Những cơ sở đánh giá dịch vụ logistics của doanh nghiệp

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 18:55, 20/05/2023

Mục tiêu của hoạt động logistics là hướng đến 7 Rights. Do đó, giao hàng đủ và đúng hạn đóng vai trò quan trọng hướng đến right time - right customer cũng như góp phần làm hài lòng khách hàng.
3.jpg
Đây là lần đầu tiên hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics ở nước ta được đưa vào áp dụng

Nhằm thực hiện công tác đo lường, đánh giá trực tiếp hiệu quả thực hiện hoạt động dịch vụ logistics, tại Quyết định số 221/QĐ-TTg 22/02/2021 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics.

Đây là căn cứ pháp lý quan trọng nhằm thực hiện công tác thu thập, biên soạn thông tin thống kê về logistics để có thể thực hiện công tác đánh giá hiệu quả thực hiện hoạt động/dịch vụ logistics, từ đó có những đề xuất về mặt chính sách nhằm thực hiện công tác quản lý và tạo thuận lợi để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động logistics cho các doanh nghiệp sản xuất và thương mại. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics. Theo đó, hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics bao gồm 63 chỉ tiêu.

Hệ thống chỉ tiêu này có một số điểm tương đồng với các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả thực hiện dịch vụ logistics của Ngân hàng Thế giới, cụ thể Ngân hàng Thế giới sử dụng các chỉ số như sau:

- Chỉ số LPI (logistics performance index) quốc tế được đánh giá theo 6 tiêu chí, bao gồm: Hạ tầng, giao hàng, năng lực, truy xuất, thời gian và thông quan.

- Chỉ số LPI nội địa được đánh giá trên 4 tiêu chí, bao gồm: Hạ tầng, dịch vụ, Thủ tục và thời gian làm thủ tục tại biên giới và Độ tin cậy của chuỗi cung ứng.

Thông thường, khi các doanh nghiệp chủ hàng đánh giá hiệu quả thực hiện dịch vụ logistics sẽ thông qua các KPIs (key performance indicators) đã được cam kết bởi nhà cung cấp dịch vụ logistics. Tuy nhiên, các KPIs này chủ yếu được đánh giá cho từng doanh nghiệp, do đó việc thu thập dữ liệu đưa vào bộ chỉ tiêu đánh giá ở tầm vĩ mô cho toàn ngành logistics sẽ có ý nghĩa rất quan trọng nhằm cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước thông tin thực tiễn của ngành, từ đó có căn cứ đánh giá năng lực thực hiện dịch vụ logistics để có những biện pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

Đây là lần đầu tiên hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics ở nước ta được đưa vào áp dụng, do đó rất cần thông tin dữ liệu chính thức được thống kê đầy đủ từ Tổng cục Thống kê.

VLRO xin đề cập đến 2 nhóm chỉ tiêu số 7 và số 8 là thời gian, chi phí logistics; và năng lực và chất lượng dịch vụ logistics được lựa chọn đưa vào đánh giá do khả năng tiếp cận thông tin và phù hợp với doanh nghiệp sản xuất và thương mại để đo lường mức độ thực hiện hoạt động logistics.

Các chỉ tiêu cụ thể trong các nhóm chỉ tiêu như sau: Thời gian trung bình thực hiện thủ tục thông quan hàng xuất/nhập khẩu. - Thời gian trung bình thực hiện đơn hàng; Tỷ lệ chi phí logistics trên doanh thu của doanh nghiệp; Tỷ lệ chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics; Tỷ lệ giao hàng đầy đủ và đúng hạn; Tỷ lệ hàng hóa hư hỏng trong quá trình vận chuyển; Tỷ lệ hàng hóa bị khiếu nại; Tỷ lệ hàng hóa bị trả về

Với nhóm chỉ tiêu: thời gian, chi phí logistics:

- Thời gian trung bình thực hiện thủ tục thông quan hàng xuất/nhập khẩu.

Trong quá trình thực hiện khảo sát thực tế đã ghi nhận thực tế khi các doanh nghiệp lựa chọn địa điểm đầu tư để xây dựng nhà máy, thì yếu tố gần nguồn cầu của thị trường rất quan trọng để tối ưu hóa về chi phí và thời gian vận chuyển cũng như thời gian làm thủ tục thông quan.

Chẳng hạn, với trường hợp Công ty Texhong Hải Hà quyết định đầu tư nhà máy tại Móng Cái (Quảng Ninh) do 80% sản phẩm của công ty được xuất khẩu bằng đường bộ qua cửa khẩu Đông Hưng để vào thị trường Quảng Đông (Trung Quốc), do đó việc vận chuyển về Trung Quốc sẽ có lợi thế về thời gian và chi phí so với chính các công ty sản xuất nội địa của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch COVID-19, chính sách Zero-COVID của Trung Quốc khiến hoạt động thông quan và vận chuyển bằng đường bộ qua Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều đến thời gian thông quan và vận tải, vì vậy, công ty đã khắc phục bằng cách thực hiện vận chuyển bằng đường biển thay vì đường bộ như thông thường.

