TPHCM công bố kết quả DDCI năm 2022

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 17:27, 11/05/2023

UBND TPHCM tổ chức Hội nghị công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của TP năm 2022; triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023.
ha-1-vlr-toan-canh-kinh-te-11052023.png
Ông Đinh Tuấn Minh, Trưởng nhóm Tư vấn DDCI

Đánh giá năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư

Thông tin về quá trình triển khai đánh giá và kết quả DDCI của TP năm 2022, ông Đinh Tuấn Minh, Trưởng nhóm Tư vấn DDCI, Công ty cổ phần Viet Analytics cho hay, DDCI được xây dựng dựa trên cơ sở bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là bộ chỉ số tổng hợp sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư của các sở, ngành, địa phương Thành phố.

Các chỉ số thành phần của Bộ Chỉ số DCCI TPHCM năm 2022 gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin (chiếm 10%); Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số (10%); Chi phí không chính thức (10%); Chi phí thời gian (15%); Cạnh tranh bình đẳng (10%); Hỗ trợ doanh nghiệp (10%); Thiết chế pháp lý (5%); Tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của sở, ban, ngành (15%); Vai trò người đứng đầu (15%).

Bảng xếp hạng DDCI TPHCM năm 2022 khối sở, ngành, đứng đầu là Sở KH-CN với 84,2 điểm; tiếp theo là Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp với 81,87 điểm; tiếp theo là Sở Công thương (80,74 điểm), Sở VH-TT (77,81 điểm), Sở Tư pháp (76,38 điểm)…

Đối với các chỉ số thành phần, những đơn vị có nhiều điểm chỉ số thành phần đứng cao nhất là Sở KH-CN; Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp; Sở Tư pháp.

Đối với khối địa phương, đứng đầu là quận Phú Nhuận với 78,56 điểm; xếp thứ 2 là Quận 11 (76,87 điểm); Quận 10 (76,67 điểm); quận Tân Phú (76,16 điểm)…

ha-2-vlr-toan-canh-kinh-te-11052023.png
Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân triển khai giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số

Cải thiện, nâng cao chỉ số PAR Index, chỉ số PAPI

Triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PAR Index, chỉ số PAPI, Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân cho biết: TP đã ban hành kế hoạch và có nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số PAR Index, chỉ số PAPI. Cụ thể, cần chủ động và duy trì thường xuyên công tác thông tin, tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc thực hiện cải cách hành chính nhằm nâng cao nhận thức, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ được giao; tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; thay đổi thói quen của người dân trong cách tiếp cận và thực hiện dịch vụ hành chính công từ trực tiếp sang trực tuyến.

Đồng thời, rà soát, chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giảm đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất tình hình chấp hành kỷ luật, kỹ cương hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức nhất là người dứng đầu cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); số hóa dữ liệu, công khai, minh bạch trong xử lý TTHC; khẩn trương rà soát, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để xử lý hồ sơ tồn đọng, trễ hạn và báo cáo UBND TP xem xét chỉ đạo. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, TP Thủ Đức, quận, huyện đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ; xử lý trách nhiệm người đứng đầu của cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến việc chậm trễ, thiếu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp nhằm trực tiếp lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu để kịp thời sửa đổi, khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động đóng góp, hiến kế giải pháp cải cách hành chính…

ha-3-toan-canh-kinh-te-vlr-11052023.png
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đào Minh Chánh nêu giải pháp cải thiện chỉ số PCI của Thành phố năm 2023

TP cũng thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công; Rà soát và chủ động tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 200/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2023 của UBND TP về giao nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Nghiêm túc thực hiện Quyết định số 3917/QĐ-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2022 của UBND TP về ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận điều chỉnh quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm C trước đây sử dụng nguồn vốn ngân sách quận hoặc vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP để phấn đấu đẩy nhanh thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công ít nhất 30% với quy định trong năm 2023.

Giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PCI

Về giải pháp cải thiện chỉ số PCI của TP năm 2023, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đào Minh Chánh cho hay, việc nghiên cứu, rút kinh nghiệm và tiếp tục duy trì triển khai DDCI đều đặn trong những năm tới sẽ giúp TP có cơ sở dữ liệu DDCI đầy đủ hơn, nhờ vậy có thể quan sát sự thay đổi và cải thiện của các số và chỉ tiêu cụ thể trong khoảng thời gian dài hơn. Do đó, cần tiếp tục duy trì triển khai DDCI đều đặn trong những năm tới. Chính quyền các cấp cần thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp để thông tin, chia sẻ về những chủ trương của TP trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, sản xuất; lắng nghe và chủ động hơn nữa trong việc tìm ra các giải pháp pháp và thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp trong các nhóm ngành nghề và tại các địa bàn cụ thể.

ha-4-vlr-toan-canh-kinh-te-11052023.png
Giám đốc VCCI chi nhánh TPHCM Trần Ngọc Liêm phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đón đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số nhằm đồng bộ hoá, kết nối và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan trên toàn TP. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; số hoá, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, hướng dẫn thủ tục hành chính rõ ràng, dễ hiểu, hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp không phải chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần; rà soát quy trình, bố trí nhân sự nhằm giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi đến lượt thực hiện thủ tục hành chính…

Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI HCM) Trần Ngọc Liêm cho rằng, việc đánh giá DDCI có tác dụng rất lớn, để các địa phương, sở ngành xác định được các hạn chế cụ thể mà người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng. Từ đó, các địa phương, doanh nghiệp sẽ đề ra được các giải pháp đúng đắn trong việc cải cách hành chính. Do vậy, ngoài trách nhiệm của các sở ngành và quận huyện thì các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cũng có trách nhiệm rất lớn.

Minh Hiệp