Hội nghị MTWG 44 đóng góp to lớn vào tiến trình hợp tác và liên kết ASEAN.
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:11, 10/05/2023
Kính thưa quý vị đại biểu và các vị khách quý,
Thay mặt nước chủ nhà Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các Quý vị khách quý tham dự Hội nghị Nhóm công tác Vận tải Hàng hải ASEAN (MTWG) lần thứ 44, tại thành phố biển Đà Nẵng tươi đẹp.
Hội nghị Nhóm công tác giao thông hàng hải (MTWG) là một trong các nhóm công tác của lĩnh vực GTVT, sẽ điều phối và thực hiện các chương trình, dự án và hoạt động của lĩnh vực hàng hải. Hội nghị MTWG được tổ chức 2 lần/năm theo cơ chế luân phiên giữa các quốc gia ASEAN. Việt Nam đăng cai tổ chức tổ chức Hội nghị MTWG ASEAN, nhiệm kỳ 2022-2023 vừa là thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên ASEAN đồng thời là cơ hội để nước chủ nhà Việt Nam khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế trong hợp tác giao thông vận tải với bạn bè quốc tế. Theo đó, năm 2022 Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ trì tổ chức, thực hiện xong 02 phiên Hội nghị (MTWG 42 được tổ chức trực tuyến từ ngày 09-10/3/2022, tại Hà Nội; MTWG 43 tổ chức trực tiếp từ ngày 20-22/9/2022, tại Nha Trang).
Tham dự Hội nghị MTWG 44 lần này, Việt Nam và Hội nghị vinh dự chào đón Ông Ki Tack Lim – Tổng Thư ký của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO, cùng đại diện các cán bộ đến từ Tổ chức Hàng hải quốc tế; các đại diện đến từ các quốc gia thành viên ASEAN; Ban Thư ký ASEAN; các đối tác đối thoai đến từ: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các Tổ chức đối tác khác của ASEAN
Thưa quý vị Đại biểu,
Kể từ khi gia nhập ASEAN (7/1995), Việt Nam được cộng đồng ASEAN ghi nhận những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cộng đồng ASEAN - gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội. Giao thông vận tải Hàng hải là một trong những lĩnh vực hợp tác sâu rộng của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN, theo đó những năm qua để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải biển giữa các nước trong khối thành viên, Việt Nam đã ký kết Hiệp định hàng hải/vận tải biển song phương với các quốc gia thuộc ASEAN: Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei và Myanmar. Việt Nam cũng ký kết Thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo Công ước STCW 1978 với các quốc gia trong khu vực là: Singapore, Indonesia, Malaysia, Brunei, Myanmar và Thái Lan. Sự hợp tác sâu rộng của Việt Nam trong ASEAN những năm qua không chỉ giúp hoạt động vận tải biển dễ dàng hơn mà còn mở “cửa sáng” cho thị trường thuyền viên Việt Nam.
Thay mặt nước chủ nhà Việt Nam, tôi ghi nhận sự hợp tác thành công và hiệu quả giữa các quốc gia ASEAN và mong muốn cùng các bạn hướng tới một tương lai hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh hợp tác đó không thể nhắc đến là hỗ trợ, đồng hành của Tổ chức Hàng hải quốc tế trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa Chính phủ của các quốc gia thành viên về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, đào tạo và vận tải biển, tiến tới thống nhất ở mức cao nhất các tiêu chuẩn về an toàn và bảo vệ môi trường hàng hải. Điển hình là Dự án bảo vệ môi trường biển các nước Đông Nam Á (MEPSEAS) được thành lập nhằm mục đích tăng cường năng lực quản lý của quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và hỗ trợ việc thực thi các Công ước IMO về bảo vệ môi trường biển. Theo đó Hội nghị bảo vệ Môi trường biển các nước Đông Nam Á đã được tổ chức thành công tại Việt Nam vào tháng 10/2022.
Nhân dịp này tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Tổ chức hàng hải quốc tế, ông Ki Tack Lim vì những hỗ trợ không ngừng nghỉ cho cộng đồng ASEAN trong những năm gần đây trong việc xây dựng một hệ thống vận tải biển phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề môi trường biển đang là thách thức trong giai đoạn trước mắt và tương lai về sau.
Với vai trò là một quốc gia thành viên của IMO, Việt Nam luôn luôn hoàn thành mọi nghĩa vụ quốc gia thành viên và hưởng ứng tích cực các hoạt động, phong trào được phát động bởi IMO. Năm 2023, Việt Nam hướng tới chủ đề mới do IMO phát động, đó là “'MARPOL tròn 50 tuổi – Sự cam kết bảo vệ môi trường biển không ngừng nghỉ”. Đây chủ đề phản ánh lịch sử lâu dài của IMO trong việc bảo vệ môi trường khỏi tác động của việc vận chuyển thông qua khung pháp lý mạnh mẽ và nhấn mạnh cam kết liên tục của IMO đối với công việc quan trọng này.
Thưa Các quý vị Đại biểu,
Là cộng đồng ASEAN đoàn kết, chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển thịnh vượng trong giai đoạn mới đầy biến động này. Chúng tôi mong muốn các bạn tiếp tục đồng hành, trao đổi tích cực, cởi mở hướng đến mục tiêu tăng cường hợp tác song phương, đa phương tạo tiền đề phát triển ngành hàng hải thế giới nói chung, ASEAN nói riêng.
Trên tinh thần đó, tôi tin tưởng Hội nghị MTWG 44 sẽ thành công tốt đẹp, đóng góp to lớn hơn nữa vào tiến trình hợp tác và liên kết ASEAN.
Tôi cũng chúc tất cả các quý vị đại biểu có khoảng thời gian thú vị và đáng nhớ tại thành phố biển Đà Nẵng thân thiện và xinh đẹp của chúng tôi./.
Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam