Logistics xanh ở Việt Nam, cách tiếp cận
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 12:04, 06/05/2023
Khái niệm logistics xanh
Thuật ngữ “logistics xanh” hay các thuật ngữ tương tự như “logistics bền vững”, “logistics xanh bền vững”,… lần đầu tiên được đề cập vào những năm 1980. Kể từ đó, rất nhiều tổ chức và các nhà nghiên cứu đã đưa ra các khái niệm khác nhau về logistics xanh từ nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Tại Việt Nam, khái niệm logistics xanh vẫn còn tương đối mới nên hiện chưa có một cách hiểu thống nhất và rõ ràng. Hiện tạm thời có cách nhìn chung, đó là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Logistics xanh nhấn mạnh vào những nỗ lực và biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động logistics, từ đó đạt tới sự cân bằng bền vững giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường (Sbihi & Eglese, 2010). Logistics xanh chi phối đồng thời cả ba mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Ba mục tiêu này không loại trừ mà ngược lại còn củng cố lẫn nhau. Mọi nỗ lực của logistics xanh đều tập trung đóng góp và đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Nội dung phát triển logistics xanh
- Xanh hóa hoạt động vận tải
Vận tải là hoạt động logistics có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Có hai yếu tố chính của vận tải ảnh hưởng đến môi trường, bao gồm: hệ thống mạng lưới giao thông và hoạt động của các phương tiện vận tải. Các phương tiện vận tải sử dụng nhiều nhiên liệu và thải ra môi trường khí thải độc hại. Đặc biệt, phương tiện giao thông đường bộ có ảnh hưởng nhiều nhất tới môi trường thể hiện ở lượng khí thải, tiếng ồn và ùn tắc giao thông. Hơn nữa, đường bộ, sân bay, bến cảng được xây dựng ngày càng nhiều là nguồn gây ô nhiễm lớn.
Nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông, chuyển đổi từ vận chuyển đường bộ sang đường thuỷ, đường sắt; sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường hoặc ít phát thải khí các-bon và vận hành hệ thống vận tải một cách tối ưu là những giải pháp quan trọng để xanh hoá hoạt động vận tải.
- Xanh hóa hoạt động kho bãi
Việc thiết kế, xây dựng kho trực tiếp ảnh hưởng đến mức độ sử dụng năng lượng của kho. Thiết kế và xây dựng kho không chỉ yêu cầu đảm bảo lưu trữ an toàn cho hàng hóa như duy trì độ ẩm tốt, chống ăn mòn, chống thấm, chống biến dạng, chống bay hơi, không bị rò rỉ,… mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Kho bãi với các tính năng thân thiện môi trường như sử dụng năng lượng mặt trời, ánh sáng tự nhiên, diện tích phù hợp, tường và sàn dày hoặc cho phép tái chế tại chỗ sẽ tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tiếng ồn và khí thải tới môi trường. Ngoài ra, lựa chọn sử dụng các trang thiết bị tại kho thân thiện với môi trường và tổ chức vận hành hoạt động kho một cách tối ưu cũng giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Quy hoạch mặt bằng kho tốt không chỉ giúp tận dụng tối ưu không gian kho mà còn cắt giảm được chuyển động trong kho. Điều này buộc các doanh nghiệp phải lựa chọn thiết kế xanh hóa kho bãi để không chỉ đạt được hiệu quả về mặt kinh tế mà còn tăng thêm tính xanh trong hoạt động logistics của mình.
