Thực trạng hoạt động logistics xanh tại Việt Nam (Bài 2)
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 06:50, 09/05/2023
Thực trạng kho bãi xanh
Nhìn chung, hệ thống kho bãi hiện nay của Việt Nam có chất lượng thấp hơn so với các nước châu Á khác. Nhiều kho bãi không có sàn bê tông, chỉ được xây bằng gạch trên mặt nền cát, sàn nhà kho không bằng phẳng, dễ làm hư hỏng hàng hóa. Về năng lượng cho hệ thống kho bãi, các nhà kho chủ yếu sử dụng nguồn điện phục vụ nhu cầu thắp sáng và kiểm soát nhiệt độ của kho khi cần thiết. Kho bãi với các tính năng thân thiện với môi trường như sử dụng năng lượng mặt trời, ánh sáng tự nhiên, diện tích phù hợp, tường và sàn dày, tái chế tại chỗ là những yêu cầu trong xây dựng và vận hành kho bãi của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo khảo sát, có tới 68,6% số doanh nghiệp trả lời chưa sử dụng năng lượng có khả năng tái tạo trong vận hành hoạt động kho tại doanh nghiệp hoặc chưa thuê kho có sử dụng năng lượng tái tạo. Về lý do, 65,3% doanh nghiệp nêu lý do chưa có đủ nguồn lực để thiết kế hệ thống vận hành và 29,2% doanh nghiệp cho rằng chi phí để thiết lập hệ thống kho bãi sử dụng năng lượng tái tạo cao khiến doanh nghiệp không đủ khả năng đầu tư. Trong số 31,4% số doanh nghiệp đã sử dụng năng lượng tái tạo trong vận hành kho bãi thì 81,8% doanh nghiệp sử dụng năng lượng mặt trời; 18,2% sử dụng thuỷ điện; 12,1% sử dụng năng lượng gió.
Số liệu khảo sát cũng cho thấy, việc quản lý kho bãi chưa thực sự khoa học, chưa áp dụng các kỹ thuật hiện đại, đặc biệt chưa nhiều ứng dụng công nghệ thông tin được sử dụng trong điều phối và quản lý kho bãi. Kho phân phối, hay kho CY/CFS chưa nối mạng thông tin với khách hàng để phục vụ công tác kiểm tra, lưu trữ và theo dõi từng lô hàng từ kho đến bất kỳ nơi nào, chưa ứng dụng kỹ thuật quản trị kho hàng (phần mềm chuyên dùng, mã vạch,…). Đây là nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp còn khó khăn trong kiểm soát lượng năng lượng tiêu thụ tại kho bãi.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp về phát triển logistics xanh năm 2022 cho thấy, để quản lý hiệu quả hoạt động kho hàng, 63,8% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã sử dụng phần mềm quản lý kho và đánh giá hiệu quả của việc sử dụng phần mềm quản lý kho ở mức điểm khá cao 4,31 trên thang điểm 5. Trong số các doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm quản lý kho, có 91,8% doanh nghiệp đánh giá phần mềm quản lý kho đã giúp doanh nghiệp sử dụng nguồn lực ở mức “hiệu quả tương đối” và “rất hiệu quả”; từ đó tối ưu hoá hoạt động kho bãi, giảm lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để giảm tác động đến môi trường khi vận hành hệ thống kho bãi của doanh nghiệp.
Thực trạng đóng gói bao bì xanh
Bao bì là một trong những chất thải công nghiệp và sinh hoạt được thải ra nhiều nhất hiện nay. Mỗi ngày các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa nhưng tỷ lệ rất nhỏ các sản phẩm bao bì nhựa được tái chế, điều này gây ảnh hưởng lớn tới môi trường và lãng phí không nhỏ cho nền kinh tế.
Với mục tiêu tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao vị thế doanh nghiệp trên khía cạnh bảo vệ môi trường, giảm phát thải và tăng uy tín xã hội, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược bao bì phù hợp với nhu cầu khách hàng như sử dụng bao bì bằng vật liệu tái sử dụng hoặc đóng gói bao bì, tổ chức luân chuyển bao bì tối ưu.
Nhằm phát triển logistics xanh, doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng các bao bì làm từ vật liệu tái chế hoặc dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên. Ví dụ kho lạnh Nam Hà Nội có các quy trình kiểm soát logistics xanh ngay từ khâu đóng gói bao bì hàng hóa như sử dụng các màng bọc được làm từ nguyên liệu bao bì đơn giản nhất, có thể phân hủy trong tự nhiên. Ngoài ra, sử dụng pallet (gỗ, nhựa,...) để đặt sản phẩm thay vì sử dụng bao bì chiếm diện tích kho và ảnh hưởng đến mức độ xanh hóa. Với đặc điểm tái sử dụng, công cụ này đặc biệt hiệu quả trong việc phân phối và vận chuyển hàng hóa, đảm bảo an toàn hàng hóa cũng như hạn chế việc sử dụng quá nhiều các bao bì, giấy chèn lót sản phẩm tạo ra rác thải môi trường.
