Điện năng và chuỗi cung ứng
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 21:39, 15/05/2023
Bằng mọi cách không để thiếu điện
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, ngày 14/5.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch cung cấp điện và cung cấp than phục vụ cho phát điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt. “Mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cấp điện cho đất nước. Bằng mọi cách không được để thiếu than, thiếu nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện”, ông Diên nhấn mạnh.
Cùng với việc tích cực, chủ động khắc phục các nguyên nhân khách quan do thời tiết, khí hậu, Bộ trưởng lưu ý “các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện các giải pháp điều hành hiệu quả”.
Trên tinh thần đó, "tư lệnh" ngành Công Thương cho biết sẽ xem xét, xử lý các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm nếu để xảy ra thiếu điện do nguyên nhân chủ quan.
Bộ trưởng yêu cầu EVN tập trung mọi nỗ lực trong vận hành hệ thống điện, có giải pháp cấp bách trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong đó cần đẩy mạnh việc giải tỏa công suất và tính sẵn sàng của các nhà máy điện, khẩn trương khắc phục các sự cố nguồn điện, lưới điện. Tiết kiệm mọi chi phí để phục vụ nhu cầu nhiên liệu sơ cấp phục vụ cho các nhà máy điện.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo EVN khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện đã sẵn sàng phát điện. “Đẩy nhanh tiến độ đàm phán để huy động nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đã đủ điều kiện thời gian qua, đồng thời, đẩy nhanh việc mua bán điện với các dự án nhập khẩu điện đã ký kết", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu thực hiện ngay việc phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn ngành, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các khách hàng sử dụng điện lớn cùng chung tay tiết kiệm điện.
EVN và các đơn vị liên quan cũng được chỉ đạo, có giải pháp chủ động, linh hoạt, thực hiện nghiêm túc quy định trong khai thác, huy động nguồn nước trong các hồ chứa; đảm bảo sử dụng khai thác thủy điện hiệu quả trong bối cảnh thiếu nước cho thủy điện.
Đối với PVN, TKV, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, phối hợp chặt chẽ với EVN và các đơn vị có liên quan về việc cung cấp khí, cung cấp than cho các nhà máy điện theo đúng kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023.
Trước đó, ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 397 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN rà soát phương án sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại các hồ thủy điện, để có phương án chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân;
Tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;
Tính toán, đề xuất vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện lớn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bảo đảm cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất phù hợp, bổ sung nước phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho hạ du với ưu tiên trước hết phải bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe của nhân dân, sau đó là phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác.
6 khó khăn của ngành Điện
Thứ nhất: Tình hình khủng hoảng năng lượng thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp cùng thay đổi địa chính trị thế giới, giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng nhiên liệu cho phát điện và việc cân đối tài chính của EVN.
Thứ hai: Năm 2023, tỷ trọng nguồn điện chạy nền tiếp tục giảm thấp, việc huy động tăng cao các nguồn NLTT thiếu ổn định dẫn đến khó khăn trong đảm bảo vận hành tin cậy hệ thống điện. Việc cung ứng điện tại một số thời điểm còn gặp khó khăn, đặc biệt đảm bảo cấp điện miền Bắc trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 7).
Thứ ba: Trong đầu tư xây dựng, tiếp nối những khó khăn hiện hữu, như thời gian thực hiện thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng (CĐMĐSDR) kéo dài, công tác thỏa thuận hướng tuyến, công tác hỗ trợ, bồi thường GPMB, di dân tái định cư các dự án điện quy mô lớn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến nhiều tỉnh, thành, địa phương thì nảy sinh một khó khăn mới là các dự án điện gió, điện mặt trời trong thời gian vừa qua do phải chạy đua với mốc tiến độ giá FIT nên đã chấp nhận thỏa thuận về mức giá đền bù cao gấp nhiều lần so với đơn giá nhà nước, địa phương quy định. Việc này đã vô tình đẩy giá đền bù lên cao và làm gia tăng bất cập trong các chính sách, gây vô vàn khó khăn cho công tác GPMB các dự án của các tập đoàn nhà nước phải xử lý sau này.
Ngoài ra, việc CĐMĐSDR cho dự án xuất hiện thêm tình huống là chưa có quy định hướng dẫn các thủ tục CĐMĐSDR cho công tác đường tạm thi công bãi tập kết vật liệu, gây khó khăn lúng túng cho chủ đầu tư và nhà thầu. Đơn cử, dự án 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ, Thủ tướng đồng ý CĐMĐSDR để xây dựng cột móng dự án, nhưng lại xác định việc CĐMĐSDR cho đường vận chuyển tạm và bãi tập kết vật liệu thi công không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư: Nhiều dự án điện quan trọng tiếp tục bị chậm tiến độ, như chưa khởi công dự án Nhiệt điện Ô Môn 4, chưa thể trình duyệt FS các dự án Nhiệt điện Dung Quất 1, 3 do chuỗi dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh gặp vướng mắc và chưa xác định tiến độ cấp khí. Công tác phê duyệt các thủ tục đầu tư các dự án Thủy điện Trị An (mở rộng), Thủy điện Tích năng Bắc Ái bị chậm với nhiều lý do về thủ tục pháp lý. Năm 2022 đã tiếp tục phát sinh các vướng mắc mới như: Thủ tục trình duyệt chủ trương đầu tư các dự án mới theo quy định Luật Đầu tư, công tác đấu thầu mua sắm thiết bị phải thực hiện đấu thầu nội khối mua sắm vật tư thiết bị theo quy định Nghị định 90/2022/NĐ-CP. Giá nguyên vật liệu tăng cao, trong khi đơn giá ban hành của nhà nước chưa theo kịp nên một số gói thầu phải thực hiện xử lý tình huống, hoặc hủy thầu do vượt dự toán gói thầu (đã xảy ra tình trạng có những nhà thầu trúng thầu, nhưng chấp nhận bị tịch thu bảo lãnh dự thầu và không ký hợp đồng do giá nguyên vật liệu biến động tăng quá cao).
Thứ năm: Công tác thu xếp nguồn vốn vay ODA, ưu đãi, nguồn vốn vay trực tiếp cho các dự án mới cũng như điều chỉnh, gia hạn các dự án vay ODA đang triển khai không được thuận lợi do các quy định pháp lý về thẩm quyền, trình tự thủ tục, chưa đầy đủ, đang trong quá trình điều chỉnh, bổ sung. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cho vay lại quy định thủ tục, trình tự chuẩn bị dự án không rõ ràng, lúng túng trong việc xử lý, gây chậm tiến độ dự án.
Thứ sáu: Năm 2022, cũng như các năm tới, chi phí đầu vào nhiên liệu đã và sẽ tiếp tục tăng, đồng thời sản luợng điện năng lượng tái tạo biến đổi (điện mặt trời, điện gió) ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, với giá mua điện cao hơn giá bán điện trung bình hiện nay của hệ thống, làm giá thành điện ngày càng cao, trong khi 4 năm qua không được điều chỉnh giá điện. EVN trong năm 2022 đã giảm tiền lương thu nhập người lao động trong nỗ lực tiết giảm chi phí, trong đó, thu nhập người lao động khối truyền tải và kinh doanh phân phối điện đã giảm từ 20 đến 40 % so với năm 2021, ảnh hưởng tâm lý không nhỏ đến đội ngũ lao động lành nghề./.