Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 20:22, 18/05/2023
Nhận diện nguyên nhân
Hoạt động xuất khẩu có dấu hiệu giảm do các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về tài chính, tìm kiếm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng mạnh ở các nước trên thế giới, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giảm.
Tổng vốn đầu tư công của hai tỉnh Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu được giao trong năm 2023 là hơn 19.603 tỷ đồng. Đến nay, hai tỉnh đã phân bổ vốn chi tiết hơn 20.725 tỷ đồng; giải ngân được 5.208 tỷ đồng, đạt khoảng 26,57% (tính đến hết tháng 4/2023).
Tại cuộc làm việc (trực tuyến) với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sáng 18/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đã kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của DN, như: Xác định thời gian gia hạn các dự án do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; cơ sở xác định diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng dùng chung trong khu công nghiệp để thực hiện miễn tiền thuê đất; quy trình, thủ tục xử lý các dự án đã hết thời gian điều chỉnh tiến độ đầu tư nhưng chưa hoàn thành; cơ sở pháp lý thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho dự án mở rộng; hướng dẫn thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành, xã hội hoá…
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đã nêu những tồn tại, hạn chế khi thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với một số trường hợp đặc thù, không đủ điều kiện để cấp thêm đất tái định cư; phân cấp cho địa phương chủ động quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội; xác định giá đất để DN thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp các đơn vị thẩm định giá không tham gia;…
Lãnh đạo hai tỉnh Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng mong muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông mang tính chất kết nối liên vùng, như cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TPHCM; một số dự án cầu lớn; phát triển hạ tầng cảng biển…
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, thành lập nhiều tổ công tác trực tiếp đến các địa phương để ghi nhận, tháo gỡ tồn tại, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, đầu tư công, xuất nhập khẩu…
Cùng với việc chủ động xử lý những vấn đề khó khăn theo thẩm quyền, trách nhiệm được giao, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục cập nhật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh, mang tính đặc thù, chưa được quy định để có giải pháp tháo gỡ, giải phóng các nguồn lực phát triển.
Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ, ngành, khẩn trương tổng hợp chính xác, trung thực, đầy đủ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của địa phương; xác định rõ trách nhiệm giải quyết, hướng dẫn theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành để xử lý trong thời gian ngắn nhất.
"Đây là dịp xem xét tổng thể các vướng mắc của địa phương về thị trường bất động sản, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội… từ đó, đề ra hướng giải quyết trong thời gian ngắn nhất theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm để hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu,… tăng trưởng tốt hơn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh .
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương về vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, đổi mới thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, ban hành công điện chỉ đạo giải quyết những vấn đề cấp bách để bảo đảm cấp điện ổn định cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, dân sinh, do vậy, các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo thực hiện các dự án điện lực theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về chính sách thu hút vốn FDI, Phó Thủ tướng cho rằng, các địa phương không nên dựa quá nhiều vào lợi thế nhân công giá rẻ, ưu đãi thuế, đất đai mà phải có cách làm mới dựa trên tiềm năng, lợi thế riêng để hấp dẫn các nhà đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động rất phức tạp.