Bài học kinh nghiệm phát triển logistics xanh tại Singapore (Bài 2)
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 17:54, 07/05/2023
Trong những năm gần đây, Singapore đã dành sự quan tâm đặc biệt cho các hoạt động phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Tại Singapore, xu hướng phát triển bền vững diễn ra nhanh chóng trên nhiều mặt: từ quy hoạch tổng thể cho đến phát triển logistics xanh, xây dựng các tòa nhà thông minh. Đây là nỗ lực của chính phủ nhằm thực hiện Kế hoạch Singapore xanh năm 2030.
- Cơ sở hạ tầng
Singapore là một trong các quốc gia đi đầu trên thế giới về phát triển cảng biển thông minh. Chính quyền cảng biển làm việc chặt chẽ với các hãng tàu để xây dựng một trong những mạng lưới giao thông hàng hải dày đặc với các chuyến đi hàng ngày đến hầu hết các cảng lớn trên toàn thế giới. Quốc gia này cũng đang nghiên cứu các phương tiện dẫn đường tự động không người lái, tận dụng các cảm biến thông minh để phát hiện các bất thường trong vận chuyển như dự đoán các điểm tắc nghẽn giao thông... Trong lĩnh vực hàng không, Singapore có Airport Logistics Park cho hàng hóa nhạy cảm với thời gian, hàng lạnh, hàng dễ hư hỏng. Nhân viên cũng được đào tạo thường xuyên để đảm bảo có thể cập nhật công nghệ mới và có kỹ năng phù hợp để xử lý các loại hàng hóa khác nhau.
- Chính sách và quy định
Singapore chính thức đưa ra Kế hoạch Singapore xanh từ tháng 2/2021 với 5 trụ cột: Thành phố trong thiên nhiên, Tái quy hoạch năng lượng, Sống bền vững, Kinh tế xanh và Tương lai bền vững. Có thể tóm tắt 5 trụ cột này của Singapore như sau:
Thành phố trong thiên nhiên: tập trung vào không gian xanh và gần gũi với thiên nhiên bằng việc dành khoảng 200 ha đất (tăng 50%) cho các công viên thiên nhiên với khoảng 1 triệu cây xanh dự kiến sẽ được trồng vào năm 2030.
Tái quy hoạch năng lượng: Singapore sẽ chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn để tăng hiệu quả và đối phó với biến đổi khí hậu. Singapore tuyên bố đến năm 2030, tất cả các xe ô tô mới đăng ký phải là các mẫu xe năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid hoặc xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro và tầm nhìn đến năm 2040 đối với lĩnh vực sản xuất ô tô là loại bỏ dần xe sử dụng động cơ xe đốt trong.
Sống bền vững: tập trung vào việc giảm lượng khí thải các-bon, duy trì môi trường trong sạch và tiết kiệm tài nguyên trở thành một cách sống ở Singapore. Để đạt được điều này, Singapore cố gắng giảm 30% rác thải phải đưa đến các bãi chôn lấp, thúc đẩy luân chuyển các vật liệu phế thải cũng như tăng cường khả năng tái chế để “biến rác thành kho báu”.
Kinh tế xanh: Singapore tìm kiếm các khoản đầu tư mới cho việc giảm khí thải các-bon và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Chính phủ Singapore giới thiệu “Chương trình phát triển bền vững của doanh nghiệp” mới nhằm giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững và đầu tư năng lực cho lĩnh vực này. Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ các-bon hàng đầu, bao gồm tài chính xanh, tư vấn bền vững, xác minh, kinh doanh tín chỉ các-bon1 và quản lý rủi ro.
Tương lai bền vững: xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của Singapore và tăng cường an ninh lương thực. Các sáng kiến bao gồm phát triển hệ thống phòng thủ ven biển để chống lại nước biển dâng và tăng sản lượng lương thực địa phương nhằm đáp ứng 30% nhu cầu dinh dưỡng của Singapore vào năm 2030.
