Thuận lợi và khó khăn đối với phát triển logistics xanh tại Việt Nam (Bài cuối)

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 04:24, 10/05/2023

Mặc dù là khái niệm đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 1980, là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường nhằm giảm tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường, tuy nhiên “logistics xanh” còn chưa được quan tâm đúng mực tại Việt Nam.
logistic-xanh-tai-viet-nam-2.png
Xanh hoá hoạt động vận tải, kho bãi là một trong những nội dung phát triển logistics xanh.

Có thể thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện phát triển xanh là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển logistics xanh. Chính phủ đã áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống (top down) nhằm thực hiện phát triển xanh thông qua một loạt các quy định bắt buộc và chính sách khuyến khích.

Tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ngày càng được đầu tư xây dựng và mở rộng, đặc biệt là một loạt hệ thống đường cao tốc trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển. Hệ thống cảng biển cũng ngày càng được cải thiện, được chú trọng đầu tư, cải tiến liên tục, tiếp cận những dịch vụ vận tải tiên tiến, hiện đại và thân thiện môi trường hơn.

Các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp sử dụng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics đã bắt đầu quan tâm tới phát triển logisics xanh và bền vững. Bằng chứng là, khi được hỏi, doanh nghiệp có chiến lược phát triển logistics xanh hay không thì kết quả đáng mừng là có tới 73,2% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ (Hình 7.10). Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được về vai trò logistics xanh trong phát triển bền vững để có định hướng phát triển đối với hoạt động này. Do đó, có tới gần 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng cho biết họ có thực hiện kiểm soát môi trường tại doanh nghiệp.

Với hiện trạng phát triển công nghệ thông tin như hiện tại, Việt Nam cũng có rất nhiều lợi thế trong việc phát triển logistics xanh nhờ tiếp cận với những phương án quản lý hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi. Hệ thống quản lý tự động, hiện đại đã giúp các cảng biển đơn giản hoá thủ tục giấy tờ, giảm thiểu khả năng sai sót, tiết kiệm được thời gian, chi phí trong vận hành và khai thác cảng. Bên cạnh đó, các hoạt động xếp dỡ và vận chuyển container tại các cảng biển cũng được tự động hoá hoàn toàn nhằm tối ưu hoá việc xếp dỡ và vận chuyển.

Một thuận lợi khác nữa là từ phía người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu có ý thức hơn về việc tiêu dùng dịch vụ logistics xanh, đây chính là điểm thúc đẩy áp dụng logistics xanh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. 

Tuy nhiên, phát triển Logistics xanh Việt Nam hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Trước hết, cơ sở hạ tầng logistics tại Việt Nam đã được đầu tư nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, đó là khó khăn về phương tiện vận chuyển và mạng lưới giao thông vận tải. Chất lượng cơ sở hạ tầng hạn chế khiến ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai và hiệu quả thực hiện các giải pháp logistics xanh của doanh nghiệp. 

Phát triển vận tải đa phương thức nhằm hạn chế tác động của hệ thống vận tải tới môi trường còn hạn chế. Trong vận tải thủy nội địa, lòng sông nông nên không thể lưu thông sà lan chở cotnainer mặc dù đây là phương tiện thân thiện với môi trường. Sự hạn chế về chiều dài bến cảng tại các cảng của Việt Nam hiện nay cũng gây khó khăn nếu hai tàu vào bến cùng lúc tại một cảng, dẫn đến tình trạng một tàu phải neo đậu ở ngoài bến gây lãng phí nhiên liệu và tăng lượng rác thải của tàu trong thời gian chờ.

Số lượng các phương tiện vận tải quá nhiều, trong khi năng lực của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải còn yếu, tất yếu dẫn đến ùn tắc. Khi ùn tắc xảy ra, các phương tiện vận tải dừng lại trên đường và vẫn tiêu thụ năng lượng, dẫn tới việc sử dụng không hiệu quả nhiên liệu cũng như thải lượng khí thải nhiều hơn ra môi trường.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa so với quốc tế. Với hiện trạng cơ sở vật chất và khả năng tài chính, Việt Nam chưa thể triển khai ngay những công cụ quản lý và các yếu tố công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất, mặc dù có khả năng tiếp cận được. 

Sự hợp tác chưa cao của các đối tác cung ứng dịch vụ cũng như khách hàng cũng là khó khăn đối doanh nghiệp khi triển khai các giải pháp logistics xanh. Nguyên nhân có thể xuất phát từ sự khác biệt về mục tiêu và sự không tương đồng về nguồn lực giữa doanh nghiệp và đối tác cũng như khách hàng.

