Phát triển logistics xanh tại Đức và Nhật Bản (Bài 3)

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 06:27, 08/05/2023

Đức và Nhật Bản là hai trong số không nhiều quốc gia có chiến lược “kinh tế xanh” đầu tiên trên thế giới và đang nỗ lực để trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
ttxvn_0104_logistics2.jpg
Doanh nghiệp logistics giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tại bên lề Diễn đàn Logistics Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ Nhất. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Bài học kinh nghiệm từ phát triển logistics xanh tại Đức

- Cơ sở hạ tầng

Nằm ở trung tâm châu Âu, cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, Đức đã trở thành trung tâm logistics lý tưởng của khu vực và toàn cầu. Chính phủ Đức đầu tư mạnh cho các trung tâm logistics (logistics village) nhằm tối ưu tuyến đường và thuận tiện cho vận tải đa phương thức, cắt giảm tối đa lượng tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải ra môi trường. Doanh nghiệp Đức có thể xin trợ cấp công lên tới 85% chi phí xây dựng một nhà ga container. Đồng thời, Đức cũng đầu tư xây dựng và tân trang lại các tòa nhà, trung tâm logistics theo hướng tiết kiệm năng lượng và quản lý nhiệt độ chặt chẽ để nâng cao hiệu quả logistics xanh.

Chẳng hạn như, Tập đoàn Barth Logistik Gruppe khi xây dựng trung tâm logistics mới của mình đã lựa chọn một tòa nhà xanh và lắp đặt 12 km đường ống nước ngầm để làm mát nhà kho, nhờ đó giúp giảm tiêu thụ năng lượng so với hệ thống điều hòa không khí thông thường.

- Quy định và chính sách

Logistics là một phần quan trọng trong Chiến lược phát triển bền vững quốc gia của Đức. Với nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết Kyoto và các mục tiêu của cộng đồng quốc tế về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2oC so với trước thời kỳ công nghiệp, Chính phủ Đức đặt mục tiêu giảm mức phát thải khí nhà kính 55% vào năm 2030; 70% vào năm 2040 và dự kiến từ 80-95% vào năm 2050 thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo và thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng. Cùng với đó, một loạt chính sách nhằm đảm bảo mục tiêu khí hậu được triển khai.

Ngày 3/12/2014, Chính phủ Đức phê duyệt chương trình hành động gồm 100 giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu đã đặt ra về cắt giảm khí nhà kính và ban hành báo cáo hành động khí hậu hàng năm. Các chính sách về khí hậu đã tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp trong nước đầu tư vào năng lượng tái tạo. Việc sử dụng hiệu quả năng lượng giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

- Doanh nghiệp logistics

Hơn 50.000 công ty logistics ở Đức - đại diện cho các công ty trong ngành, đang nghiên cứu các giải pháp tiên tiến cho logistics xanh. Các công ty Đức thường sẽ phải xây dựng “Báo cáo phát triển bền vững”, trong đó tóm tắt các biện pháp được công ty thực hiện đối với các mục tiêu kinh tế, sinh thái và xã hội. Một số nội dung quan trọng thường được trình bày báo cáo là: việc thay thế các xe tải cũ bằng các phương tiện hiệu quả về sinh thái; mở rộng tuyến đường; trình độ của lái xe tải liên quan đến tiết kiệm nhiên liệu và công cụ kinh tế; sự tích hợp của nhân viên trong quá trình phát triển bền vững; tham gia các dự án xã hội.

