TP. HCM: Đơn hàng "đi chợ hộ" bất ngờ giảm gần 50%

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:49, 01/09/2021

(VLR) Sở Công Thương TP. HCM đề nghị UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức phổ biến mô hình "đi chợ hộ" thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến nhằm hỗ trợ kênh cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân.

Lực lượng shipper chính thức được phép

Lực lượng shipper chính thức được phép

Trong ngày 31/8, tổng nhu cầu đăng ký đi chợ hộ là 101.645 hộ, giảm 42,5% so với ngày hôm trước. Trong đó, 101.443 hộ đã được cung ứng hàng hoá, đạt tỉ lệ 99,8%.

Lũy kế từ ngày 23/8 đến nay, đã có 892.960 hộ đăng ký "đi chợ hộ", chiếm 45,94% tổng số dân đang sinh sống trên địa bàn. 775.902 hộ đã được cung ứng hàng hoá, đạt 86,89%.

Theo tính toán của Sở Công Thương, tổng nhu cầu đặt hàng "đi chợ hộ" trong 2 tuần TP. HCM áp dụng "ai ở đâu ở yên đó" (từ ngày 23/8 đến 06/9) là 1.943.679 hộ, chiếm 77,6% tổng số hộ dân trên địa bàn TP.

Thực tế, 9 ngày triển khai mô hình "đi chợ hộ" thông qua các lực lượng tại chỗ, Tổ COVID-19... để cung cấp hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân TP đã xuất hiện tình trạng quá tải, gây ùn ứ đơn hàng và khó khăn trong khâu vận chuyển, cung ứng cho người dân.

Để khắc phục tình trạng này, UBND TP đã thống nhất cho phép lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) hoạt động trở lại 8 "vùng đỏ" từ ngày 30/8.

Ngày 31/8, Sở Công Thương TP. HCM đã gửi văn bản đến UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức đề nghị hỗ trợ triển khai mô hình "đi chợ hộ" thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến.

Theo đó, Sở Công Thương TP cho biết vừa qua nhận được đề xuất hỗ trợ miễn phí sử dụng nền tảng công nghệ sẵn có và bổ sung lực lượng giao hàng từ các doanh nghiệp giao hàng công nghệ và sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng, thực phẩm thiết yếu kịp đến tay người dân, Sở đề nghị UBND các quận, huyện TP Thủ Đức nghiên cứu, xem xét mô hình phù hợp để lựa chọn kênh bổ trợ bán hàng và các kênh mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử lớn nhằm gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa cho người dân.

Sở Công Thương cung cấp thông tin đầu mối các giải pháp ứng dụng đi chợ hộ của các doanh nghiệp giao hàng công nghệ, sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Be, Sendo, Grab đến UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Trên cơ sở đó, đề nghị chính quyền địa phương phổ biến các mô hình "đi chợ hộ" thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến đến các phường, xã, thị trấn, các hệ thống phân phối trên địa bàn để triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ kênh cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân địa phương.

Người lao động