Hội nghị khoa học “Quản lý chất lượng môi trường không khí trong hầm giao thông đường bộ Việt Nam”

Hạ tầng - Ngày đăng : 19:34, 19/05/2023

Vừa được tổ chức sáng 19/5/2023 tại Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải Việt Nam (ITST). Hội thảo do Hội Khoa học kỹ thật Cầu đường Việt Nam (VIBRA), Cục Đường bộ Việt Nam (DRVN), ITST đồng tổ chức.
345164298_790758429154674_7340884526241158385_n.jpg
Hội nghị có sự tham gia của ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch VIBRA, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Ngô Thịnh Đức; Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng DRVN, ông Nguyễn Văn Thành, Q.Viện trưởng ITST và lãnh đạo nhiều đơn vị của Bộ GTVT, các nhà khoa học trong lĩnh vực cầu đường Việt Nam. Về phía nước ngoài có đại diện Sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp Nhật bản như JICA, SOHOTSU cũng tham dự Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đến dự khai mạc và phát biểu chỉ đạo.

Trước năm 1990, các công trình hầm xuyên núi hầu hết nằm trên các tuyến đường sắt Bắc Nam - phần lớn do người Pháp xây dựng. Năm 1995, hầm dốc Xây trên QL1A được thi công, khánh thành năm 1999, nhưng chỉ có độ dài 200m. Đến năm 2000 công nghệ xây dựng hầm hiện đại được Nhật Bản chuyển giao và Việt Nam xây dựng hầm đường bộ Hải Vân; sau đó lần lượt là A Roòng (đường Hồ Chí Minh), đèo Cả, đèo Cù Mông...Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng DRVN, DRVN đang quản lý 15 hầm với chiều dài 25,8 km.

Hiện nay, các tuyến cao tốc, nhất là cao tốc Bắc Nam phía Đông đang được thi công, số lượng hầm đường bộ sẽ ngày càng lớn. Ngoài ra còn có hệ thống hầm đô thị, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM. Để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, phương tiện tham gia giao thông qua hầm, nhiều vấn đề như ô nhiễm, bụi mịn, tiếng ồn, phòng chống cháy nổ...trong hầm đường bộ đang đặt ta.

346034563_796516961698015_383216662354266720_n.jpg
Các nhà khoa học cầu đường tham gia Hội nghị

Hội nghị đã được nghe 7 báo cáo tham luận; gồm các tham luận “Nghiên cứu chất lượng không khí trong hầm đường bộ ở các nước trên thế giới”, (ThS. Đinh Trọng Khang, ITST); “Chất lượng không khí trong hầm đường bộ Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”, (TS. Tô Xuân Toàn, Trưởng phòng Cục DRVN); “Đề xuất tiêu chuẩn chất lượng không khí trong hầm giao thông đường bộ Việt Nam", (ThS. Đinh Trọng Khang); “Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí hầm đường bộ ở Việt Nam”, (Ths. Nguyễn Thanh Chính); “Môi trường và giải pháp đảm bảo chất lượng không khí trong hầm giao thông”, (Đại diện Công ty A2Z – Tập đoàn Đèo Cả). Phía Nhật Bản, ông Matsumoto Takuya, đại diện Công ty Sohatsu đã tham gia tham luận “Hệ thống thông gió tiết kiệm điện năng cho hầm Thủ Thiêm – Thiết bị đo đếm giao thông, điều khiển tự động tối ưu và điều khiển biến tần”; ông Sakaguchi Toshiaki tham gia với tham luận “Hệ thống điều khiển thông gió khi xảy ra hỏa hoạn ở hầm thông gió dọc lưu thông hai chiều”.

346102183_681573950397856_2180920872589717175_n.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng DRVN đánh giá cao các báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi của các nhà khoa học, các đại biểu. Ông đánh giá cao năng lực của các nhà thầu Việt Nam, đặc biệt là Tập đoàn Đèo Cả và việc quản lý, vận hành từ khi các đường hầm đưa vào khai thác.

Có một số vấn đề như tiêu chuẩn thiết kế cần phải hoàn thiện hơn, quy trình quản lý, vận hành sát sao hơn...Đặc biệt cần tự động hóa từ quan trắc đến xử lý các tình huống xảy ra trong hầm đường bộ”, ông cho biết.

Chủ tịch VIBRA, Ngô Thịnh Đức đã tổng kết Hội nghị, Ông cám ơn lãnh đạo Bộ GTVT đã quan tâm đến nội dung của Hội nghị; các nhà khoa học Việt Nam và đại diện Nhật Bản đã có những đề xuất quý báu. “Ban KHCN của Hội, phối hợp với DRVN và ITST sẽ phối hợp với nhau rà soát lại các tiêu chuẩn Việt Nam, báo cáo Hội đồng khoa học và lãnh đạo Bộ GTVT về các vấn đề tiêu chuẩn khí thải trong hầm giao thông đường bộ Việt Nam. Nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải nghiên cứu thấu đáo, có tầm nhìn”, Chủ tịch Ngô Thịnh Đức nêu rõ./.

Thành Nam