Về thực thi pháp luật, các quy định đã được Chính phủ ban hành nhưng việc thực hiện các quy định trong thực tế vẫn còn chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các quy định và chính sách hiện tại của Chính phủ Việt Nam mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ. Việc hạn chế các quy định liên quan đến các loại cơ sở hạ tầng logistics khác như kho bãi hay hệ thống công nghệ thông tin dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh. Ngoài ra, những chính sách về quy trình sản xuất để đảm bảo phát triển logistics xanh còn rất hạn chế, đặc biệt là những quy định về việc tái chế, sửa chữa và phục hồi chất thải; tái chế và phát triển bao bì thân thiện môi trường và quảng bá sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo.

Như vậy, trong số 4 yếu tố bên ngoài, “Cơ sở hạ tầng” có tác động mạnh nhất đến việc triển khai các giải pháp logistics xanh tại doanh nghiệp. Tiếp đó lần lượt là các yếu tố “Sự phát triển của khoa học và công nghệ”, “Đối tác/khách hàng của doanh nghiệp” và “Chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Đối với các yếu tố thuộc môi trường bên trong doanh nghiệp, mặc dù các doanh nghiệp đã có chiến lược phát triển logistics nhưng thực tế triển khai hệ thống logistics xanh tại doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Điều này thể hiện ở kết quả khảo sát là có tới 66,2% số doanh nghiệp logistics cho biết họ chưa có hệ thống quản lý môi trường đạt tiêu chuẩn ISO.14001.

Không những thế, yếu tố “Khả năng tài chính” có tác động mạnh nhất tới phát triển logistics xanh của doanh nghiệp. Tiếp đó là các yếu tố tác động ở mức cao là “Nhận thức về môi trường của doanh nghiệp” và “Cách thức tổ chức quản lý” của doanh nghiệp. “Khả năng khai thác năng lượng xanh của doanh nghiệp” và “Nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh từ phát triển logistics xanh” được đánh giá có mức độ tác động còn thấp.

Theo các chuyên gia, cách tiếp cận hợp lý nhất đối với phát triển logistics xanh tại Việt Nam là kết hợp tiếp cận từ trên xuống (quy định của nhà nước bắt buộc phải thực hiện) và từ dưới lên (doanh nghiệp ý thức về phát triển xanh nên tự có biện pháp thực hiện). Đó là việc kết hợp hài hòa các quy định của nhà nước, khuyến khích doanh nghiệp phát triển logistics xanh thông qua các chính sách cùng với các biện pháp do doanh nghiệp đưa ra và tự thực hiện.

Từ các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển logistics xanh của doanh nghiệp, từ thực trạng đã phân tích có thể suy nghĩ đến một số giải pháp từ phía nhà nước cũng như phía doanh nghiệp như dưới đây nhằm phát triển logistic xanh tại Việt Nam.

Giải pháp từ phía Nhà nước

- Chính phủ cần xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường.

- Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin, hạn chế việc sử dụng văn bản in ấn thông thường, tiết kiệm thời gian xử lý thông tin.

- Nhà nước cần quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm xanh hóa các hoạt động logistics, tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức. Cần tiến hành đầu tư, nâng cấp, quy hoạch hệ thống kho bãi phù hợp.

- Cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh, tránh chồng chéo giữa các cơ quan Bộ, ngành. Đặc biệt là các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải, hạn chế lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải nhằm hạn chế các loại phương tiện trên đường, thúc đẩy các doanh nghiệp lựa chọn các phương tiện đạt tiêu chuẩn về phát thải và tiếng ồn.

Bên cạnh đó, là một loạt các quy định, chính sách khác như quy định về bằng cấp, chứng chỉ đào tạo bắt buộc cho người điều khiển phương tiện về tiết kiệm năng lượng, an toàn và xanh hóa môi trường; chính sách quy định về bao bì xanh, rác thải xanh đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh kho hàng. Nếu không có các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường, việc các doanh nghiệp tự giác triển khai logistics xanh sẽ khó thực hiện, vì các doanh nghiệp thường ưu tiên các biện pháp nhằm tối ưu nguồn doanh thu cho doanh nghiệp hơn các phương án thân thiện với môi trường.

- Xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp logistics về an toàn và tầm quan trọng của việc hoạt động kinh doanh giảm thiểu tác động đến môi trường, dùng cơ chế về thuế và luật để tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp như khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ (không phải xăng dầu), khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín dụng các-bon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính, kể cả nâng cao nhận thức trong dịch vụ logistics ngược đối với quản lý xử lý chất thải. Nhà nước nên có các chính sách tài chính và phi tài chính ràng buộc các doanh nghiệp kinh doanh, các ngành địa phương phải thực hiện logistics xanh.

