AEON Việt Nam và nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng xanh
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 15:25, 08/05/2023
Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, nhiều sông hồ. Sinh kế của nhiều người dân phụ thuộc vào nguồn nước, do đó ô nhiễm nguồn nước gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế và đời sống.
Thực trạng đáng buồn là hiện nay nhiều sông, hồ và cả đại dương đang “ô nhiễm trắng” trầm trọng do những chiếc túi nylon hay đồ nhựa dùng một lần. Ý thức được trách nhiệm của một doanh nghiệp siêu thị, bán lẻ, AEON Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến, chương trình nhằm hạn chế sử dụng những sản phẩm này.
Cụ thể kể từ khi khai trương trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị đầu tiên tại Việt Nam năm 2014, 100% túi ni lông bao gói hàng hóa trên toàn hệ thống của AEON Việt Nam đều là túi phân hủy sinh học (PHSH). Năm 2019, nhà bán lẻ này triển khai dự án giảm thiểu rác thải nhựa dùng 1 lần, tập trung vào các sáng kiến hỗ trợ khách hàng và nhân viên đưa ra quyết định tiêu dùng bền vững, thiết lập thói quen mang túi riêng khi mua sắm, góp phần giảm thiểu lượng túi ni lông dùng 1 lần.
Đầu tiên phải kể đến sáng kiến “Cho thuê túi môi trường – Rent a bag” thực hiện từ tháng 6/2022. Cụ thể, khi mua sắm tại các siêu thị AEON, khách hàng có thể mượn túi vải thân thiện với môi trường, chỉ với mức đặt cọc từ 3 – 5 nghìn đồng.
Thứ hai là các hoạt động ưu đãi, hỗ trợ đối với khách hàng, bao gồm hoàn trả chi phí túi nylon (khoảng 1 nghìn đồng với mỗi chiếc túi nylon bị từ chối) và thiết lập những quầy thanh toán ưu tiên cho khách hàng không sử dụng túi nylon. Với mỗi đơn hàng trên 300 nghìn đồng, một chiếc túi sinh thái là phần quà được tặng kèm cho khách hàng.
"Đến nay, lượng túi được khách hàng thuê từ chương trình Rent-a-Bag đã lên đến con số 10.000, đồng thời tổng lượng giao dịch không dùng túi ni lông trên toàn hệ thống siêu thị AEON cũng vượt qua cột mốc 1,000,000 giao dịch chỉ tính riêng năm 2022." - bà Nguyễn Bằng Lăng, Phó giám đốc trách nhiệm xã hội (CSR) AEON Việt Nam thông tin.
Bên cạnh đó, AEON Việt Nam còn đào tạo nhân viên thu ngân để cải tiến quy trình bao gói hàng hóa, giúp tối ưu hóa lượng túi nylon sử dụng. Sáng kiến này giúp AEON Việt Nam thành công giảm lượng túi nylon trung bình từ 5 xuống còn 3 cho mỗi giao dịch.
Ngoài ra, với mong muốn mang đến những lựa chọn “xanh” hơn cho khách hàng, AEON Việt Nam chủ động thay đổi túi ni-lông PHSH tại quầy bánh mì (AEON Bakery) thành túi giấy, thay ly giấy, tô nhựa ở khu ẩm thực tự chọn (Delica) thành ly cốc giấy, tô bã mía,…
Từ năm 2019, tại các siêu thị AEON cũng ngừng bày bán các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như ống hút nhựa, ly/ tô/ đĩa nhựa,… và thay vào đó, giới thiệu các sản phẩm với công năng tương tự nhưng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hơn như giấy, bột gạo, bột bắp, bã mía,… Việc thanh toán và tích điểm của khách hàng cũng trở nên “xanh” hơn thông qua ứng dụng tích điểm thành viên thay vì sử dụng thẻ cứng truyền thống.
Ông Furusawa Yasuyuki – Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết: “AEON Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh nâng cao phong cách sống hàng ngày cho khách hàng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam bằng cách thúc đẩy, cải tiến và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh bán lẻ, gia tăng và mang tới những giá trị mới cho khách hàng, hướng đến tương lai phát triển bền vững”.
Những hoạt động và sáng kiến trên đây cho thấy AEON Việt Nam luôn cam kết và xác định tiêu dùng bền vững là mục tiêu quan trọng, và nhà bán lẻ có vai trò quan trọng trong việc định hướng thị trường và xây dựng thói quen tiêu dùng bền vững.
Với những nỗ lực bền bỉ và xuyên suốt trong hoạt động kinh doanh nhiều năm qua, AEON Việt Nam đã lan tỏa thói quen tiêu dùng bền vững tới hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam và sẽ tiếp tục đồng hành với các đối tác để thúc đẩy tiêu dùng xanh, góp phần xây dựng thị trường bán lẻ Việt bền vững.
* Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
* Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030cũng đặt ra mục tiêu xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững đến năm 2030 như sau: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom 10%; Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%; Tỷ lệ xe buýt năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt đạt ít nhất 15% so với tổng số xe buýt đang hoạt động; Tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35%;...