Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5

Bất động sản - Ngày đăng : 17:46, 12/05/2023

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) giữ vai trò rất quan trọng, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, cuộc sống của người dân. Trong thời gian từ 03/1 đến 15/3, Chính phủ đã tổ chức xin ý kiến rộng rãi nhân dân trên phạm vi cả nước, qua đó tiến hành tiếp thu, tổng hợp, chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
ha-chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-12052023-vlr.png
Chủ tích Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 23, chiều 11/5, tại Nhà Quốc hội.

Tại Phiên họp thứ 23, chiều 11/5, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến về sự phù hợp của dự thảo luật với đường lối, chủ trương của Đảng, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; cùng một số vấn đề cụ thể về quyền, trách nhiệm của nhà nước, công dân với đất đai; quyền, trách nhiệm của người sử dụng đất; quy định về các trường hợp thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; phát triển quỹ đất; quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành… cùng các vấn đề khác các đại biểu có quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các cơ quan trong việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và tiếp thu thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cũng như công tác thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua xem xét hồ sơ trình cho thấy, báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân lên đến 577 trang, báo cáo tiếp thu ý kiến Nhân dân và ý kiến đại biểu Quốc hội 405 trang, tờ trình dự án luật 35 trang, báo cáo thẩm tra đầy đủ 62 trang. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các cơ quan chuẩn bị công phu, mỗi lần làm chất lượng lại được nâng lên như đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội đánh giá chất lượng vượt trội so với lần trình tại Kỳ họp thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để xem xét có tham mưu đề xuất đề việc có báo cáo riêng Quốc hội hay báo cáo chung về việc lấy ý kiến và quá trình lấy ý kiến Nhân dân, thực hiện Nghị quyết về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua rà soát nhận thấy kết quả lấy ý kiến Nhân dân có quy mô và thực hiện tốt, được Nhân dân quan tâm với trên 12 triệu lượt ý kiến. Người dân quan tâm rất nhiều đến những vấn đề có liên quan sát sườn đến đời sống như vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai và giá đất, vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên có hình thức báo cáo lại với Nhân dân về việc lấy ý kiến và tiếp thu giải trình ý kiến Nhân dân, ít nhất là phải đăng tải công khai báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ. Cùng với đó công tác thông tin truyền thông cũng cần được chú trọng tham gia vào công tác này.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hồ sơ dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến trình Quốc hội lần này đã được chuẩn bị hết sức công phu, được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc kỹ lưỡng, chọn lọc nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.

Qua xem xét hồ sơ cho thấy so với dự thảo trước đây, dự thảo mới nhất đã có bước tiến rất là quan trọng về chất lượng. Nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết, sát thực tế và có tính khả thi cao hơn và từng bước tháo gỡ được những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, phúc đáp được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng hồ sơ này đã đủ điều kiện để tiếp tục trình với Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Đặc biệt là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế rất công phu rất chất lượng, nêu nhiều cả vấn đề, quan điểm, nội dung lớn và cả những vấn đề, điều khoản cụ thể để Quốc hội cho ý kiến.

Về thể chế hóa các quan điểm, nguyên tắc và nội dung trong Nghị quyết 18-NQ/TW, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tiếp tục rà soát để thể chế hóa một cách đầy đủ và quán triệt đúng nội dung này. Trong đó, có yêu cầu đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa và hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, thiết kế thêm một số điều hoặc có chương riêng quy định về điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê đất đai, trách nhiệm của các cấp, các ngành, xây dựng dữ liệu về đất đai.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số các nội dung khác cần phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn như cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất hoặc đầu cơ hoặc chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất; quản lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp; cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

Về vấn đề áp dụng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho biết theo báo cáo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan đến hơn 100 dự án luật và liên qua trực tiếp đến khoảng 20 -22 luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát với những dự án luật đang sửa như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, v.v. và luật này để đảm bảo tương thích.

Đối với các dự án luật khác liên quan, hiện có 2 phương án. Một là rà soát lại để đưa vào dự án luật này để sửa luôn. Hai là dùng một luật để sửa nhiều luật. Do đó, đề nghị cân nhắc phương án để sửa ngay trong Luật Đất đai để bảo đảm tính khả thi, để khi Luật được ban hành không phải chờ các Luật khác và có thể vận hành ngay.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, trong dự án luật này có nhiều điều giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết hoặc là thực hiện theo quy định của Chính phủ, trong đó có nội dung rất quan trọng là vấn đề về tài chính đất đai, phương pháp, cách thức, trình tự, thủ tục tính giá đất. Nhấn mạnh đây là những vấn đề đại sự, người dân rất quan tâm, cần phải được luật hóa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị không nên chỉ quyết định một câu giao cho Chính phủ hướng dẫn. Đề nghị các cơ quan nghiên cứu nội dung lớn để đưa vào luật và làm rõ danh mục các văn bản dự kiến ban hành để hướng dẫn chi tiết.

Cho biết người dân và doanh nghiệp rất quan tâm đến việc chuyển sang cơ chế tính tiền thu sử dụng đất hằng năm và điều chỉnh khi có biến động, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận dự thảo Luật lần này có thiết kế để khắc phục. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề việc điều chỉnh này có thể có năm biến động tăng, có năm biến động giảm, nhưng trong mức biến động như thế nào thì sẽ điều chỉnh. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, người dân mong muốn có một mức tối đa điều chỉnh. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc này liên quan đến chi phí của nền kinh tế không chỉ đơn thuần là chi phí của doanh nghiệp bởi giá tăng lên thì đền bù cũng tăng cao. Khi đó vấn đề đặt ra là điều chỉnh thế nào, biến thiên bao nhiêu thì điều chỉnh, tổng điều chỉnh tăng khống chế tối đa.

Khương Trung