Việc xây dựng “Bảng cân đối sinh thái” hoặc “Báo cáo phát triển bền vững” là những phương pháp phổ biến để thể hiện tình hình sử dụng các luồng vật liệu và năng lượng, cũng như các ảnh hưởng môi trường xảy ra bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Dưới đây là ví dụ về phát triển logistics xanh tại một số doanh nghiệp điển hình của Đức:

DHL - một trong các công ty logistics hàng đầu của Đức phát triển logistics xanh với dịch vụ Go Green. Lượng khí CO2 thải ra từ quá trình vận chuyển sẽ được đền bù bằng các dự án bảo vệ khí hậu như dự án xây dựng nhà máy phong điện ở Phật Sơn, Trung Quốc. Các đối tác lựa chọn dịch vụ này sẽ có giấy chứng nhận Go Green được gắn trên các lô hàng của họ. Mới đây DHL cũng giới thiệu một dịch vụ mới gọi là Go Green Carbon Dashboard, cho phép khách hàng theo dõi từ máy tính của họ lượng khí thải các-bon của từng lô hàng thông qua phần mềm do DHL cung cấp. Những thông tin này khách hàng có thể sử dụng để tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng như đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải các-bon.

Kraftverkehr Emsland - một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức - đã triển khai thử nghiệm Hệ thống giám sát áp suất lốp (TPMS) cho 7 xe tải 40 tấn và 8 xe tải 12 tấn trước khi áp dụng cho cả đội xe. 

Kết quả cho thấy việc sử dụng TPMS có thể tiết kiệm được 31,4 tấn CO2 mỗi năm cho một xe tải. Sau kết quả thử nghiệm, Kraftverkehr Emsland đã lắp một trạm đo áp suất lốp cho toàn bộ đội xe. Nhân viên cũng được công ty khuyến khích sử dụng trạm đo để giảm phát thải cho xe cá nhân của mình.

Tập đoàn Hintzen Logistik đã hiện đại hóa hệ thống chiếu sáng trong nhà kho bằng cách lắp đặt các ống dẫn LS với kỹ thuật LED hiện đại (Philips Master LED) và các ống ECO (Philips Power Saver). Đồng thời, họ đầu tư bộ cảm biến ánh sáng để đảm bảo rằng đèn chiếu sáng chỉ hoạt động tại nơi cần tiến hành nghiệp vụ kho. Hintzen cũng tăng cường độ phát sáng thông qua việc làm sạch bóng đèn thường xuyên. Nếu không làm sạch bóng đèn, cường độ chiếu sáng có thể giảm tới 20% sau 3.000 giờ hoạt động. Nhờ các biện pháp trên, tiêu thụ điện năng chiếu sáng của tập đoàn giảm 37%. Điều này thực sự có ý nghĩa bởi trung bình ánh sáng chiếm tới 1/5 tổng tiêu thụ năng lượng của một doanh nghiệp kho bãi.

- Khách hàng


Hàng năm, chính phủ Đức có các cuộc khảo sát để tìm ra vấn đề được quan tâm của người. Trong tất cả các vấn đề mà Đức phải đối mặt trong năm 2018 và 2019, bảo vệ môi trường và hành động chống biến đổi khí hậu được người dân lựa chọn là vấn đề quan trọng. Trong khi khoảng một nửa số người được khảo sát vào năm 2016 cho rằng bảo vệ môi trường và hành động chống biến đổi khí hậu là một thách thức rất quan trọng, thì con số này đã tăng đáng kể, lên mức 64% vào năm 2018 và 68% vào năm 2019.

Bài học kinh nghiệm từ phát triển logistics xanh tại Nhật Bản


- Hạ tầng logistics


Ngay từ những năm 1960, Nhật Bản đã xây dựng và phát triển hệ thống kho bãi xung quanh các thành phố lớn và gần các điểm giao thông vận tải trọng yếu. Năm 1965, chính phủ Nhật Bản xây dựng 4 trung tâm logistics ở Kasai (phía Đông Tokyo), Hoping Island (phía Nam Tokyo), Oshima (phía Tây Tokyo) và Adachi (phía Bắc Tokyo). Nhật Bản cũng chú trọng hoàn thiện hệ thống đường giao thông, nâng cấp hệ thống vận tải đường sông và đường biển, giảm tắc nghẽn giao thông đường bộ và phát triển mạng lưới vận tải đa phương thức kết nối các địa phương của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã giành khoản kinh phí lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải bao gồm đường sắt, đường bộ, đường hàng không và hệ thống cầu cảng. Đặc biệt, Chính phủ Nhật Bản cũng tận dụng tốt lợi ích của giải pháp công - tư kết hợp trong phát triển hạ tầng logistics. Điển hình như, trung tâm logistics Hoping Island (phía Nam Tokyo) có chi phí xây dựng là 57,2 tỷ yên Nhật; trong đó, 70% là đầu tư của các tổ chức tài chính quốc gia, 20% của các ngân hàng địa phương và 10% của các doanh nghiệp.

