Nhà thơ, dịch giả Kiều Bích Hậu: Dịch thuật văn học đòi hỏi tầm nhìn dài hơi về văn hóa

Văn hóa - Ngày đăng : 20:05, 21/05/2023

"Để công tác quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài có bài bản, tôi nghĩ đây là vấn đề rất lớn, không riêng của Hội Nhà văn Việt Nam", nhà thơ, dịch giả Kiều Bích Hậu cho biết.

VLRO: Nhà thơ, dịch giả Kiều Bích Hậu hiện đang ở Ý, tham dự các cuộc giao lưu văn học. Chị vừa viết trên trang các nhân: "Liên hoan thơ châu Âu lần thứ 13 tại Como (Ý). Thật xúc động và ngạc nhiên xiết bao với Giải thưởng đặc biệt tôi vừa được trao chiều hôm qua 20.5.2023 tại đây vì công lao phổ biến, đưa thơ văn Việt Nam lên tầm quốc tế.

Cuối cùng tôi đã có thể mỉm cười sau chuỗi ngày dài làm việc cật lực, liên tục kết nối yêu thương, vì thơ ca, vì dịch thuật và quảng bá văn học, với không ít khổ ải và cả thương đau". 

Nhân niềm vui của chị nói riêng và giới dịch thuật Việt Nam nói chung, VLRO xin giới thiệu trao đổi ngắn giữa chị với nhà thơ Ngô Đức Hành về một số nội dung dịch thuật văn học hiện nay.

347137854_785240313116773_3353152234578048052_n.jpg
Nhà thơ, dịch giả Kiều Bích Hậu tại Liên hoan thơ châu Âu lần thứ 13 tại Como (Ý), ngày 20/5/2023
Nguồn: Fb Kiều Bích Hậu

- Chị nhận diện đội ngũ những nhà dịch thuật Việt Nam hiện nay như thế nào?

- Dịch thuật là việc khó, dĩ nhiên, nhưng không phải khó thì ta bỏ qua. Dịch giả cũng đồng sáng tạo với tác giả. Sẽ không bao giờ có được bản dịch đúng nhất, bởi với mỗi dịch giả, tùy phông văn hóa, trải nghiệm sống và trình độ ngôn ngữ, sẽ cho ra bản dịch riêng, mang dấu ấn của dịch giả, bên cạnh cốt lõi tác phẩm gốc. Có trường hợp bản dịch làm giảm giá trị của bản gốc, nhưng cũng có trường hợp bản dịch nâng tầm giá trị bản gốc. Do vậy, chúng ta không nên vì những rào cản vô hình trong tâm trí mà buông xuôi việc dịch văn học.

Thế hệ nhà văn trẻ 9X, 10X hiện nay giỏi ngoại ngữ, họ có thể sáng tác song ngữ. Đã có những bạn học sinh cấp trung học cơ sở, viết cả tiểu thuyết bằng Anh ngữ và xuất bản được cả trong nước và nước ngoài. Đó là tín hiệu lớp trẻ đã hội nhập tốt hơn lớp cha anh với kỹ năng ngoại ngữ làm công cụ.

- Các dịch giả văn học, suy cho cùng là những sứ giả ngoại giao về văn hóa giữa các dân tộc, các nền văn hóa. Bản thân chị, đã có những đóng góp lớn vào công tác quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Theo chị, Hội Nhà văn Việt Nam cần có chiến lược như thế nào? Nhất là chiến lược về nguồn nhân lực dịch thuật trong thời đại hội nhập ngày càng sâu, rộng giữa các quốc gia?

- Hiện nay không phải là không có những dịch giả giỏi như thời của bác Dương Tường, Bằng Việt, Thúy Toàn,… chỉ có điều chúng ta chưa thực sự quan tâm đến họ, trân trọng và tôn vinh họ cho đúng tầm mà thôi. Dịch văn học là thách thức rất lớn, bởi bất cứ ai cũng có thể lên tiếng phê phán bản dịch, chỉ vì bản dịch không đúng ý của họ, mà người làm trong giới văn chương thì biết, mỗi chữ thì có nhiều tầng nghĩa khác nhau, mỗi nghĩa lại có thể dùng các chữ khác nhau… Nên những ai có tâm đủ lớn, đủ bản lĩnh trước phong ba bão táp dư luận, đủ tình yêu và hiểu ý nghĩa lớn lao của việc dịch văn học, thì mới chuyên tâm làm việc này được.

Hàng năm Hội Nhà văn Việt Nam có trao giải thưởng văn học dịch, nhưng chỉ trao cho tác phẩm văn học dịch xuôi, tức là người lĩnh giải là dịch giả dịch tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt thành công. Theo tôi nên có giải thưởng cho những dịch giả dịch tác phẩm Việt Nam ra tiếng nước ngoài và xuất bản được ở nước ngoài.

348611111_563718489221199_9078117911446959275_n.jpg
Các dịch giả văn học, suy cho cùng là những sứ giả ngoại giao về văn hóa, Nhà thơ Kiều Bích Hậu (áo dài vàng) tham gia sự kiện giao lưu văn học tại Ý

- Như vậy, dịch thuật bên cạnh những vấn đề trong ngắn hạn, cần tầm nhìn dài hơi?