Để giảm lượng phát thải, Singapore đã chuẩn bị cho việc từ bỏ vị thế là trung tâm dầu khí và cung ứng nhiên liệu hàng hải của thế giới với lộ trình cắt giảm sản lượng các nhà máy lọc dầu. Vì vậy, Singapore đang rất nỗ lực chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để vươn lên trở thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực, trở thành nơi cung cấp khí thiên nhiên hoá lỏng và hydrogen của khu vực Đông Nam Á. Singapore đã đầu tư rất lớn cho hạ tầng cảng và lưu trữ các nhiên liệu không phát thải các-bon này. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã lập nhiều chương trình tài trợ cho các dự án kinh tế xanh và các khoản vay phát triển bền vững. Ngoài ra, MAS cũng lập quỹ quản lý 2 tỷ USD để tài trợ các hoạt động tài chính xanh ngoài Singapore.
Singapore là nước đầu tiên ở châu Á áp dụng thuế các-bon và dự kiến sẽ nâng mức thuế này trong thời gian tới vì so với những quốc gia đã áp dụng thuế các-bon, mức thuế tại Singapore đang quá thấp, tương đương 3,75 USD/tấn trong khi ở các quốc gia khác trung bình là 75 USD. Đây được cho là giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp Singapore sớm tái cơ cấu kinh doanh, hướng tới năng lượng sạch và từ đó tăng năng lực cạnh tranh. Singapore cũng có kế hoạch nâng cấp thị trường tín chỉ các-bon nội địa và mở rộng quy mô trao đổi thông qua việc thiết lập thị trường trao đổi tín chỉ các-bon CIX - liên doanh giữa Temasek, DBS, Standard Charter, Sàn chứng khoán Singapore. CIX sẽ có nhiều tiềm năng phát triển ở châu Á do các doanh nghiệp của Singapore và trong khu vực chưa thể giảm phát thải các-bon buộc sẽ có nhu cầu mua tín chỉ các-bon để bù đắp. Đặc biệt, cùng với thành lập CIX, Singapore còn đang chuẩn bị thành lập Nhà kho khí hậu (Climate Warehouse) - một hạ tầng toàn cầu nhằm thúc đẩy sự minh bạch trong trao đổi tín chỉ các-bon. Singapore cũng lập Trung tâm đổi mới và thí nghiệm năng lượng đặt tại Đại học NTU để nghiên cứu các công nghệ mới liên quan đến lưu trữ năng lượng, năng lượng thay thế và sử dụng hydrogen làm năng lượng.
- Doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Singapore hướng tới các giải pháp xanh và bền vững. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics của Singapore cũng đang có ý thức hơn về môi trường. Một số doanh nghiệp đã quyết định sử dụng xe điện và tìm kiếm giải pháp thông minh để giao hàng chặng cuối cho khách hàng.
Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO ) hoặc khối lượng của khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO (tCO e). Việc mua bán phát thải khí CO hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.
- Khách hàng và người dân
Các cuộc khảo sát nhận thức về biến đổi khí hậu được chính phủ Singapore tiến hành hai năm một lần kể từ năm 2011 đến nay. Khảo sát năm 2021 được thực hiện với 1.000 người dân Singapore từ 15 tuổi trở lên cho thấy hơn 90% đã nhận thức được biến đổi khí hậu và các tác động của nó trong việc phá hủy hệ sinh thái, tăng nhiệt độ trái đất và làm nước biển dâng. 78,2% số người được hỏi đã sẵn sàng thể hiện vai trò của mình để hướng tới một Singapore các-bon thấp, ngay cả khi họ phải chịu thêm một số chi phí và sự bất tiện với tư cách là người tiêu dùng. Điều đó cho thấy người dân Singapore, đang dần đặt mối quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường.
* Hiện nay, Singapore tiếp tục được trao ngôi vị hàng đầu về cảng trung chuyển container hàng đầu thế giới với lượng container trung chuyển qua đây tăng lên mức kỷ lục 37,5 triệu TEU (1 TEU = 1 container 20 feet).
Singapore cũng duy trì là cảng nhiên liệu số một. Trong năm 2021, doanh số bán nhiên liệu truyền thống và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Singapore là khoảng 50 triệu tấn. Cùng năm, cảng Singapore xử lý 599 triệu tấn hàng hóa. Dù con số này thấp hơn so với trước dịch nhưng trong bối cảnh thế giới đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, việc duy trì được vị thế trên là không hề đơn giản.
(Còn nữa)