logistics-xanh-4-1024x533.jpg
Xanh hóa ngành logistics và ứng dụng logistics xanh vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững…

- Quy định và chính sách

Ngay từ năm 1989, Nhật Bản đề xuất ba mục tiêu liên quan đến phát triển logistics xanh trong giai đoạn 10 năm, bao gồm: tiêu chuẩn khí thải của hợp chất nitơ giảm 3% đến 6%, hạt vật chất phát ra giảm 6% và thành phần lưu huỳnh trong xăng giảm 10%. Năm 1992, Chính phủ Nhật Bản công bố giới hạn của xe nitrogen dioxide và cho phép 5 loại xe tải mà các doanh nghiệp được sử dụng. Đồng thời, Chính phủ bắt buộc thực hiện các quy định của tiêu chuẩn khí thải thấp đối với xe du lịch trong khu vực đô thị. Đến năm 1993, các doanh nghiệp phải cam kết có nghĩa vụ thay thế xe cũ và sử dụng xe mới tuân thủ tiêu chuẩn môi trường.

Chính phủ Nhật Bản rất chú trọng việc sửa đổi các chính sách, chủ trương đối với ngành logistics. Ưu tiên trước hết là dành cho hệ thống phân phối hiệu quả. Nhật Bản chú trọng vào hai chiến lược cơ bản gồm: (1) Tập trung hợp lý hóa dịch vụ logistics đô thị bằng cách xây dựng các trung tâm logistics xung quanh các thành phố lớn và gần các đầu mối giao thông; (2) Chính phủ Nhật Bản trực tiếp chỉ đạo và dẫn dắt việc xây dựng các trung tâm logistics. Chính phủ áp đặt quy định lượng khí thải thấp hơn đối với xe tải, ban hành tiêu chuẩn cụ thể để kiểm soát vấn đề khí thải các-bon; quy định bảo đảm thực hiện bao bì xanh; khuyến khích tái chế các nguồn lực.

- Doanh nghiệp logistics

Các doanh nghiệp logistics Nhật Bản rất ý thức về phát triển xanh. Để hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu, ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông và hạn chế năng lượng, các doanh nghiệp logistics Nhật Bản tích cực trong việc thực hiện chuyển đổi trong vận tải. Ví dụ, sử dụng các tuyến đường sắt ít tác động đến môi trường và tăng cường sử dụng phương thức vận tải biển; vận tải đa phương thức.

- Khách hàng

Cùng với hệ thống quy định nghiêm ngặt của chính phủ, các tổ chức, chính quyền địa phương và người dân Nhật Bản rất nỗ lực trong việc giữ sạch môi trường. Thông điệp về ý nghĩa, trách nhiệm bảo vệ môi trường tràn ngập trên mọi dãy phố, tuyến đường, phương tiện thông tin đại chúng,… tác động trực tiếp vào nhận thức của người dân. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người Nhật Bản còn thể hiện rõ ở cách họ ứng xử ngoài đường phố. Nhiều người chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển chính, họ cũng thường mang theo một balo hoặc túi xách bằng giấy, có cả ngăn chứa rác mỗi khi đi làm hoặc ra ngoài và phân loại rác thải trước khi cho vào thùng rác. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng chuyên thu mua đồ dùng, vật dụng gia đình có thể tái sử dụng để tái chế, phục hồi rồi bán lại cho người có nhu cầu, góp phần hạn chế một lượng lớn rác thải ra môi trường.

Nguồn: Báo cáo Logistics của Bộ Công Thương

Bảo Hân (tổng hợp)