Qua khảo sát thực tế, kết quả cho thấy thời gian trung bình để thực hiện thủ tục thông quan hàng xuất khẩu với phần lớn các doanh nghiệp là dưới 24 giờ (68%). Một số ít trường hợp có thời gian làm thủ tục thông quan kéo dài hơn trên 1 đến 3 ngày (12%). Khoảng 6% doanh nghiệp có thời gian làm thủ tục thông quan từ trên 3 ngày đến 5 ngày (Hình 4.5). Kết quả này cho thấy tương đối phù hợp với quy định về thời gian thông quan theo Luật Hải quan 2014.

Trong khi đó, thời gian trung bình thực hiện thông quan hàng nhập khẩu là dưới 3 ngày (89%). Trong đó, 59% số doanh nghiệp có thời gian trung bình thực hiện thông quan hàng nhập khẩu từ dưới 1 ngày. Số ít doanh nghiệp (11%) có thời gian trung bình thực hiện thông quan trên 3 ngày.

- Thời gian trung bình thực hiện đơn hàng: 

Thời gian trung bình thực hiện đơn hàng là khoảng thời gian từ khi khách hàng gửi đơn đặt hàng và cung cấp đầy đủ chứng từ hợp lệ đến khi khách hàng nhận được hàng hóa. Các yếu tố của thời gian thực hiện đơn hàng bao gồm thời gian đặt hàng, thời gian tập hợp và xử lý đơn đặt hàng, thời gian bổ sung dự trữ, thời gian sản xuất và thời gian giao hàng. Những khoảng thời gian này có thể được kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc lựa chọn và thiết kế cách thức chuyển đơn đặt hàng, chính sách dự trữ, thủ tục xử lý đơn đặt hàng, phương thức vận chuyển và phương pháp lập kế hoạch. Trong năm 2022, do vẫn chịu tác động từ COVID-19 cũng như tình hình thiếu container rỗng, thời gian thực hiện đơn hàng bị kéo dài so với thông thường.

Kết quả khảo sát cho thấy thời gian trung bình thực hiện hoạt động logistics cho đơn hàng là dưới 3 ngày (69%), trong đó 18% doanh nghiệp có thời gian cho hoạt động logistics từ dưới 1 ngày. Có gần 31% doanh nghiệp có thời gian cho hoạt động logistics là trên 3 ngày (Hình 4.7) - điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến chi phí lưu kho, vòng quay hàng tồn kho và chi phí phân phối trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu hoặc tiêu dùng nội địa.

- Tỷ lệ chi phí logistics trên doanh thu của doanh nghiệp

Kết quả Khảo sát cho thấy có khoảng 73% doanh nghiệp có tỷ lệ chi phí logistics trên doanh thu dưới 10%. Có thể thấy tình hình chiến tranh, dịch bệnh, giá nguyên liệu tăng cao trong thời gian qua đã làm tăng đáng kể chi phí logistics. Cụ thể: 58% doanh nghiệp có chi phí vận tải trên 10%, trong đó 39% doanh nghiệp có chi phí này chiếm hơn 30% doanh thu.

- Tỷ lệ chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics

Kết quả khảo sát cho thấy, 42% doanh nghiệp có tỷ lệ chi phí vận tải chiếm dưới 10% trên tổng chi phí logistics, 19% doanh nghiệp có chi phí vận tải chiếm 10% - 30% trên tổng chi phí logistics và 9% số doanh nghiệp tham gia khảo sát có chi phí vận tải chiếm trên 70% chi phí logistics.

Nhóm chỉ tiêu: năng lực và chất lượng dịch vụ logistics

- Tỷ lệ giao hàng đầy đủ và đúng hạn: Tỷ lệ giao hàng đầy đủ và đúng hạn phản ánh hiệu quả của hoạt động logistics trong việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng, được tính bằng tổng số hàng hóa được vận chuyển đầy đủ và đúng hạn cho khách hàng so với tổng khối lượng hàng hóa được giao cho khách hàng.

pexels-artem-podrez-5025667.jpg
Giao hàng đủ và đúng hạn đóng vai trò quan trọng hướng đến right time

Mục tiêu của hoạt động logistics là hướng đến 7 Rights (right time, right cost, right quantity, right condition, right customer, right place and right product). Do đó, giao hàng đủ và đúng hạn đóng vai trò quan trọng hướng đến right time - right customer cũng như góp phần làm hài lòng khách hàng.

Kết quả khảo sát thể hiện tỷ lệ giao hàng đủ và đúng hạn với hơn 46% doanh nghiệp có tỷ lệ này đạt khoảng trên 80% trong tổng số hàng giao. Trong khi đó, có khoảng 19% doanh nghiệp có tỷ lệ giao hàng đủ và đúng hạn là dưới 20%, kết quả này sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự hài lòng của khách hàng, chất lượng và hiệu quả của dịch vụ logistics.

