"Mạch nguồn Ví, Giặm" góp phần lan tỏa giá trị Ví, Giặm

Văn hóa - Ngày đăng : 17:57, 14/05/2023

Chương trình nghệ thuật “Mạch nguồn Ví, Giặm” được công diễn tối Chủ nhật, 14/5/2023 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) đang được công chúng yêu dân ca Ví, Giặm Thủ đô và cả nước chờ đón.
797b6f36-d86e-43da-b858-bbc61f804d33.png
“Mạch nguồn Ví, Giặm”  góp phần khắc họa chân dung nghệ thuật của 5 nhạc sĩ tiêu biểu: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên

Mặc dù đêm diễn “Mạch nguồn Ví, Giặm” được trực tiếp trên sóng NTV - Đài Truyền hình Nghệ An và tiếp sóng trên 40 kênh truyền hình trên cả nước nhưng hiện nay cộng đồng người dân xứ Nghệ tại Hà Nội đã háo hức, tìm vé vào xem.

Theo nhà báo Nguyễn Khang- Chánh Văn phòng Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, toàn bộ 1.000 giấy mời của đêm diễn đều được Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, đơn vị tổ chức phát miễn phí. Đến giờ các DN, các nhân yêu quý 5 nhạc sĩ đã đóng góp tài trợ hàng trăm triệu đồng cho chương trình. Đặc biệt lão tướng 98 tuổi Nguyễn Quốc Thước cũng đã nhiệt tình bớt tiền lương hưu, đóng góp 5 triệu đồng.

"Chương trình được tổ chức trước hết là để tôn vinh văn hóa xứ Nghệ. Nghệ An ta có 5 giá trị văn hóa đáng tự hào cần được tôn vinh, đó là: Văn hóa Xô viết Nghệ Tĩnh; mạch nguồn dân ca ví, giặm; danh nhân tiêu biểu; tinh thần hiếu học và người Nghệ xa quê thành đạt. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tìm cách đưa các giá trị văn hóa vào các hoạt động thường niên của mình. Riêng chương trình “Mạch nguồn ví, giặm” nhằm tôn vinh 5 nhạc sĩ có nhiều cống hiến, có nhiều tác phẩm để đời, được chúng tôi ấp ủ suốt 2 năm nay mới thực hiện được", TS. Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội cho biết.

Ông chia sẻ, để có được đêm nhạc này Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội đã có quá trình chuẩn bị rất công phu, rất dài hơi. Ngoài việc chọn đạo diễn có chuyên môn giỏi, sự hỗ trợ của gia đình, chúng tôi còn phải kêu gọi sự ủng hộ và hỗ trợ của con em xa quê, đặc biệt là những ca sĩ quê Nghệ An. Việc chọn được Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô cũng là thành công, bởi nơi này có số lượng ghế tương đối lớn, với 1.011 ghế đủ cho những khách mời quê Nghệ An tại Hà Nội và một số địa phương khác.

Chương trình “Mạch nguồn ví, giặm” gồm 15 ca khúc, NSND Lê Tiến Thọ sẽ làm Tổng đạo diễn chương trình. Nhạc sĩ An Hiếu, con trai cố nhạc sĩ An Thuyên làm cố vấn nghệ thuật cho chương trình, với sự góp mặt của các nghệ sĩ: NSƯT Thanh Lam, NSƯT Phạm Phương Thảo, NSƯT Tiến Lâm, NSƯT Đức Long, Anh Thơ, Bùi Lê Mận...

“Mạch nguồn ví, giặm” góp phần khắc họa chân dung nghệ thuật của 5 nhạc sĩ tiêu biểu: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên. Đây là những nhạc sĩ đã có nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng và đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.

mach-nguon-vi-giam-3-6018.jpg
Ca sỹ Thanh Lam tại cuộc họp báo về Chương trình

- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là 1 trong 5 người đã sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông là một trong những nhạc sĩ nhạc đỏ thành công với chất liệu dân ca. Âm nhạc của ông giàu chất trữ tình với giai điệu mượt mà đậm bản sắc dân tộc. Một đề tài quen thuộc trong nhiều sáng tác của ông là phụ nữ với những ca khúc như “Bài ca phụ nữ Việt Nam”, “Mẹ yêu con”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”...

- Nhạc sĩ Hồng Đăng đã để lại cho đời hơn 1.000 tác phẩm âm nhạc với nhiều bài hát được nhiều thế hệ ưa thích. Đặc biệt, hầu hết những ca khúc nổi tiếng nhất của ông đều đến từ cái duyên của ông với phim ảnh như: “Hoa sữa” (ca khúc trong phim Hà Nội mùa chim làm tổ); “Lênh đênh” (phim Đời hát rong). Trong khi đó, bài “Biển hát chiều nay” được sử dụng trong rất nhiều bộ phim liên quan đến biển, đảo. 

- Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đến với âm nhạc từ niềm say mê những điệu ví, câu hò quê hương và tiếp đó là những làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số. Ông từng tốt nghiệp loại xuất sắc tại Nhạc viện Quốc gia Bình Nhưỡng (Triều Tiên), và có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Mùa xuân gọi bạn”, “Suối Mường Hum còn chảy mãi”, “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, “Xuân về trên bản”, “Xa khơi”…

- Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ghi dấu ấn qua những ca khúc đậm chất dân ca với hình ảnh con sông, bến đò,… Ông được khán giả yêu mến, ví von là “người bước ra từ ca dao”, “nhạc sĩ của đồng quê Việt Nam”. Rất nhiều ca khúc của ông được đông đảo khán giả yêu thích như: “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”, “Bản tình ca bên một dòng sông”;…

- Nhạc sĩ An Thuyên là một trong số các nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng và phát triển vốn âm nhạc của dân ca Nghệ Tĩnh một cách rất khéo léo, tài tình. Hầu hết những bài hát nổi tiếng của ông đều mang âm hưởng dân ca ngọt ngào sâu lắng và có sức lan tỏa rất lớn, như: “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”, “Hà Tĩnh mình thương”...

Ngô Đức Hành (tổng hợp)