- Cần có thước đo chung cho logistics xanh thông qua việc xây dựng bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh hay chỉ số năng lực phát triển logistics xanh (green logistics performance index). Chỉ số năng lực phát triển logistics xanh sẽ hỗ trợ kiểm soát hoạt động logistics xanh, đánh giá năng lực logistics xanh một cách thường xuyên, từ đó, xây dựng những giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Giải pháp từ phía doanh nghiệp

- Đối với các doanh nghiệp chưa có mục tiêu phát triển logistics xanh trong chiến lược kinh doanh chung của doanh nghiệp, cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện nay. Đối với các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển logistics xanh, thậm chí đã xác định mục tiêu phát triển logistics xanh trong chiến lược của doanh nghiệp, cần thường xuyên rà soát nội dung chiến lược và tình hình thực hiện phát triển logistics xanh để có điều chỉnh phù hợp, đúng thực tiễn.

Cần đầu tư, nâng cấp hệ thống kho bãi tại Việt Nam. Ngoài các kho bãi thường trong nội địa, cần duy trì hệ thống kho, bãi container phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu tại các điểm thông quan, tuy nhiên ,phạm vi khai thác còn hạn chế, chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, cho thuê bãi và một số dịch vụ liên quan. Hệ thống giao thông phục vụ các cảng này mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa kết nối với đường sắt, đường thủy. Tính xanh của kho, bãi thể hiện ở việc bố trí và phân bổ kho bãi gần với người tiêu dùng cuối cùng, kết nối với các cảng biển, sân bay gần hơn để tiết kiệm khoảng cách vận chuyển, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa nhanh hơn, do đó, giảm được khí thải ra môi trường vì giảm lượng nhiên liệu sử dụng.

Việc thiết kế kho bãi là quan trọng và trực tiếp ảnh hưởng đến mức độ sử năng lượng cho các hoạt động của kho. Một kho bãi với diện tích lớn không những làm tăng chi phí logistics của doanh nghiệp mà còn làm giảm mức độ xanh hóa trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, cần có hệ thống thông tin kiểm soát kho bãi giúp kiểm soát chất lượng của kho cũng như các yếu tố kém “xanh” của kho bãi.

Dưới áp lực của hệ thống cơ sở hạ tầng logistics hiện tại, các doanh nghiệp phải tự thay đổi phương tiện vận tải của mình cho phù hợp với cơ sở hạ tầng sẵn có. Sử dụng các phương tiện vận tải mới, thân thiện với môi trường nên là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần phát triển các nguồn năng lượng mới và sử dụng phương tiện bảo vệ môi trường để thúc đẩy sự phát triển sạch và hiệu quả. Ví dụ sử dụng công nghệ GPS quản lý thông tin và định vị trong vận tải; tăng cường phát triển công nghệ lạnh trong quản lý kho bãi nhằm giải quyết các vấn đề kỹ thuật và thiết bị liên quan đến bảo quản nhiệt, lạnh và tiết kiệm năng lượng cho hệ thống kho bãi.

Khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay để thực hiện xanh hóa logistics là vấn đề tài chính. Vậy nên doanh nghiệp cần tranh thủ sự ủng hộ, khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và các tổ chức để tận dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, vận hành và vận tải. 

Để cải thiện và đạt hiệu quả tối đa của hệ thống logistics thân thiện với môi trường, đòi hỏi sự chia sẻ trí tuệ và nỗ lực hợp tác giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics. Bản thân các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức tốt về vai trò phát triển logistics xanh trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Việc thực hiện tốt hoạt động logistics xanh không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững.

Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội, doanh nghiệp cần tiếp tục chú ý tập trung vào một số hoạt động sau:

- Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ nêu trong Quyết định số 200/QĐTTg ngày 14/02/2017, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 và Quyết định số 708/QĐ-BCT ngày 26/3/2019 tại các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội.

- Nghiên cứu, xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 để hiện thực hóa chủ trương phát triển logistics xanh, kết nối toàn diện với các nước trong khu vực và thế giới với những mục tiêu, định hướng, biện pháp và lộ trình cụ thể.

- Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đặc biệt là thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành.

- Cần có sự đột phá trong đổi mới đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghệ thông tin cho tương xứng, phù hợp với thực tiễn đặt ra.

- Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành dịch vụ logistics nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng cường thương mại điện tử, sàn giao dịch online, thanh toán online.

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics, tận dụng cơ hội mang lại từ các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA, CPTPP và RCEP; tận dụng làn sóng chuyển dịch đầu tư để thu hút đầu tư phát triển logistics, đặc biệt là logistics ứng dụng công nghệ cao.

- Phát triển nguồn nhân lực logistics cả về số lượng và chất lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin,...

- Tăng cường khả năng thích ứng với rủi ro của chuỗi cung ứng. Theo dõi chặt chẽ, bám sát những diễn biến của thị trường thế giới và tình hình dịch bệnh để có chiến lược kinh doanh và những giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.

Bảo Hân (tổng hợp)