Theo kết quả khảo sát, một tín hiệu đáng mừng trong hoạt động đóng gói là, tỷ trọng bao bì thân thiện với môi trường như bao bì bằng giấy và carton đã được tới 42,9% các doanh nghiệp sử dụng, 1,2% doanh nghiệp sử dụng bao bì bằng gỗ. Các loại bao bì kém thân thiện với môi trường hơn xốp, nilon, nhựa tái chế được lần lượt 12,5%, 11,9% và 11,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát sử dụng (Hình 7.9).
Khi cần xử lý chất thải từ bao bì hàng hoá, có 54,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ thuê bên thứ 3 và 41,4% số doanh nghiệp cho biết họ tự xử lý chất thải bao bì theo tiêu chuẩn quy định.
Thực trạng Hệ thống thông tin xanh
Có rất ít số liệu điều tra về thực trạng hệ thống thông tin logistics tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Hầu hết các doanh nghiệp có hoạt động logistics tại thành phố Hà Nội mới chỉ sử dụng các công cụ công nghệ thông tin cơ bản như điện thoại, tin nhắn SMS, thư điện tử, fax, website, mạng LAN, WAN. Mặc dù phần lớn các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng IT đối với ngành logistics, tuy nhiên, do tỷ suất đầu tư lớn dẫn đến các hạng mục IT của doanh nghiệp như: hệ thống quản lý giao nhận (FMS), quản lý vận tải (TMS), quản lý kho hàng (WMS), quản lý nguồn lực (ERP)... được thực hiện khá manh mún, không mang tính hệ thống nên kết quả đầu tư không như mong đợi.
Việc áp dụng hệ thống định vị GPS của các hãng vận tải biển để kiểm soát vị trí của tàu biển là một sáng kiến quan trọng thúc đẩy mức độ xanh hóa trong hoạt động logistics. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống GPS đối với các phương thức vận tải khác vẫn còn hạn chế. Vẫn còn những khó khăn trong việc sử dụng công nghệ thông tin trong logistics tại Việt Nam, đặc biệt là logistics xanh. Chuyển đổi số sẽ là giải pháp giúp phát triển logistics xanh/chuỗi cung xanh hữu hiệu. Do đó, có thể thấy rằng, hệ thống thông tin logistics của Việt Nam cần được đầu tư phát triển rất lớn trong tương lai.
Thực trạng logistics ngược
Các nghiên cứu về logistics ngược xuất hiện ở các quốc gia trên thế giới, nhưng ít được thực hiện tại thị trường Việt Nam.
- Hoạt động thu hồi
Đối với hoạt động thu hồi, quản lý logistics ngược tại Việt Nam bao gồm hai nội dung chính: (1) quản lý hành chính gắn liền với quá trình quản lý hoạt động thu gom và xử lý chất thải của các Bộ, ngành và (2) quản lý hoạt động gắn liền với sự tham gia của các thành viên trong chuỗi cung ứng với trách nhiệm là người thu gom, người xử lý, người phân phối lại.
Mục tiêu của logistics ngược trong chuỗi cung ứng sản phẩm là khôi phục lại nhiều nhất có thể các giá trị kinh tế - môi trường của sản phẩm và giảm xuống mức thấp nhất lượng chất thải phải xử lý. Tổ chức logistics ngược tại các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản phẩm có thể được thực hiện theo 2 phương án, đó là: (1) Tự tổ chức logistics ngược, (2) Thuê ngoài logistics ngược. Xu hướng hiện nay là thuê ngoài và đa dạng hóa hoạt động logistics ngược. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ có khả năng triển khai dòng logistics ngược cho sản phẩm không đáp ứng yêu cầu của khách hàng hoặc phế phẩm, phụ phẩm phát sinh trong doanh nghiệp mà chưa đủ năng lực, cũng như không bị ràng buộc trách nhiệm để tổ chức thu gom, tái chế các sản phẩm hết hạn sử dụng từ người tiêu dùng.
- Xử lý chất thải
Hiện nay, hệ thống xử lý chất thải của Việt Nam hoạt động theo hai hình thức tổ chức chính thức và phi chính thức. Hệ thống chính thức do nhà nước quản lý hoặc các công ty tư nhân dựa trên cơ sở hợp đồng thu gom và xử lý chất thải. Ngược lại, hệ thống phi chính thức nhỏ lẻ, tự phát, phân tán và không có hợp đồng giữa các thành viên tham gia hệ thống. Trong khi hệ thống chính thức chưa đáp ứng được yêu cầu thu gom và xử lý sản phẩm loại bỏ và chất thải thì hệ thống phi chính thức được xem là giải pháp hữu hiệu hiện nay. Việc tích hợp hai hệ thống này có thể xem như là cơ hội để phát triển logistics ngược ở Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống logistics ngược đảm nhận quá trình xử lý chất thải đang được quản lý một cách chồng chéo bởi nhiều Bộ, ngành và chưa có sự phân chia trách nhiệm rõ ràng. Do đó, hoạt động logistics ngược, đặc biệt trong quá trình xử lý chất thải gặp không ít khó khăn.
