Doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ Việt Nam, trước thách thức cạnh tranh toàn cầu

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 12:17, 18/05/2023

Hiện nay thị trường logistics Việt Nam đã dỡ bỏ nhiều rào cản gia nhập, tạo điều kiện cho các tập đoàn logistics lớn của nước ngoài như DHL, DB Schenker, Maersk, Kuehne Nagel... gia nhập thị trường logistics của Việt Nam. Ở trong nước cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, mức độ cạnh tranh trong nội bộ ngành logistics ngày càng khốc liệt. Trong những điều kiện như vậy, các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ cần có chiến lược cạnh tranh phù hợp để tồn tại và phát triển.

"Tiến thoái lưỡng nan"

Bàn về năng lực cạnh tranh thì ngay các doanh nghiệp logistics lớn của Việt Nam cũng gặp không ít thách thức khi mà các rào cản thương mại được gỡ bỏ, mức độ cạnh tranh mang tính toàn cầu. Đặc biệt các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ thì càng khó để cạnh tranh.

car-bodies-are-assembly-line-factory-production-cars-modern-automotive-industry-electric-car-factory-conveyor-compressed.jpeg

Bên cạnh đó khả năng tài chính có hạn cũng là yếu tố kìm hãm năng lực canh tranh của doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ. Nó cản trở doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển (R&D). Công nghệ do mua sắm hoặc do doanh nghiệp tự nghiên cứu và phát triển giúp tạo ra sản phẩm mới, ưu việt hơn như công nghệ phân loại hàng hóa, quản lý kho... tạo ra sự hài lòng cho khách hàng, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ không có đủ nguồn lực để đầu tư trong lĩnh vực này.

Khả năng tài chính hạn chế nên các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ không có điều kiện quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm dịch vụ qua các kênh truyền thông nhằm tiếp cận khách hàng, đặc biệt là các thị trường nước ngoài. 

Khác với các các doanh nghiệp logistics lớn đã tạo ra rào cản về công nghệ, tài chính, việc gia nhập thị trường đối với các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ không có rào cản về năng lực tài chính, kinh nghiệm hoặc bí quyết công nghệ nên số lượng đối thủ cạnh tranh trong nhóm này vô cùng lớn, mức độ cạnh tranh rất khốc liệt. Rất nhiều doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ được thành lập với số vốn vài trăm triệu, nhân lực 3-5 người đã tạo ra một thị trường cạnh tranh rất sôi động. Tuy nhiên chính sự gia nhập thị trường dễ dàng như vậy cộng với năng lực quản trị điều hành yếu kém nên nhiều doanh nghiệp đã không còn tồn tại sau một thời gian ngắn vì áp lực cạnh tranh rất lớn.

Doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt của mình đối với sản phẩm đặc thù như hàng dự án (project cargo), hàng triển lãm (exhibition), hàng nguy hiểm (DG)... để giảm bớt số lượng đối thủ cạnh tranh, tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng cho doanh nghiệp mình.

Một điều dễ nhận thấy ở các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ đó là do quy mô nhỏ, khả năng tài chính có hạn nên phần lớn các doanh nghiệp này tự biến thành thầu phụ của những thầu phụ chứ không thể có quan hệ trực tiếp với các chủ hàng, hãng tàu, đơn vị vận tải, đơn vị quản lý kho bãi... dẫn đến giá thành cao, khó cạnh tranh.

Điểm yếu đầu tiên của các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ là khả năng ứng dụng khoa học công nghệ tương đối thấp trong khi đó công nghệ, đặc biệt là số hóa là chìa khóa để các doanh nghiệp tăng cường vị thế cạnh tranh của mình. Với sự phát triển như vũ bão của thương mại điện từ (E-commerce) và logistics điện tử (E-logistics) thì công nghệ là lợi thế cạnh tranh hàng đầu của dịch vụ logistics.

Vẫn có thể "liệu cơm gắp mắm"

Doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ không có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các tập đoàn logistics lớn tuy nhiên nhìn chung họ vẫn có nhiều lợi thế dựa vào quy mô nhỏ của mình.

businesswoman-give-presentation-dashboard-data-screen-harmony-office-compressed.jpeg

Trước hết, do quy mô nhỏ, quy trình kinh doanh giản đơn nên việc điều hành và ra quyết định rất nhanh, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của khách hàng. Như có thể quyết định ngay về giá cả, chấp nhận biên độ lợi nhuận thấp để cạnh tranh do chi phí quản lý thấp. Trong khi các doanh nghiệp logistics lớn, các quy trình vận tải, chào giá, chăm sóc khách hàng đều bài bản, chuyên nghiệp nên cần có thời gian để xử lý theo quy trình và phân cấp trong khi đó với quy mô nhân sự ít lãnh đạo các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ có thể quyết định mọi vấn đề một cách nhanh chóng, đáp ứng gần như tức thì nhu cầu khách hàng.

Doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ có thể chọn những thị trường ngách, những phân khúc thị trường đặc thù mà các doanh nghiệp lớn không làm được hoặc làm không có hiệu quả. Những đơn hàng nhỏ lẻ, doanh thu lợi nhuận thấp thường ít được các doanh nghiệp lớn quan tâm nên đây chính là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ tham gia và cạnh tranh.

Đối với việc cạnh tranh các đối thủ có cùng quy mô, doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ chỉ có thể tồn tại được bằng chất lượng dịch vụ: an toàn, giao hàng đúng hạn, tạo ra sự hài lòng cho khách hàng, giá cả cạnh tranh nhờ quản trị chi phí tốt.

Các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ cần dựa vào thế mạnh liên doanh liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh cạnh tranh. Với lợi thế là có hàng ngàn doanh nghiệp, phân bổ trên nhiều vùng địa lý và kinh doanh nhiều mảng khác nhau nên các doanh nghiệp có thể hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi logistics như giao hàng, vận tải, làm thủ tục hải quan, lưu kho lưu bãi. Đây là lợi thế cạnh tranh mà không bất cứ doanh nghiệp logistics lớn nào có thể có được vì để xây dựng một hệ thống như vậy cần phải đầu tư rất lớn.

Về mặt Chính phủ, ngoài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về ưu đãi vay vốn, thuê đất, thuế... Chính phủ cần tạo ra sân chơi công bằng trong cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ, đặc biệt là chính sách đấu thầu. Thời gian qua, rất nhiều chủ đầu tư vì lý do tiêu cực hoặc lợi ích nhóm đã đặt ra những rào cản về tài chính: vốn, doanh thu, lợi nhuận hằng năm hoặc các rào cản về năng lực, kinh nghiệm... để các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ không đủ điều kiện tham gia đấu thầu, tạo ra thế độc quyền cho các doanh nghiệp logistics lớn.

TS. Võ Duy Nghi