Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp với Bộ Ngoại giao

Nông nghiệp - Ngày đăng : 15:04, 11/05/2023

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra một số kiến nghị giải pháp chính và mong muốn Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Bộ trong một số nhiệm vụ để triển khai Chiến lược Hợp tác quốc tế của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới.

Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt dẫn đầu cùng với các Trưởng đại diện các cơ quan Việt Nam tại nước ngoài đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vào ngày 9/5/2023. 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin đến đoàn công tác một số kết quả tiêu biểu của ngành nông nghiệp trong năm 2022. Theo đó, giá trị gia tăng toàn ngành tăng 3 - 3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) đạt trên 53 tỷ USD. Để có kết quả tốt về mặt xuất khẩu NLTS, Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu NLTS.

Với lợi thế nổi bật về nông nghiệp và thị trường nhiều tiềm năng, Việt Nam đã thu hút được lượng đầu tư nước ngoài đáng kể cho ngành nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam đã thu hút được các tập đoàn lớn và có tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới, và có giá trị vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Nestle, De Heus, CJ, CP, New Hope… Bên cạnh đó, công tác thu hút vốn ODA cũng được tích cực đẩy mạnh.

ha-1-nong-nghiep-vlr-11052023.png
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng sản phẩm OCOP cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt

Bộ NN&PTNT hiện đang thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước cũng như chiến lược, định hướng phát triển của Ngành. Bộ đã triển khai thực hiện các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản đến năm 2030. Bộ cũng đang xây dựng Chiến lược Hợp tác quốc tế ngành Nông nghiệp và PTNT đến năm 2030 với quan điểm nhất quán về đường lối đối ngoại: tự chủ, hữu nghị, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra một số kiến nghị giải pháp chính và mong muốn Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Bộ trong một số nhiệm vụ để triển khai Chiến lược Hợp tác quốc tế của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới. Trong đó, đẩy mạnh tăng cường chia sẻ thông tin và hỗ trợ từ Trưởng Đại diện các cơ quan Việt Nam tại nước ngoài trong việc đưa các đoàn công tác của Bộ tham gia đàm phán, ký kết các FTA, đặc biệt các FTA thế hệ mới; huy động hệ thống truyền thông đa phương tiện để tuyên truyền, phổ biến các FTA, quy định của các nước nhập khẩu; nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh và thị phần của các ngành hàng NLTS Việt Nam tại các thị trường qua đó thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam theo hướng sinh thái, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, hỗ trợ tăng thu nhập cho người sản xuất. Tích hợp đa giá trị trong xuất khẩu NLTS, gắn xuất khẩu NLTS với ẩm thực, văn hóa, du lịch và môi trường…

ha-2-nong-nghiep-vlr-11052023.png
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn đẩy mạnh tăng cường chia sẻ thông tin và hỗ trợ từ Trưởng Đại diện các cơ quan Việt Nam tại nước ngoài

Còn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, Bộ Ngoại giao đánh giá cao công tác và thành tựu Bộ NN&PTNT đạt được trong năm 2022, đồng thời khẳng định quan điểm của Thủ tướng Chính phủ rằng ngành nông nghiệp đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp không nhỏ vào việc giới thiệu quảng bá nông sản mang lại giá trị xuất khẩu rất lớn. Tại các diễn dàn đa phương, tiếng nói Việt Nam đóng góp ý tưởng được đánh giá cao, đặc biệt tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững do Bộ NN&PTNT đăng cai tổ chức vừa qua.

Trong nhiều năm qua, hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Ngoại giao đã có phối hợp chặt chẽ, đồng hành trong công tác mở rộng thị trường, thực thi, nghiên cứu, tham mưu nhằm thúc đẩy xuất khẩu, triển khai các hoạt động đối ngoại và hỗ trợ ngành nông nghiệp trong công tác ngoại giao nông sản. Có được các kết quả tích cực này phần lớn nhờ tâm huyết, chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng hai bộ, tập trung vào công tác ngoại giao kinh tế, trong đó có ngoại giao hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đúng tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp để cùng phát triển kinh tế.

ha-3-nong-nghiep-vlr-11052023.png
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại buổi làm việc

Hợp tác hai bên đã có những thành tựu cụ thể, như mở cửa cho các thị trường sầu riêng, khoai lang, chanh, bưởi, tăng cường hơp tác Nam-Nam và bước đầu có hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm Halal. Thứ trưởng Việt cho biết các quốc gia trên thế giới đều nhiệt tình ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ, Bộ Ngoại giao đã xây dựng và trình Chính phủ thông qua đề án phát triển thị trường thực phẩm Halal. Bên cạnh đó, việc phối hợp triển khai hợp tác mô hình 3 bên cũng được các nước đánh giá cao.

Với những yêu cầu cụ thể của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tới Trưởng các CQ đại diện Việt Nam tại nước ngoài, ông Việt cam kết sẽ quán triệt và đặc biệt nhấn mạnh nội dung phát huy vai trò là ‘ăng ten’ thu thập thông tin, các quy định mới, xu hướng phát triển thị trường các nước. Đề xuất thiết lập kênh trao đổi giữa Bộ NN&PTNT với Trưởng các CQ đại diện sẽ ghi nhận và có hình thức triển khai sớm.

Ngoài vai trò là ‘ăng ten’, ông Việt kiến nghị Trưởng các CQ đại diện phát huy vai trò truyền thông quảng bá các sản phẩm nông nghiệp cụ thể, có thế mạnh tại từng thị trường. Về việc thu hút FDI, ODA hỗ trợ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp, đây cũng là nội dung trong các trao đổi lãnh đạo cấp cao Bộ Ngoại giao có kiến nghị và Trưởng các CQ đại diện cũng có nhiệm vụ tiếp nối trao đổi. “Quan trọng là xác định nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của ngành nông nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, có trách nhiệm với sản phẩm của người nông dân, ngư dân, điển hình như câu chuyện vận động chiến dịch gỡ thẻ vàng IUU”.

Trung Đức (tổng hợp)