- Xanh hóa hoạt động đóng gói
Đóng gói là một quy trình quan trọng đối với tất cả các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Thường có ba loại bao bì là bao bì chính, bao bì thứ cấp và bao bì vận chuyển. Bao bì chính chứa đựng sản phẩm. Kích thước, hình dạng và vật liệu cấu tạo bao bì có ảnh hưởng đến chi phí kho hàng và chi phí vận chuyển. Việc đóng gói sản phẩm tốt hơn cùng với các vật liệu tái sử dụng và pallet được sắp xếp theo mô hình tối ưu sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí nhờ việc giảm sử dụng vật liệu, tăng sử dụng không gian nhà kho và dung tích phương tiện vận tải, giảm số lượng bao bì cần xử lý. Bao bì không phù hợp có thể dẫn đến hư hỏng sản phẩm trong quá trình vận chuyển và gây lãng phí bao bì, tăng lượng rác thải ra môi trường. Do đó, công nghệ đóng gói sáng tạo sẽ giúp giảm thiểu tổn thất của sản phẩm trong quá trình vận chuyển, đồng thời giảm tác động đến môi trường.
- Xanh hoá hệ thống thông tin
Một hệ thống thông tin hoàn hảo có thể tăng mức độ xanh hóa hoạt động logistics bằng việc cung cấp những thông tin thực tế về mặt thời gian và điều khiển một cách chính xác, tối ưu các hoạt động trong logistics như đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, chế biến, phân phối, xếp dỡ, xử lý hàng tồn kho... nhằm tuân thủ các yêu cầu về kinh tế cũng như môi trường, tạo điều kiện cho việc thực hiện dịch vụ logistics gắn với trách nhiệm môi trường.
Bên cạnh đó, việc số hóa dữ liệu không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động, thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, quản lý dữ liệu mà còn giảm thiểu in ấn, đồng nghĩa với giảm tác hại đến môi trường. Đặc biệt, mạng lưới liên kết thông tin giữa các doanh nghiệp với cơ quan chuyên ngành sẽ giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cũng như hạn chế việc di chuyển, góp phần giảm thiểu tác động xấu tới môi trường.
- Phát triển logistics ngược
Phát triển logistics xanh không thể thiếu phát triển logistics ngược bao gồm hai hoạt động chính là thu hồi, tái sử dụng sản phẩm và xử lý chất thải. Logistics ngược là quá trình các doanh nghiệp thu hồi sản phẩm khách hàng trả lại, sản phẩm cần bảo hành, bảo dưỡng hoặc sản phẩm, bao bì kết thúc sử dụng từ người tiêu dùng cuối cùng; tận dụng nguyên liệu tái chế, phế phẩm, phụ phẩm trong quá trình sản xuất; tận thu phế liệu từ vật liệu đóng gói, vận chuyển. Do đó, hoạt động logistics ngược sẽ góp phần bảo vệ môi trường và mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Quản lý chất thải là một nội dung quan trọng để bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên. Chẳng hạn như, khi nhà kho phát sinh số lượng lớn chất thải bao bì hay khi sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc hư hỏng thì chúng trở thành phế thải. Khi đó, việc xử lý chất thải thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường là vô cùng quan trọng.
Tiêu chí đánh giá mức độ xanh hoá hoạt động logistics tại doanh nghiệp
Để đánh giá mức độ xanh hoá hoạt động logistics tại doanh nghiệp cần căn cứ đồng thời cả các chỉ tiêu mang tính tổng quát liên quan chiến lược, chính sách và hệ thống quản lý môi trường nói chung và các chỉ tiêu đo lường, đánh giá mức độ xanh hoá đối với từng hoạt động logistics nói riêng như vận tải, kho bãi, đóng gói bao bì, hệ thoosng thông tin, quy trình thu hồi sản phẩm không đáp ứng yêu cầu và xử lý chất thải. Những chỉ tiêu này được Ban Biên tập Báo cáo tổng hợp trong Bảng 7.1 trên cơ sở tham khảo các nghiên cứu đã công bố trước đây và kết quả phỏng vấn doanh nghiệp.
