Phát triển logistics xanh như thế nào? (Phần 2)
Hạ tầng - Ngày đăng : 08:41, 23/05/2023
Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) nói chung và DN Hội viên VLA nói riêng cung cấp nhiều loại dịch vụ khác nhau trong 17 loại hình dịch vụ logistics. Có DN cung cấp một vài dịch vụ, có DN cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, trong đó có các dịch vụ chính là giao nhận vận tải, kho bãi, khai báo hải quan... Vì vậy có điểm chung và điểm riêng biệt cụ thể. Có nhiều DN hiện đang tiến hành phát triển logistics xanh. Tiêu biểu là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Tân Cảng Sài Gòn đã xây dựng cảng xanh hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường với các mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu sạch, xây dựng và áp dụng các biện pháp bảo vệ và thân thiện với môi trường; bảo đảm anh ninh và phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo chất lượng môi trường của Cảng; sử dụng nhiện liệu sạch tại cảng, xử lý chất thải trong cảng, xây dựng môi trường sinh thái khu vực cảng; xây dựng biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm hài hòa giữa vận tải đường bộ, đường thủy và vận tải biển; ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý các hoạt động của Cảng; thay thế nhiên liệu xăng, dầu bằng điện năng như sử dụng thiết bị điện thay cho dầu diesel, dùng năng lượng mặt trời chiếu sáng văn phòng, cung cấp điện bờ cho tàu; thực hiên các quy định của IMO về phòng chống ô nhiếm theo giới hạn toàn cầu; thực hành tiết kiệm năng lượng; tiến hành đào tạo nguồn nhân lực thích ứng và thực hiện các mục tiêu xanh, sạch nêu trên, nhất là các mục tiêu về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường của Cảng; có quy trình xử lý việc xếp dỡ hàng nguy hiểm; tiến hành tuyên truyền nâng cao nhận thức về logistics cho cán bộ, nhân viên công tác tại Cảng; xây dựng vườn xanh trong Cảng để tăng cảnh quan môi trường thân thiện. Trong đó, Cảng Tân Cảng - Cát Lái tại TPHCM là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng APEC.
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm và ách tắc giao thông, hiện nay, 80% vận chuyển hàng hóa giữa cảng Cái Mép - Thị Vải và khu vực lân cận với Tân Cảng Sài Gòn được thực hiện bằng xà lan thay cho ô tô tải. Ở các cảng thành phần phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long được phát triển vận tải bằng xà lan thay cho xe tải đã góp phần giảm thiểu khí thải CO2. Việc ứng dụng công nghệ e-Port, e-Office, tăng cường họp, giao ban trực tuyến, giảm 3.000 giấy tờ mỗi ngày, qua đó cùng với ứng dụng e-customs đã giảm thời gian xe chở hàng vào Cảng từ 6 phút xuông còn 2 phút/container. Ngoài ra, các DN Gemadept, Bee Logistics... cũng đi đầu trong việc thực hiện logistics xanh như trường hợp của Tân Cảng Sài Gòn.
Đối với các DN cung cấp dịch vụ vận tải, giao nhận, những hoạt động logistics nòng cốt cần xây dựng kế hoạch tiết kiệm nhiên liệu phương tiện vận chuyển, tiết kiệm nước sử dụng trong các hoạt động logistics. Vấn đề sử dụng nguồn nguyên liệu sạch đặc biệt trong sản xuất cung ứng ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng, xem xét việc khai thác và mở rộng ứng dụng khí hóa lỏng, khí thiên nhiên, điện, nhiên liệu hỗn hợp, nhiên liệu sinh học thay thế xăng, dầu nhằm bảo vệ môi trường phục vụ cho mục đích cuối cùng logistics xanh. Hạn chế xả thải trực tiếp ra môi trường, nhất là với chất thải chưa được xử lý, đi đúng hướng theo phát triển bền vững của logistics xanh. Tuân thủ chặt chẽ quy trình vận chuyển các chất có thể gây tác động tiêu cực nếu tiếp xúc trực tiếp với môi trường (hóa chất, dầu mỡ, hàng hóa nguy hiểm). Do đó, cần có công tác đảm bảo an toàn hơn nữa trong quá trình vận chuyển hàng hóa, tránh gây tác động xấu đến con người, môi trường. Xem xét việc sử dụng nguyên liệu có thể tái sử dụng, tái chế để làm kệ, pallet, bao bì đóng gói. Việc tận dụng sử dụng các nguyên liệu tái sử dụng là một vấn đề quan trọng trong việc tối ưu, cắt giảm chi phí logistics.
Hoạt động logistics xanh, logistics thông minh gắn với “đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số” như chương trình hành động mà Nghị quyết Đại hội VIII của VLA đã đề ra là một yêu cầu khách quan và cấp bách đối với các DN Hội viên VLA hiện nay. Phát huy vai trò của mình, Hiệp hội cần có kế hoạch cụ thể, hướng dẫn, hỗ trợ Hội viên thực hiện kế hoạch phát triển logistics xanh đồng thời có hình thức khuyến khích, khen thưởng động viên những Hội viên thực hiện tốt logistics xanh, mang lại lợi ích kinh tế, phát triển dịch vụ logistics quốc gia qua đó phần giảm chi phí logistics, tăng cường năng lực phục vụ và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.
Đặc biệt là việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các yếu tố liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển logistics xanh. Sự quyết tâm của nhà quản trị cấp cao cũng như yêu cầu về một đội ngũ nhân lực chất lượng cao không chỉ giỏi nghiệp vụ, giỏi công nghệ thông tin mà còn có hiểu biết về phát triển xanh, tiết kiệm và tối ưu mọi nguồn lực sẽ là chìa khoá để triển khai thành công mọi chiến lược và kế hoạch phát triển logistics xanh tại DN.