- Để công tác quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài có bài bản, tôi nghĩ đây là vấn đề rất lớn, không riêng của Hội Nhà văn Việt Nam. Với tư cách là người làm công tác dịch thuật, tôi có mấy ý sau:

Trước hết, chúng ta cần tập hợp các dịch giả đã thành danh trên khắp thế giới, đã có tác phẩm dịch văn học Việt Nam và xuất bản ở nước ngoài thành công (dịch giả có thể là người Việt, Việt kiều, người nước ngoài), trao cho dịch giả danh hiệu Đại sứ văn học Việt Nam, liên kết suốt đời với đội ngũ này để họ tiếp tục cống hiến tài năng, tâm sức cho sự nghiệp quảng bá văn học Việt Nam. Đầu tư xây dựng đội ngũ dịch giả mới, trẻ trung, tài năng, hiểu biết và chuyên nghiệp (gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài). Đối đãi đúng giá trị mà các dịch giả cần được nhận;

Thứ hai là, xây dựng Viện dịch thuật văn học Việt Nam để quy tụ đội ngũ dịch giả tài năng, liên kết với các đối tác nước ngoài để mỗi năm xuất bản ít nhất 10 đầu sách văn học Việt Nam tiêu biểu ở 10 quốc gia mạnh về văn chương và có ngôn ngữ phổ cập như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Ý, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Viện dịch thuật văn học Việt Nam cũng sẽ tổ chức các sự kiện như Hội thảo, tọa đàm xuyên quốc gia về các tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu, được giải thưởng trong nước và quốc tế. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu tác phẩm văn học Việt Nam tại các quốc gia khác;

348468041_1219048195557106_1707928646487006478_n.jpg
Nhà thơ, dịch giả Kiều Bích Hậu đọc thơ tại Liên hoan thơ châu Âu lần thứ 13, chủ đề "Hạnh phúc thơ ca" diễn ra tại Como (Ý)

Thứ ba là, thành lập Quỹ Dịch và quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới để kêu gọi nguồn vốn công, tư cho việc dịch văn học Việt Nam, tạo nền tảng trao đổi tác phẩm văn học Việt Nam với thế giới để huy động tác phẩm và quy tụ các nhà xuất bản trên khắp thế giới. Tích cực kết nối và kêu gọi sự trợ giúp về kinh phí và phát hành sách văn học Việt Nam từ các nguồn lực ở nước ngoài. Tổ chức xuất bản các tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam ở nước ngoài và đưa vào hệ thống thư viện nước ngoài. Khuyến khích các tác giả tự đầu tư dịch và xuất bản tác phẩm của chính mình ở nước ngoài;

Thứ tư là, thành lập các nhà xuất bản trong các trường Đại học có khoa ngữ văn và tiếng nước ngoài để các sinh viên và giảng viên, nhà nghiên cứu văn học, các nhà ngôn ngữ học có thể dịch ngược, xuôi, liên kết xuất bản chéo tác phẩm của các nước đối tác. Cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài học tiếng Việt, khi những sinh viên này tốt nghiệp cần ký hợp đồng dài hạn với họ để họ dành thời gian trọn đời dịch tác phẩm văn học Việt Nam;

Thứ năm là, tổ chức xét trao giải thưởng lớn cho các tác giả Việt Nam có tác phẩm văn học, có sách được dịch và xuất bản ở nước ngoài hàng năm, và giải thưởng cho các dịch giả dịch được tác phẩm Việt Nam xuất bản ở nước ngoài;

Thứ sáu là, tổ chức việc quảng bá thật sâu đậm cho một vài tác giả Việt Nam đương đại tiêu biểu, có những tác phẩm giá trị, thuê những dịch giả danh tiếng của thế giới dịch tác phẩm của những tác giả đó và xuất bản ở những nước có thị trường văn học mạnh, hướng tới các giải thưởng danh giá của thế giới như Nobel, Pulitzer, Man Booker quốc tế…

- Cám ơn nhà thơ, dịch giả Kiều Bích Hậu!

z4203545513857_ab30c65dbc82cb65eb4cadd1f62266fb.jpg
Chân dung nhà thơ, nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu
Ảnh: NVCC

* Nhà thơ, dịch giả Kiều Bích Hậu sinh năm 1972 tại tỉnh Hưng Yên, Việt Nam. Cử nhân tiếng Anh. Bà là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Biên tập viên Tạp chí văn hóa NEUMA, Biên tập viên Tạp chí văn học Humanity (Nga), Đại sứ Nhà xuất bản Ukiyoto của Canada tại Việt Nam. Bà là Nhà sáng lập, đồng thời là Trưởng nhóm HFT (Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội, hay còn gọi là Nhóm Hồng hà nữ sĩ. Nhóm được thành lập tháng 10/2020).

* Cho đến nay nhà thơ Kiều Bích Hậu đã có 25 tác phẩm, bao gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn, thơ, dịch...; trong đó có nhiều tác phẩm chị viết bằng tiếng Anh. Chị đã nhận được nhiều giải thưởng văn học có uy tín như Giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn của báo Văn nghệ (năm 2007), Giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội (năm 2009), Giải thưởng truyện ngắn xuất sắc nhất của Tạp chí Văn nghệ quân đội (năm 2015). Gần đây chị nhận được Giải thưởng Nghệ thuật Danube của Hungary (năm 2022). Kiều Bích Hậu là nhà thơ, nhà văn Việt Nam được mời tham gia nhiều sự kiện văn học quốc tế.

Ngô Đức Hành (thực hiện)