Yếu tố ảnh hưởng đến phát triển logistics xanh
- Cơ chế, chính sách pháp luật
Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ có tác động rất lớn đối với sự tồn tại và phát triển của logistics xanh thông qua việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển logistics xanh được ưu đãi về thuế và vay vốn hay mở rộng các quy định nhận hỗ trợ, ưu đãi,... WeiZhang và cộng sự (2020) đã khẳng định năng lực quản trị xanh của chính phủ, mức độ tiếp cận của doanh nghiệp đối với chính sách logistics xanh, khả năng giám sát của xã hội và tốc độ phát triển của ngành logistics là các căn cứ chính để hoàn thiện hệ thống chính sách logistics xanh. Đồng thời, cơ chế bên trong của các yếu tố này ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách logistics xanh và có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cấp logistics xanh đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
- Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải
Các loại hình phương tiện vận tải đều có đặc điểm chung là tiêu thụ nhiên liệu rất lớn và nồng độ xả khí thải nhà kính cao, gây ô nhiễm môi trường. Lượng nhiên liệu tiêu thụ và nồng độ khí thải của phương tiện vận tải phải phụ thuộc vào các yếu tố như đặc điểm kĩ thuật và trọng tải của phương tiện, đặc điểm cơ sở hạ tầng và điều kiện giao thông cụ thể (Planco và Bafg, 2007). Việc chuyển đổi từ phương thức vận tải đường bộ sang đường sắt và đường biển có thể giảm lưu lượng và tối ưu hóa toàn bộ quá trình vận chuyển. Sự cải tiến động cơ của các nhà sản xuất phương tiện vận tải hoặc thay thế nhiên liệu hoá thạch bằng nhiên liệu thân thiện với môi trường như năng lượng mặt trời, dầu diesel sinh học,… là những giải pháp quan trọng nhằm giảm nhiên liệu thiêu thụ và lượng khí thải ra môi trường. Quy hoạch mạng lưới giao thông phù hợp với mục tiêu, tính chất và điều kiện từng địa phương, từng đô thị cũng sẽ đem lại hiệu quả tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hệ thống logistics nói riêng.
- Trung tâm logistics
Trung tâm logistics đã và đang trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của sản xuất, lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của toàn bộ hệ thống dịch vụ logistics. Đối với logistics xanh, trung tâm logistics đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giảm cường độ lưu thông hàng hóa trong nội thành thông qua lịch trình vận tải đa phương thức và hệ thống phân phối thân thiện với môi trường.
- Trình độ phát triển công nghệ thông tin
Mức độ hiện đại và thông suốt của hệ thống công nghệ thông tin quyết định sự nhanh hay chậm của hoạt động logistics. Không những thế, hạ tầng công nghệ thông tin có vai trò rất quan trọng đối với phát triển logistics xanh, giúp kết nối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ cũng như các trung tâm logistics khu vực và toàn cầu bằng công nghệ thông tin hiện đại với chất lượng dịch vụ ngày càng cao, chi phí hợp lý, an toàn và tiết kiệm năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics xanh
Với sức mạnh thị trường, khách hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện logistics xanh. Bên cạnh đó, khách hàng ngày càng quan tâm đến hàng hoá, dịch vụ thân thiện với môi trường nên việc phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu, thúc đẩy trực tiếp quy trình xanh hóa trong hoạt động vận tải, kho bãi, đóng gói sản phẩm. Hơn nữa hiện nay nhiều doanh nghiệp logistics toàn cầu khi thuê ngoài dịch vụ cũng yêu cầu tiêu chuẩn khí thải đối với các doanh nghiệp logistics thứ ba.
- Nguồn nhân lực logistics
Cũng như các lĩnh vực kinh tế khác, các yếu tố liên quan đến nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển logistics xanh. Sự quyết tâm của nhà quản trị cấp cao cũng như yêu cầu về một đội ngũ nhân lực không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn có hiểu biết về phát triển xanh, tiết kiệm và tối ưu mọi nguồn lực sẽ là chìa khoá để triển khai thành công mọi chiến lược và kế hoạch phát triển logistics xanh tại doanh nghiệp.