Trong chiến lược của mình, Viettel Post đặc biệt ưu tiên mục tiêu phát triển bền vững - phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, Viettel Post đã và đang hướng tới xây dựng nền tảng logistics xanh ngay từ trong chính quy trình vận hành đến việc ứng dụng công nghệ và đầu tư phát triển hạ tầng logistics xanh.
Trong quy trình vận hành, đối với chặng đầu (first mile), Viettel Post sử dụng mô hình “Bưu cục di động”. Các “Bưu cục di động” được thiết kế trên những chiếc xe tải và lắp đặt các trang thiết bị cần thiết giống như một bưu cục thông thường, nhưng lại mang trên mình chức năng của một con robot như camera giám sát hàng hóa, định vị GPS, hệ thống ứng dụng QR code xuất nhập kho và đặc biệt cập nhật tình trạng dữ liệu tức thì. Bưu cục di động sẽ di chuyển theo định tuyến, được ứng dụng công nghệ chia sẻ dữ liệu để kết nối giữa các bưu cục di động với nhau và bưu tá với bưu cục. Vì vậy, hàng hóa của người gửi (first mile) sẽ được nhân viên của bưu cục di động chia chọn, phân tuyến trực tiếp ngay trên xe và thực hiện quy trình xuất nhập kho qua ứng dụng di động để nhanh chóng xử lý các công đoạn tiếp theo.
Với mô hình “Bưu cục di động”, Viettel Post đã cắt giảm được các khâu trung gian; giảm 15% quãng đường vận chuyển và số lượng xe trung chuyển. Nhờ đó, hạn chế tần suất hoạt động của xe và giảm lượng khí thải ra môi trường. Đồng thời, mô hình này hạn chế luân chuyển hàng hoá giúp tối giản việc bọc các lớp nilon chống sốc cho bưu phẩm, từ đó giảm lượng chất thải ra môi trường.
Đối với chặng giữa (middle mile), đứng trước thực trạng gần 70% các phương tiện vận tải rỗng chiều về, Viettel Post đã đưa ra giải pháp “Sàn vận tải MyGo” giúp tận dụng hiệu quả nguồn lực phương tiện và đội ngũ tài xế sẵn có của công ty và tạo ra một hệ sinh thái để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Kết quả là, với việc sử dụng giải pháp “Sàn vận tải MyGo”, Viettel Post đã giảm được 50% tần suất hoạt động của xe tải, tối ưu hoá chuỗi cung ứng dịch vụ, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tiết kiệm nhiên liệu, giảm lượng khí thải ra môi trường; từ đó giúp cân bằng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Ở chặng cuối (last mile), Viettel Post sử dụng giải pháp tủ đồ Smart Locker cho phép khách hàng đến nhận hàng và gửi hàng tại địa chỉ gần nhất mà không cần thông qua bưu tá. Nhờ đó, Viettel Post tiết kiệm được nhân lực giao hàng, tối ưu về chi phí thông qua việc giảm lượng xăng xe của hơn 20.000 bưu tá đang hoạt động mỗi ngày. Đặc biệt, giải pháp này cũng mang lại trải nghiệm dịch vụ mới mẻ, hiện đại và tiện nghi cho khách hàng.
Bên cạnh đó, Viettel Post cũng tăng cường ứng dụng công nghệ để tối ưu hoá quãng đường, tối ưu nhiên liệu và năng lượng. Cụ thể, để tối ưu nhân sự giao hàng, kiểm soát đánh giá từng khâu giao nhận, toàn trình đơn hàng theo thời gian thực, Viettel Post đang thực hiện xây dựng hệ thống Control Tower giúp điều hành, quản trị tự động thời gian thực, chỉ ra quãng đường giao nhận hàng hoá ngắn nhất, để từ đó giảm lượng khí thải CO2.
Ngoài ra, về dài hạn, Viettel Post đang hướng đến sử dụng xe điện thay thế cho xe máy, tối ưu sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường. Thời gian đầu, xe điện sẽ thâm nhập vào các khu vực nội tỉnh, đông dân cư, có tỷ lệ mua hàng trực tuyến cao. Không những thế, sàn TMĐT Voso.vn cũng đang có phương hướng triển khai việc sử dụng nguyên liệu tái chế để bọc hàng, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân huỷ ra môi trường.
Cuối cùng, Viettel Post triển khai giải pháp lắp đặt điện mặt trời cho hệ thống kho chia chọn phân phối nhằm giảm phụ thuộc vào lưới điện quốc gia, làm mát nhà máy, tiết kiệm điện năng để vận hành hệ thống máy điều hoà; cắt đỉnh phụ tải giá cao ở các giờ cao điểm tiêu thụ điện năng và đặc biệt là tránh việc bị đánh thuế các-bon.
(Còn nữa)