Tài quản trị của CEO cứu cánh vượt qua khủng hoảng

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 13:18, 19/05/2023

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong Quý 1 năm 2023, trung bình mỗi ngày có hơn 660 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trước bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh và khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nhiều hệ lụy tiêu cực; vai trò của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã và đang được phát huy một cách rõ nét nhất.

Nhớ lại đầu năm 2020, năm đầu tiên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu tác động của đại dịch Covid-19, đỉnh điểm là sự đứt gãy chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Đến năm 2022, khi đại dịch phần nào đã được kiểm soát thì chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi một cách yếu ớt. Thế nhưng trước sự khó khăn chung ấy, một vài doanh nghiệp cụ thể trong ngành Logistics lại phát triển và vươn lên một cách mạnh mẽ. Theo số liệu phân tích 15 doanh nghiệp Logistics có niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam trong 5 năm trở lại đây thì các yếu tố chính ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động bao gồm: chi phí Marketing, chi phí đổi mới công nghệ và đặc biệt là giới tính, tuổi tác cùng trình độ học vấn của CEO cũng góp phần tác động không nhỏ.

manager-speaks-phone-while-analyzing-some-graphics-monitor-two-screens-compressed.jpeg

Kinh nghiệm - chìa khóa giúp CEO "lèo lái" doanh nghiệp hiệu quả?

Theo số liệu phân tích 15 doanh nghiệp Logistics có niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam thuộc nhiều mảng dịch vụ khác nhau trong ngành như: Sotrans, Gemadept trong lĩnh vực kho bãi; Tổng công ty Hàng không Việt Nam, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất trong lĩnh vực vận tải; CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn, CTCP Cảng Cát Lái chuyên phân khúc khai thác cảng,... cho thấy hiệu quả và tính bền vững của một doanh nghiệp Logistics có thể đo lường bằng tiêu chí lợi nhuận sau thuế và cơ cấu tài sản dài hạn. Việc đo lường bằng phương pháp định lượng này giúp đánh giá khách quan mức độ chịu đựng khủng hoảng cũng như tầm nhìn của người đứng đầu một doanh nghiệp.

Số liệu thống kê các đặc điểm của CEO cho thấy những lãnh đạo theo trường phái kinh nghiệm có xu hướng khó thích nghi trong giai đoạn “bình thường mới” hơn các CEO thuộc thế hệ 7x hoặc thậm chí 8x. Nguyên nhân chính là do các lãnh đạo trẻ mang tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, sẵn sàng thay đổi và “mạnh tay” hơn trong những khoản đầu tư về hạ tầng bến bãi, kho hàng, hay tài sản dài hạn. Một điểm thú vị của bài phân tích chỉ ra rằng yếu tố giới tính cũng tác động không nhỏ lên hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Logistics, cụ thể là nữ giới sẽ có xu hướng kiểm soát tốt chi phí và giúp mang lại tỷ suất sinh lợi tốt hơn nhà lãnh đạo là nam.

Chuyển đổi số hay câu chuyện marketing sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng?

Chuyển đổi số đang là xu hướng được quan tâm trong nhiều lĩnh vực ngành nghề nói chung cả công lẫn tư và ngành Logistics cũng không ngoại lệ. Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tạo tiền đề cho các hoạt động định hướng áp dụng công nghệ diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết. Thế nhưng yếu tố quyết định thành công trong chuyển đổi số vẫn nằm ở quyết tâm và tầm nhìn của chủ doanh nghiệp. Thật vậy, qua số liệu phân tích 15 doanh nghiệp Logistics có niêm yết, hoạt động kinh doanh chỉ thật sự mang lại hiệu quả khi kết hợp được tầm nhìn dài hạn và tài lãnh đạo của CEO cùng với kế hoạch và mục tiêu trong từng giai đoạn cụ thể rõ ràng.

two-men-with-folder-talking-factory-warehouse-compressed.jpeg

Bên cạnh đó, số liệu phân tích cũng cho thấy một kết quả thú vị khác là khi chi phí doanh nghiệp Logistics đầu tư cho Marketing càng cao thì hiệu quả hoạt động kinh doanh càng tiêu cực. Nguyên nhân chính lý giải cho tác động ngược này chủ yếu là do các doanh nghiệp chưa có chiến lược Marketing dài hạn rõ ràng mà chỉ tập trung quảng cáo (advertising) vào những thời điểm, sự kiện như ra mắt sản phẩm dịch vụ mới, khai trương chi nhánh mới, mở rộng kho bãi hay những giai đoạn sản lượng kinh doanh sụt giảm. Theo tác giả, một chiến dịch Marketing tốt luôn đòi hỏi sự am hiểu và phối hợp nhịp nhàng giữa các yếu tố về hàng hoá dịch vụ, giá cả, thị trường mục tiêu, các hình thức thu hút và đáp ứng nhu cầu cốt lõi của khách hàng nên kết quả của hoạt động marketing luôn có độ trễ nhất định so với kết quả của hoạt động bán hàng (selling) dẫn đến chi phí bỏ ra chưa kịp lại mạng hiệu quả đã bị thay thế bởi các hoạt động marketing khác dẫn đến doanh nghiệp bị “rỉa chi phí” mà kết quả mang lại không như kỳ vọng (đó là chưa kể đến một số trường hợp không có kỳ vọng cụ thể để đo lường). Ngược lại, chuyển đổi số một khi được triển khai với sự nghiên cứu bài bản, chọn đúng ngưỡng đánh đổi giữa chi phí nhân sự đang vận hành công việc hàng ngày và vốn đầu tư cho dự án chuyển đổi, sẽ mang lại lợi ích thấy được đáng kể cho doanh nghiệp thông qua việc hạn chế sự phụ thuộc vào yếu tố con người, đặc biệt là những tác vụ giản đơn, lặp đi lặp lại.

Tóm lại, việc một doanh nghiệp Logistics có hoạt động hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng quản trị của CEO, năng lực triển khai dự án của các giám đốc bộ phận cũng như phân bổ hợp lý các chi phí đầu tư, chi phí cho các hoạt động đổi mới công nghệ, quảng cáo, marketing. Và hơn hết, việc tin tưởng vào tổ chức, nỗ lực hết mình của toàn thể cán bộ công nhân viên luôn là động cơ tạo ra sức mạnh giúp mọi doanh doanh nghiệp đều có thể đứng vững và phát triển trước mọi khó khăn thử

Hiếu Tú Thành