt gặp qua câu: hò khoan dô khoan, ớ huầy dô... khỏe khoắn, lạc quan, luân phiên với những câu hát mở đường làm sống dậy bầu không khí xướng - xô trong hò sông Mã của xứ Thanh hay vẻ mộc mạc, mặn mà của Ví dặm Nghệ Tĩnh (số 9 hồi 1 cảnh 1). Trong bối cảnh vị thần núi truyền chưởng lực vào những chiếc lá đỏ để phục hồn cho các cô gái, khi cánh cửa hang mở ra, các cô hóa thành tiên nữ bay lên bầu trời trong xanh... Tác giả rất tài tình khi diễn đạt sự phục hồn cho tám cô gái đã hy sinh ở trong hang (hang Tám Cô) bằng lời cầu kinh Nam mô A-Di-Đà Phật của giọng nữ cao tụng kinh lặp đi lặp lại trên nền nhạc dài 24 ô nhịp (số 33, 34 hồi 2 cảnh 6).

Tính dân tộc trong âm nhạc Việt Nam luôn có sức sống mãnh liệt trong tâm thức, tình cảm, suy nghĩ và sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Từ lời ru ầu ơ của mẹ, câu ca dao, điệu lý, câu hò, đến những nét sinh hoạt trong cuộc sống lao động hàng ngày, những phong tục tập quán của 54 dân tộc Việt Nam trải dài trên khắp đất nước thông qua âm nhạc đều được các nhạc sĩ khắc họa rõ nét.

Các nhạc sĩ đã vận dụng tài tình những giai điệu dân ca, những làn điệu trong âm nhạc cổ truyền, những âm điệu trong hệ thống thang 5 âm của dân tộc cùng các loại hình nghệ thuật sân khấu như tuồng, chèo, cải lương, tiếp tục được sáng tạo, làm chất liệu cho opera Việt Nam - một loại hình nhạc kịch vốn có nguồn gốc phương Tây trở nên gần gũi, quen thuộc với tâm tình và bản sắc văn hóa của người Việt Nam.

TS. Nguyễn Khánh Trang