Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam nhằm kết nối, hợp tác, thúc đẩy phát triển

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 18:13, 11/05/2023

Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2023 nhằm triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đặt ra, đây là một hoạt động không thể thiếu để ngành dịch vụ logistics Việt Nam kết nối, hợp tác, lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hóa quy trình logistics của doanh nghiệp.
z4336013234639_94d9578c620bfc5ffcbd9ab98b739290.jpg
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: BTC cung cấp

Như tin đã đã đưa, chiều nay 11/5 tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm giới thiệu “Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2023- VILOG2023”. Tham dự Tọa đàm có lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA); đại diện Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Quảng Đông (Trung Quốc); lãnh đạo các tập đoàn trong và ngoài nước và đông đảo báo chí quan tâm đến logistics.

344587677_937447024247695_2935293445360566927_n.jpg
Xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, ngành logistics non trẻ của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân. Ảnh: BTC cung cấp

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỉ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỉ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. 

Tuy nhiên, vẫn theo ông Trần Thanh Hải, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể.

Phát biểu tại buổi giới thiệu triển lãm, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký VLA cho hay, Triển lãm Quốc tế logistics Việt Nam 2023 là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội. "VLA xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần triển khai thực hiện ngay nên Hiệp hội và Vinexad cùng tổ chức với sự hỗ trợ tích cực của Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)"- ông Minh nhấn mạnh.

344579300_545079341121916_5455359752204268773_n.jpg
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký VLA tin tưởng rằng, thông qua triển lãm các doanh nghiệp sẽ góp phần định hướng chiến lược kinh doanh của ngành trong thời gian tới. Ảnh: BTC cung cấp

Theo ông, đây cũng là lần đầu tiên, tại Việt Nam có một triển lãm riêng biệt dành cho ngành kinh doanh dịch vụ logistics. Do vậy, VLA kỳ vọng rằng triển lãm sẽ tập hợp được những doanh nghiệp hàng đầu về logistics tại Việt Nam.

Nguyễn Duy Minh chia sẻ thêm, VLA tin tưởng rằng, thông qua triển lãm các doanh nghiệp sẽ góp phần giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược kinh doanh trong thời gian tới; tìm ra giải pháp, áp dụng công nghệ số hóa trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ, sản phẩm; thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics.

Ông Hậu Hồng Băng (Robbin Hou), Phó Chủ tịch kiêm đại diện Phòng Thương mại xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), chia sẻ: Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), các công ty logistics cần hợp tác với nhau, điều này sẽ dẫn đến việc hình thành một mô hình hợp tác kết nối và hỗ trợ lẫn nhau trong logistics.

tq.jpg
Ông Hậu Hồng Băng cho rằng sự phát triển của TMĐT sẽ nâng cao chất lượng quản lý và hiện đại hóa ngành logistics Việt Nam. Ảnh: BTC cung cấp

Ông cho rằng, sự phát triển của TMĐT cũng đã nâng cao chất lượng quản lý hiện đại hóa của ngành logistics. Chế độ quản lý và vận hành duy nhất của logistics truyền thống không còn đáp ứng được nhu cầu của thương mại điện tử, do đó, hệ thống quản lý phần mềm và các cơ sở hỗ trợ phần cứng tương ứng của ngành logistics cũng cần được nâng cấp, cải tiến và phát triển.

Có một vấn đề nữa trong logistics là chuỗi cung ứng lạnh. Các ngành hàng trong lĩnh vực TMĐT chủ yếu là hàng tiêu dùng, trong đó thực phẩm chiếm tỉ trọng rất lớn. Đối với việc vận chuyển thực phẩm chắc chắn sẽ khó khăn hơn, nhiều loại thực phẩm cần giữ tươi sống phải vận chuyển qua chuỗi cung ứng lạnh, điều này càng làm thể hiện rõ tầm quan trọng của logistics trong lĩnh vực TMĐT” - ông Hậu Hồng Băng nói.

Thực tế là hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đã thấy rõ các điểm yếu cũng như dư địa phát triển của lĩnh vực logistics và đang đẩy mạnh đầu tư, đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Lãnh đạo Công ty CP Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco) tham gia Tọa đàm, cho hay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tìm kiếm thêm các đối tác vận tải, kho bãi, đối tác cung ứng trang thiết bị như container lạnh, thiết bị IoT (các thiết bị có khả năng kết nối internet, có thể thu thập và trao đổi dữ liệu cho nhau), phần mềm, công nghệ xử lý làm sạch, khử khuẩn để tiếp tục hoàn thiện giải pháp vận tải container lạnh trên đường sắt cả nội địa và quốc tế cung cấp cho thị trường. 

z4336296845680_a47c6b7bd07aad2d98d168a4f930eb6e.jpg
Các diễn giả tham gia Tọa đàm đã trả lời nhiều câu hỏi từ phía doanh nghiệp và báo giới. Ảnh: BTC cung cấp

"Vấn đề này không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, giải pháp vận tải lạnh cho các chủ hàng không chỉ nội địa mà còn là giải pháp đáng quan tâm cho chủ hàng khi cung ứng, vận chuyển hàng lạnh vào sâu lục địa thị trường Trung quốc" - ông nói.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan. Do đó, Việt Nam sớm trở thành "ngôi sao logistics" của châu Á trong thời gian tới.

Vấn đề logistics xanh, thiết lập hệ sinh thái xanh trong ngành logistics cũng là nội dung được quan tâm tại Tọa đàm. Theo khảo sát của Bộ Công Thương và trong Báo cáo Logistics Việt Nam 2022, hơn 66% doanh nghiệp được khảo sát có chiến lược phát triển logistics xanh, nhưng chỉ có khoảng 31% doanh nghiệp có sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động kho bãi.

nkl.jpg
LS. Ngô Khắc Lễ phát biểu tại Tọa đàm

Theo đánh giá, ý thức của doanh nghiệp trong phát triển bền vững đang ngày được nhận thức rõ; tuy nhiên việc thực hành các hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững vẫn chưa có được hiệu quả lan tỏa rộng lớn. Để phát triển ngành logistics hiện đại, bền vững, các doanh nghiệp logistics, cần có sự chung tay, hợp tác đồng hành cùng phát triển, tăng cường liên kết gia tăng tính cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam...

* Triển lãm Quốc tế logistics Việt Nam (VILOG) sắp diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 10-12/8/2023. Triển lãm được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Nhà tổ chức VINEXAD, với sự hỗ trợ tích cực của Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).

Triển lãm VILOG 2023 diễn ra với 4 nhóm ngành hàng và dịch vụ chính như: Vận tải, giao nhận; dich vụ và thiết bị kho bãi/nhà xưởng; đóng gói và chuỗi cung ứng lạnh; ứng dụng công nghệ logistics. Với các nhóm ngành hàng và dịch vụ này thì hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics đều có thể tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ.

Trong khuôn khổ triển lãm, bên cạnh 250 gian hàng về sản phẩm, dịch vụ logistics được giới thiệu đến người tham quan, VLA sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm ý nghĩa liên quan đến các lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp logistics quan tâm hiện nay.

Nguồn: Báo Công Thương, Lao Động và nguồn khác

Bảo Hân (giới thiệu)