- Để gia tăng tỷ lệ giao hàng đủ và đúng hạn, có thể xem xét một số giải pháp: Nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng nguồn nhân lực; Đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, phương tiện vận tải để đảm bảo hoạt động hiệu quả và ổn định; Đẩy mạnh chuyển đổi số; Thuê ngoài những hoạt động logistics mà việc tự thực hiện không hiệu quả; Tăng cường phối hợp với các bên trong chuỗi cung ứng để giải quyết vấn đề về dòng thông tin trên toàn chuỗi cung ứng.

- Tỷ lệ hàng hóa hư hỏng trong quá trình vận chuyển, Tỷ lệ hàng hóa bị khiếu nại, Tỷ lệ hàng hóa bị trả về:

Tỷ lệ hàng hóa hư hỏng trong quá trình vận chuyển được tính bằng số chuyến hàng có hàng hóa hư hỏng trong quá trình vận chuyển trên tổng số chuyến hàng được vận chuyển đến khách hàng. Hàng hóa bị khiếu nại là hàng hóa đến muộn, hàng không đến, hàng bị hỏng, vỡ,... do lỗi của hoạt động logistics. Tỷ lệ hàng hóa bị khiếu nại được tính bằng số chuyến hàng có hàng hóa bị khiếu nại do lỗi của hoạt động logistics trên tổng số chuyến hàng được vận chuyển đến khách hàng. Trong khi đó, hàng hóa bị trả về là lượng hàng hóa bị khách hàng không chấp nhận và trả lại người bán do lỗi của hoạt động logistics. Tỷ lệ hàng hóa bị trả về được tính bằng khối lượng hàng hóa bị trả về do lỗi của hoạt động logistics trên tổng khối lượng hàng hóa được vận chuyển đến khách hàng.17

Có thể thấy rằng, yếu tố đúng sản phẩm (right product), đúng điều kiện chất lượng (right condition) có vai trò rất quan trọng nhằm đánh giá năng lực thực hiện dịch vụ logistics. Trong giai đoạn dịch COVID-19 căng thẳng, việc giao hàng chậm trễ bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, do đó có thể được xem xét như là trường hợp bất khả kháng. Mặc dù vậy, việc giao hàng chậm trễ nguyên vật liệu sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tương tự như vậy, việc giao hàng chậm trễ đối với hàng thành phẩm phân phối ra thị trường có thể sẽ dẫn đến tình hình thiếu hàng và doanh nghiệp phải chịu các chi phí liên quan đến thị trường và đáp ứng nhu cầu khách hàng, chẳng hạn như chi phí đặt hàng gấp, chi phí vận tải với phương thức vận tải nhanh hơn như vận tải hàng không,...

Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy tỷ lệ hơn 80% doanh nghiệp có tỷ lệ hàng hóa hư hỏng, khiếu nại và trả về trung bình dưới 5%, khoảng 17% số doanh nghiệp có tỷ lệ hàng hóa hư hỏng trên 5% và 14% số doanh nghiệp có tỷ lệ hàng hóa bị khiếu nại trên 5%.

Một số nguyên nhân dẫn đến hàng hóa hư hỏng và bị khiếu nại được các doanh nghiệp đưa ra bao gồm: Dịch bệnh khiến cho thời gian giao hàng kéo dài, làm hư hỏng các hàng hóa. Đặc biệt là hàng hóa có vòng đời ngắn như trái cây, rau, củ;  Cơ sở hạ tầng giao thông; Công tác bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển; Chất lượng nguồn nhân lực: chẳng hạn công nhân chưa tuân thủ quy trình xếp dỡ hàng hóa.; Thiếu các phương tiện vận tải và kho hàng chuyên dụng, như kho lạnh và phương tiện vận tải lạnh.

Đối với các mặt hàng dễ hư hỏng như trái cây, rau củ do đặc tính của hàng hóa có vòng đời ngắn, việc kéo dài tuổi thọ của những hàng hóa này sẽ giúp tránh hoặc giảm thiệt hại từ vấn đề thời gian giao hàng kéo dài. Việc sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại như container lạnh, blockchain, thiết bị theo dõi nhiệt độ hay camera là giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này.

Bên cạnh đó, công tác phát triển cơ sở hạ tầng logistics rất quan trọng. Nếu cơ sở hạ tầng giao thông, các kho hàng, trung tâm logistics và phương tiện vận tải được phát triển đồng bộ và hiện đại sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, cũng như giúp bảo quản hàng hóa tốt hơn. Từ đó tình trạng hàng hóa hư hỏng, khiếu nại hay trả về sẽ giảm đi đáng kể.

Ngoài ra, chất lượng nhân lực logistics cũng có tác động lớn trong việc giảm tình trạng hàng hóa hư hỏng, khiếu nại hay trả về. Ví dụ, một tài xế có kinh nghiệm sẽ quen với cung đường, điều chỉnh tốc độ phương tiện phù hợp với các loại hàng hóa khác nhau, từ đó sẽ làm giảm tình trạng hàng hóa hư hỏng do quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành logistics cần có sự phối hợp của nhiều thành phần khác nhau như nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp.

Thịnh Quang